Thursday, July 23, 2009

Trung Quốc(11)

Du lịch Macau, Thâm Quyến, Châu Hải và Quảng Châu
1. Macau: Từ Hongkong đi tàu cao tốc (speed boat) qua Macau là nhanh và tiện nhất. Từ Hongkong island ra bến tàu Sun Tak Centre, bên Kowloon/ Tsim Tsa Chui thì ra bến tàu China Ferry Terminal trong khu cao ốc ở Kowloon. Giá vé cho mỗi lượt là $142-$138 HK (Economy class/ weekdays), $154-$150 HK (weekend/ holidays), $176-$150 HK (Ban đêm), có giá hạng Super Class và VIP nữa, đi khoảng 1giờ là đến Macau Ferry Terminal. Cứ mỗi 15 -30 phút là có một chuyến tàu nên không lo sợ không có tàu qua Macau. Vừa ra khỏi Macau Ferry Terminal đã thấy ngay sinh hoạt và giao thông rất ồn ào, náo nhiệt và ánh đèn muôn màu nhấp nháy của các sòng bạc lớn nhỏ (casino) của Macau.
Đặc khu hành chính Ma Cau (tiếng Hoa: 中華人民共和國澳門特別行政區; tiếng Bồ Đào Nha: Região Administrativa Especial de Macau da República Popular da China, viết tắt là RAEM, tiếng Anh là Macau Special Administrative Region - viết tắt là SAR), còn gọi là Ma Cao (tiếng Hán: 澳門; Hán Việt: Áo Môn) hôm nay đã là một đặc khu hành chính của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ma Cau là một vùng lãnh thổ nhỏ bé với diện tích mặt đất tổng cộng chỉ khoảng
21km2 nằm ở vùng duyên hải phía đông - nam Trung Hoa Đại lục, được bao bọc bởi tỉnh Quảng Đông của CHND Trung Hoa và biển nam Trung Hoa ở phía nam. Vùng lãnh thổ Ma Cau có 3 khu vực chính là bán đảo Áo Môn, đảo Taipa và đảo Coloane. Đường biên giới hành chính trên đất liền của Ma cau nằm trên bán đảo Áo Môn ở phía Bắc, giáp với thành phố Chu Hải của tỉnh Quảng Đông.
Đặc khu hành chính Macau là một trong số các nước, vùng lãnh thổ có nền kinh tế
phát triển trên thế giới. Với GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 17.550USD khiến cho Macau trở thành nơi có mức sống thuộc hàng cao nhất của Châu Á. Các ngành kinh tế chính của Macau được phân chia theo tỉ trọng như sau: Công nghiệp chiếm 25% GDP, nông nghiệp 0%, dịch vụ 75%GDP (Tương đối).
Công nghiệp: Dệt là ngành sản xuất và xuất khẩu chính của Macau, chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu của toàn vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, sản
xuất hàng điện tử, đồ chơi và hoa giả cũng góp phần quan trọng vào cán cân kim ngạch xuất - nhập khẩu của Macau. Năm 2005, Macao xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 1,7 tỷ USD.
Nông nghiệp: Cũng giống như Singapore, Hongkong - Macau không có ngành nông nghiệp vì lãnh thổ có diện tích quá nhỏ hẹp và không được bằng phẳng nên các sản phẩm nông nghiệp được nhập chủ yếu từ Trung hoa Đại lục và một số nước trong khu vực.
Dịch vụ: Có thể nói Macau là một nền kinh tế có tỷ trọng về ngành dịch vụ thuộc
hàng cao nhất trên thế giới theo GDP: chiếm 75%. Các ngành dịch vụ chủ yếu của Macau là kinh doanh sòng bạc, du lịch và tài chính. Năm 2006 Macau đón trên 16 triệu du khách nước ngoài (kể cả du khách đến từ Trung hoa đại lục). Tài chính cũng là thế mạnh kinh tế của vùng lãnh thổ Macau kể từ khi còn thuộc Bồ Đào Nha. Quan trọng nhất của ngành dịch vụ ở Macau là lợi nhuận từ kinh doanh sòng bài. Năm 2006, lần đầu tiên Macau đã vượt qua thủ đô cờ bạc thế giới là Las Vegas (Hoa Kỳ) để trở thành trung tâm cờ bạc có doanh thu lớn nhất thế giới với đa số khác là người Hoa từ Hongkong, Trung Hoa đại lục (mainland), Singapore, Malaysia, Thái Lan, VN…bay qua chơi. Từ đây kéo theo một loạt ngành dịch vụ khác phát triển theo như khách sạn, hàng không, mua sắm... Nhiều sòng bài nổi tiếng của Las Vegas như Wynn, Venetian… cũng có mặt ở Macau với nhạc nước (dancing water) nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều.
Macau là vùng lãnh thổ có ngành du lịch rất phát triển. Với đặc điểm nổi bật là nơi
có nền văn hoá Đông - Tây pha trộn nhau đã làm cho Macau trở thành nơi vừa rất kín và cũng vừa rất mở (Casino và sex show). Vì phần lớn dân cư của Macau là người Hoa và được người Bồ Đào Nha tiếp quản và truyền bá văn hoá phương Tây từ rất lâu nên mới có sự pha trộn trên. Năm 2006, Macau đón trên 7 triệu du khách nước ngoài. Nếu tính luôn cả du khách đến từ Trung hoa đại lục và Hongkong thì con số này là trên 16 triệu người - một con số khổng lồ so với diện tích và dân số của Macau. Trước hết du lịch Macau phát triển mạnh là do chính quyền quản lý trước đây của Macao là Bồ Đào Nha đã mở cửa thông thoáng theo phong cách phương Tây và sau này là Trung hoa cũng dành quy chế đặc biệt để cho Macao phát triển theo. Nói đến du lịch Macau là nói đến các sòng bài nổi tiếng như Grand & Little Lisboa (nơi đây trưng bày khá nhiều cổ vật Trung Hoa quý giá), MGM Grand Macau,Venetian Macau, Wynn, Sands… Quần thể các sòng bạc đồ sộ và sang trọng mang dáng dấp phương Tây và Trung Hoa của Macau đã minh chứng cho điều đó. Đây cũng là nơi mà du khách có lý do ghé thăm nhiều nhất. Bên cạnh khách du lịch với mục đích "đỏ đen" ở các casino, Macau còn hấp dẫn du khách về mặt lịch sử, nghỉ dưỡng và mua sắm. Du lịch Macau, ai cũng muốn xem các di tích lịch sử mang dấu ấn Bồ Đào Nha như mặt tiền Nhà thờ Thánh Paul, Nhà thờ Igreja de Santo Agostinho, khu lát gạch màu (paving pattern) gần Quảng trường Largo do Senado, khu pháo đài cổ Fortaleza do Monte, ngon hải đăng Guia Fortress…, hay ảnh hưởng Trung Hoa như miếu A-Ma,tượng Mẹ Nam Hải, miếu Pou Tai Un/ Taipa, khu vườn Casa, Macau Fisherman's Wharf, Lotus Square…, bên cạnh các công trình kiến trúc mới như Macau Tower, Macau Centre (Avenida de Almeida Ribeiro), Grand Prix Museum, Macau Cultural Centre, cầu Taipa… Khu di tích lịch sử Macau bao gồm Quảng trường Senado, tàn tích Nhà thờ Thánh Paul và Pháo đài cổ Bồ Đào Nha được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào năm 2005. Khu bến tàu Macau Ferry Terminal, khu cầu Taipa, khu Headquarters of Macau Government, hay khu Macau Centre... cũng là những địa điểm du lịch chính của Macau. Hiện tại Macau vừa đưa vào hoạt động khách sạn Venetian Macau lớn nhất châu Á. Vui nhất là đêm Giáng Sinh và đón Năm Mới. Du khách đến từ Hongkong và Trung hoa đại lục chiếm phần lớn trên tổng số du khách đến Macau hàng năm. Các cửa khẩu của Macau - Trung Hoa luôn đông nghẹt du khách qua lại, nhất là cửa khẩu đường bộ nối Macau với thành phố Chu Hải. Macau hiện có 3 cửa khẩu quốc tế chính, đó là:
Cửa khẩu đường biển PORTO EXTERIOR: chủ yếu là khách đi bằng tàu cao tốc từ Hongkong và các vùng khác của Trung Hoa đại lục bằng đường thuỷ. Các tàu du lịch từ nước ngoài đến Macau cũng qua cửa khẩu này.
Cửa khẩu đường bộ PARTIDA: giáp với thành phố Chu Hải của tỉnh Quảng Đông.
Sân bay quốc tế Macau - FMF: có nhiều điểm đến trong khu vực và thế giới.
Mặc dù Macau, Trung Hoa đại lục và Hongkong đều thuộc CHND Trung Hoa nhưng người dân của Hongkong và Trung Hoa đại lục khi vào Macao cũng buộc phải làm thủ tục xuất - nhập cảnh bằng hộ chiếu như khách nước ngoài khác. Dân Macau vừa xài tiền Macanese pataca (MOP), vừa xài tiền Yuen (TQ), vừa xài tiền Hongkong với giá trị tương đương. Macau rất nhỏ nên đi 2 ngày là gần hết đảo.
2. Thâm Quyến: Từ Hongkong ra ga Hung Hom đi tàu hoả/ xe lửa khoảng 1 giờ là đến Lo Wu chỉ tốn $75 HK nhưng phải chịu khó đi bộ qua 2 trạm cửa khẩu
Hongkong và TQ ở bên cầu biên giới Hongkong và TQ. Đây cũng là khu shopping rất phức tạp, thiếu vệ sinh và du khách coi chừng bị lừa gạt, móc túi. Vừa ra khỏi trạm cửa khẩu và hải quan TQ là thấy ngay Thâm Quyến (Shēnzhèn, hay Xóm Tranh). Cần nhớ là cẩn thận khi đi taxi, tuyệt đối không đi taxi không có giấy phép + bảng hiệu + đồng hồ tính tiền vì chắc chắn sẽ gặp nhiều phiền toái, lừa gạt bởi những tên lưu manh rất trẻ nhưng rất gian xảo, lái xe luồn lách rất nguy hiểm và sẳn sàng dở trò bịp bợm, ngang ngược. Tuyệt đối không mua DVD sang lậu. Tuyệt đối không ở các nhà trọ hay khách sạn 1-2 sao trong khu phố đi bộ Đông Môn. Thà ở khách sạn 3-5 sao trong khu Shekou hay Futian mà không phiền toái. Cẩn thận khi đi chơi ở phố đi bộ trong khu Đông Môn, coi chừng bị móc túi, đừng ngần ngại khi trả giá và đếm tiền thật kỹ để tránh bị tráo tiền giả. Dở nhất là cảnh sát TQ ở ngay tại nhà ga Thâm Quyến không biết tiếng Anh và cũng không niềm nở, tận tình giúp đỡ du khách nước ngoài.
Thâm Quyến (Tiếng Hoa: 深圳; pinyin: Shēnzhèn; Hakka:cim1 zun4; Cantonese Jyutping: sam zan; Yale: sām jan, hay Xóm Tranh) là thành phố trực thuộc tỉnh của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Thâm Quyến nghĩa là "con lạch sâu" nhưng hay bị gọi sai thành Thẩm Quyến. Hiện nay còn có sông Thâm Quyến (Thâm Quyến hà) ngăn Thâm Quyến với Hồng Công.
Đặc khu kinh tế Thâm Quyến có diện tích 2020 km², dân số năm 2005 là 4,5 triệu người (kể cả vùng đô thị là 13 triệu), GDP 493,7 tỷ Yuen(Nhân dân tệ). Thành phố giáp biên giới với Hong Kong, cách Quảng Châu 160 km về phía Nam. Cảng Thâm Quyến là một trong những cảng tấp nập nhất Trung Quốc. Trong 20 năm qua, Thâm Quyến đã thu hút 30 tỷ USD đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp bên ngoài.
Thành phố Thâm Quyến bao gồm 6 quận: La Hồ (罗湖), Phúc Điền (福田), Nam Sơn
(南山), Diêm Điền (盐田), Bảo An (宝安) và Long Cương (龙岗). Đặc khu kinh tế bao gồm La Hồ, Phúc Điền, Nam Sơn và Diêm Điền.
Trước khi trở thành đặc khu kinh tế, Thâm Quyến còn là một làng chài. Năm 1979, lãnh đạo tối cao của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Đặng Tiểu Bình đã cho thanh lập "Đặc khu kinh tế" tại Thâm Quyến. Đây là đặc khu đầu tiên của Trung Quốc do lợi thế nằm giáp Hồng Kông (lúc đó còn là một thuộc địa của Vương quốc Anh). Việc thành lập đặc khu này được coi như là thử nghiệm mô hình "kinh tế thị trường" (tư bản chủ nghĩa) tại nước Trung Quốc cộng sản. Địa điểm này được chọn vì cả dân Thâm Quyến và dân Hồng Kông cùng có chung ngôn ngữ (tiếng Quảng Đông), chung văn hóa và dân tộc nhưng lại có giá nhân công, đất đai rẻ hơn nhiều. Ý tưởng đã thành công rực rỡ, tạo tiền đề cho Trung Quốc đẩy nhanh quá trình cải cách mở cửa kinh tế. Thâm Quyến đã trở thành một trong những thành phố lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Châu Giang. Đồng bằng châu thổ Châu Giang đã trở thành trung tâm kinh tế của Trung Quốc và là phân xưởng sản xuất của thế giới. Thâm Quyến, tên gọi trước đây là Huyện Bảo An ((宝安县)- là huyện thuộc tỉnh Quảng Đông vào tháng 11/1979. Tháng 5/1980, Thâm Quyến chính thức được chuyển thành Đặc khu kinh tế. Năm 1988, Thâm Quyến được cho phép có thẩm quyền về kinh tế tương đương cấp tỉnh của Trung Quốc. Thâm Quyến là đặc khu đầu tiên trong 5 đặc khu kinh tế tại Trung Quốc.

Công viên Cửa sổ thế giới nằm trên đại lộ Shennan có diện tích rộng tới 480.000m2 do một công ty du lịch ở Hong Kong đầu tư với lời "rao" khá hấp dẫn: “du khách có thể đi vòng quanh thế giới chỉ trong một ngày!”.Với chiếc xe điện chạy vòng quanh công viên, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh từ trên cao. Ngay ở quảng trường trước cửa vào, công trình kiến trúc kim tự tháp ở lối vào Bảo tàng Lourve đã xuất hiện khiến du khách đổ xô chụp hình lưu niệm. Ngọn tháp Eiffel - tinh túy của nước Pháp (mô hình dựng lại tại đây cao tới 108m!) sừng sững chĩa lên bầu trời lại có tác dụng quảng cáo rất tốt thúc giục du khách phải tham quan khám phá cho kỳ được địa điểm du lịch này.Ở công viên có tất cả 118 công trình xây dựng mô phỏng chính xác những kỳ quan văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu cho các châu lục trên thế giới. Chúng được sắp xếp một cách khoa học vào 9 khu vực tham quan: khu châu Âu, khu châu Á, khu châu Đại Dương, khu châu Phi, khu châu Mỹ, khu giải trí khoa học hiện đại, khu điêu khắc, đường phố thế giới và quảng trường thế giới.Chúng tôi bắt đầu chuyến thả bộ ở khu châu Á với các công trình đền đài nổi bật. Đền Angkor Wat của Campuchia được mô hình theo nguyên bản, mặc dù đã thu nhỏ lại nhiều lần nhưng vẫn có thể cảm nhận được sự rộng lớn và đối xứng của nó. Khu đền Tah Mahal của Ấn Độ hiện ra thật đẹp với màu gạch trắng và hoa văn kiến trúc Ấn giáo...Sang đến khu châu Âu, bạn sẽ gặp những lâu đài cổ hiện ra trên các đồi hùng vĩ nhưng lãng mạn. Hình ảnh cối xay gió của đất nước Hà Lan, tượng nhà soạn nhạc Betthoven ở Áo, Khải Hoàn Môn và tháp Eiffel ở Paris, bức tượng người suy tưởng giữa khu vườn cảnh kiểu châu Âu là những dấu ấn đặc sắc.Nếu chưa đến châu Phi, bạn có thể cưỡi lạc đà băng qua sa mạc trên lục địa này ngay ở công viên và tưởng tượng về cảnh chu du nơi lục địa đen. Bạn cũng có thể vào bên trong “kim tự tháp Ai Cập”. Nhiều du khách đã đứng chụp hình lưu niệm với các tranh tượng thần đậm màu sắc dân gian ở kim tự tháp. Vẻ âm u và cô tịch trong lòng kim tự tháp khiến cuộc tham quan thêm phần thú vị và hứng thú với mọi người. Đến với châu Mỹ, bạn sẽ thấy mình đang ở nước Mỹ với quang cảnh tòa Nhà Trắng và trụ sở quốc hội ở thủ đô Washington. Cách đó không xa là thành phố không ngủ New York với hàng nghìn cao ốc chọc trời hào nhoáng. Còn đây là đỉnh núi ở bang phía Nam Dakota với tượng bốn vị tổng thống Mỹ kiệt xuất. Một chút mát lành cũng đến với người xem khi đứng trước thác nước Niagara hùng vĩ giữa biên giới Mỹ và Canada.Chỉ cần đi thêm một chút là mọi người lại đến Nam Mỹ. Cứ thế, những miền đất rất khác biệt nhau về thổ nhưỡng lẫn khí hậu lại bày ra trước mắt bạn khiến mỗi bước chân dạo quanh thám hiểm càng thêm sự thú vị. Bạn có thể chui vào những hang động ở vùng rừng rậm Amazon châu Mỹ Latin huyền hoặc. Đi qua những khu rừng có các loài động vật tiền sử như khủng long khổng lồ đang cất lên những tiếng kêu vang rền.Ở Cửa sổ thế giới có một sân khấu nhỏ trình diễn múa hát của nhiều dân tộc trên thế giới. Thật thú vị khi được đến đây trùng vào thời điểm các nghệ sĩ đang múa hát làn điệu âm nhạc Việt Nam trên sân khấu. Nghe những bài hát tiếng Việt, ngắm những vũ công mặc áo dài biểu diễn, chúng tôi không khỏi tự hào và nhớ quê nhà.Những báu vật của hành tinh này không phân biệt nơi chốn, xứ sở, mà thật sự là tài sản chung của nhân loại và cần được con người gìn giữ mãi mãi với thời gian...


Mô hình tháp Eiffel tại Cửa sổ thế giới ở Thâm Quyến.
Nằm trong trung tâm của Đặc khu và sát bên Hồng Kông, La Hồ là trung tâm tài chính thương mại, diện tích 78,89 km². Phúc Điền là trung tâm hành chính của thành phố, là trái tim của Đặc khu, rộng 78,04 km². Nam Sơn rộng 164.29 km² là trung tâm của công nghệ cao, quận này nằm phía Đông Đặc khu. Nằm bên ngoài Đặc khu, Bảo An rộng 712.92 km² tọa lạc phía Tây Bắc và Long Cương rộng 844.07 km² tọa lạc về Đông Bắc của Thâm Quyến. Diêm Điền (75.68 km²) là cơ sở dịch vụ container hàng hải (logistics). Cảng Nhan Điền là cảng nước sâu container lớn thứ thứ 2 của Trung Quốc và lớn thứ 4 thế giới.
Cảng Thâm Quyến nằm kề cảng Hồng Kông (cách 20 hải lý). Năm 2005, cảng này
xếp thứ 4 thế giới về khối lượng container (16,2 triệu TEU). Sân bay Thâm Quyến cách trung tâm thành phố 35 km có các chuyến bay quốc tế. Đường sắt và đường bộ hiện đại nối liền với Hồng Kông và các thành phố khác của Trung Quốc. Tàu điện ngầm bắt đầu vận hành từ 27/12/2004, có 2 tuyến. Từ Thâm Quyến có thể đi Chu Hải, Ma Cao, Hồng Kông, Sân bay Chek Lap Kok bằng tàu thủy cao tốc. Thâm Quyến có vài khu giải trí Chinese Folk Culture Villages, the Window of the World, Happy Valley, Splendid China, the Safari Park trong khu Nanshan, phố đi bộ Đông Môn(CBD), phố đi bộ Hua Qiang Bei (CBD), Xiaomeisha Resort trong khu Yantian, khu Lianhuashan Park, Lychee (Lizhi) Park, Zhongshan Park, Wutongshan Park, phố Zhongying, Honey Lake, Happy Valley, Da Mei Sha, Xiao Mei Sha, Lotus Mountain, Bi Jia Shan Mountain, Wu Tong Mountain, Shenzhen Bookstore, Xianhu Lake Botanical Garden và Minsk World; nổi tiếng nhất là the Window of the World và Splendid China. Với 2 Yuen, bạn có thể ngồi xe bus đi dạo thành phố.
Thâm Quyến có 4 trường đại học công lập: Shenzhen University, Shenzhen Polytechnic, Shenzhen Institute of Information Technology, Shenzhen Graduate School of Peking University.
Sau khi đến Thâm Quyến, nói thật là tôi khá thât vọng nên có lẽ sẽ không muốn trở lại nơi này nữa vì đây là thành phố để lại nhiều “ấn tượng” rất xấu qua một anh chàng tài xế taxi trẻ rất lưu manh và một khách sạn quá tệ hại. Dĩ nhiên Thâm Quyến cũng có nhiều người tốt bụng như một cậu bé ở trong chợ Đông Môn hay các cô làm việc trong HSBC bank gần nhà ga Thâm Quyến. Từ Thâm Quyến đi xe lửa khoảng 1 giờ là tới Quảng Châu. Như hầu hết các tỉnh & thành phố lớn ở TQ, đa số dân Thâm Quyến vẫn nghèo khổ, thành phố vẫn dơ bẩn, kẹt xe, lái xe cẩu thả và ô nhiễm trầm trọng.
Vừa ra khỏi nhà ga Lo Wu bước qua nhà ga Thâm Quyến là thấy ngay sự phức
tạp của một xã hội - thế giới khác: từ tư bản qua cộng sản, từ nơi có thể nói tiếng Anh qua nơi chỉ nói tiếng Hoa. Cần lưu ý là khu nhà ga Lo Wu - Thâm Quyến rất dơ và phức tạp, du khách coi chừng móc túi, lừa gạt; thủ tục di trú và hải quan cũng phiền phức y hệt cửa khẩu Mộc Bài. Sang thành phố Thâm Quyến để tìm hiểu sự "đại nhảy vọt" của kinh tế xã hội Trung Quốc theo kiểu "nhất diệp tri thu" (nhìn thấy một chiếc lá rụng cũng biết mùa thu về) nhưng sau khi đến Thâm Quyến, nói thật là tôi khá thât vọng nên có lẽ sẽ không muốn trở lại nơi này nữa vì đây là thành phố để lại nhiều “ấn tượng” rất xấu qua một anh chàng tài xế taxi trẻ rất lưu manh ngay nhà ga Thâm Quyến và một khách sạn quá tệ hại ở trong khu chợ Đông Môn. Cả Trung Quốc có 5 đặc khu kinh tế thì 3 đã ở tỉnh Quảng Đông mà Thâm Quyến (xây dựng từ năm 1988) nổi lên như một biểu tượng thành công của chương trình cải cách mở cửa. Thâm Quyến (Shenzhen) có diện tích gần 2.000 cây số vuông với 6 quận và 18 thị trấn; trong đó diện tích của đặc khu kinh tế chỉ có gần 400 km2 với gần 6 triệu dân. Năm 2004, hàng hóa thông qua cảng Thâm Quyến 135 triệu tấn, gần 14 triệu container, xếp thứ 4 trên thế giới. Sân bay quốc tế vận chuyển hơn 14 triệu lợt khách mỗi năm. Theo tài liệu của chính quyền đặc khu, tính đến năm 2004, tổng số vốn đầu tư vào đây lên tới 54 tỉ USD. Từ Thâm Quyến đi xe lửa khoảng 1 giờ là tới Quảng Châu. Từ Thâm Quyến đến Quảng Châu có những xa lộ và expressway rộng 8 làn xe mất chưa tới 2 giờ. San sát hai bên đường là các khu công nghiệp, các khu chung cư cao tầng đang tiếp tục được xây dựng. Thâm Quyến được biết đến như là nơi tập trung của các công nhân di cư nghèo và những nhà máy sản xuất. Rất nhiều người Hongkong qua đây làm ăn, buôn bán. Mua vé tham quan cho biết các khu Công viên Liên Hoa Sơn, tượng đài Đặng Tiểu Bình, Thung Lũng Hạnh Phúc, Vịnh Thẩm Quyến và Rừng Đỏ, khu Trung Hoa Cẩm Tú (Splendid China), khu “the Window of the World” (Cửa sổ Thế giới tương tự như Legoland nhưng vẫn mang sắc thái và kiểu cách làm ăn của người Hoa, với các kỳ quan thế giới nổi tiếng thu nhỏ như: tháp Eiffel, kim tự tháp Ai Cập, cối xay gió Hà Lan, tháp nghiêng Pisa… Buổi tối thưởng thức chương trình ca múa nhạc dân tộc). Nên nhớ đây là một thành phố TQ chứ không giống như ở Mỹ nên đừng kỳ vọng quá nhiều để rồi ….thất vọng. Mua sắm đồ tại phố đi bộ Cửa Đông & Đông Môn y hệt như đi chợ trời cuối tuần ở Mỹ nhưng phức tạp hơn vì trở ngại ngôn ngữ và phải trả giá khi mà người Hoa ưa nói thách kinh khủng, ch ưa kể là đa số mặt hàng đều là hàng dỏm, hàng giả, hàng nhái... Các trung tâm thương mại Thâm Quyến vẫn không được như Hongkong. Hoa Cương Bắc là khu thương mại sầm uất nhất ở Thâm Quyến. Nơi đây tập trung nhiều chợ, siêu thị, trung tâm thương mại chuyên bán các sản phẩm máy tính, ĐTDĐ, máy MP3, MP4 v.v... Chợ Minh Thông nằm trong khu Hoa Cương Bắc nhưng có nét đặc trưng riêng là chợ bán ĐTDĐ (cellular phone) và linh phụ kiện giá sỉ, cho nên hàng hoá tại đây luôn rẻ hơn bất cứ nơi nào. Những sản phẩm nhái các thương hiệu Nokia, Samsung, Motorola được bày bán rất nhiều. Ai cũng nói Thâm Quyến là “thiên đường mua sắm” nhưng có lẽ chỉ dành cho bà con VN trong nước khi nhiều người choáng ngợp trước đủ thứ hàng dỏm, hàng giả, hàng nhái... tại đây thường rẻ hơn VN.
3. Quảng Châu:
Quảng Châu là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, miền đông nam Trung Quốc. Trong khoảng 15 năm qua, từ một thành phố rộng chỉ 57 km2 với vài triệu dân, Quảng Châu đã mở rộng thành 7.400 km2 và có hơn 15 triệu dân sinh sống, làm ăn rất nhộn nhịp, sầm uất, thu hút du khách thế giới đông đảo, bao gồm khách đầu tư, khách tham qua du lịch... Quảng Châu (chữ Hán giản thể: 广州, phồn thể: 廣州, pinyin: Guangzhōu, Wade-Giles: Kuang-chou, việt phanh: Gwong2zau1, Yale: Gwóngjaū) là thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, nằm trong đồng bằng châu thổ sông Châu Giang. Tên quốc tế của nó trước đây là Canton.
Vừa tới Quảng Châu, bước dạo trên con phố nhỏ yên tĩnh khu Haishu gần sông
Chu Giang, chúng tôi gặp hơn trăm cửa hàng bán sỉ (các loại mũ, cặp tóc, nơ, quần áo phụ nữ và trẻ con), các tiệm ăn và hàng khô (từ măng miến tới tôm khô, vi cá...), các cửa hàng bán kim khí điện máy, TV, tủ lạnh, ĐTDĐ. Ở Quảng Châu, phố nào cũng đầy những cửa hàng bán buôn như vậy. Dạo qua bạt ngàn các kiosque ở các phố nhỏ lân cận và khu chợ bán buôn ở phố HAISHU, chúng tôi mới biết thế nào là "văn hoá buôn bán" ở Quảng Châu.
Khu phố Beijing Lu là toà nhà cao 5 tầng, rất rộng rãi, được gắn máy lạnh, trang trí nửa Tàu nửa Tây. Các kiosque bán hàng san sát từ tầng 1 tới tận tầng 5 với đủ loại: từ đồ chơi, áo quần, đồ gia dụng, giày dép... hàng dỏm, hàng nhái xen lẫn với hàng
giả. Nhiều cửa hàng là nơi giới thiệu sản phẩm, hàng hoá ở đây chỉ mang tính chất trưng bày. Khác với các cửa hàng bán buôn ở những con phố nhỏ, khu bán buôn này thu hút rất nhiều khách du lịch. Ai đến Quảng Châu đều ghé thăm Beijing Lu. Tới Quảng Châu, du khách có thể mua bất cứ hàng hóa cao cấp nổi tiếng nào trên thế giới, từ thời trang Paris (Pháp) đến xe hơi Mỹ, đồ điện tử Nhật, sâm Cao Ly, hoặc gấm Thượng Hải.... Vì vậy mà các chủ hàng luôn sẵn sàng bán lẻ với nụ cười luôn nở trên môi. Nói tới Quảng Châu, Thâm Quyến thì không thể không nói tới phố đi bộ - trung tâm mua sắm lớn nhất dành cho khách du lịch. Ở Quảng Châu thì có phố đi bộ Bắc Kinh, ở Thâm Quyến là chợ Đông Môn. Những khu này nổi tiếng tới mức khách du lịch chỉ cần vẫy taxi, nói bằng tiếng Trung "bồi" là "Bei Jing Lu" và "Tung men" là lái xe taxi gật gù hiểu ngay. Cửa hiệu sáng choang, hàng hoá có nhiều chủng loại từ rẻ tiền tới rất sang trọng, chợ mở cửa tới tận 1-2 giờ sáng. Khác với các khu chợ bán buôn, 2 khu phố đi bộ này có cách bán hàng đặc trưng: cửa hàng nào cũng có những "nam thanh nữ tú" đứng ra tận vỉa hè vẫy người đi bộ vào mua hàng. Họ nói liên tu bất tận, đại ý: "Cửa hàng có hàng mới về đây, mời mọi người vào mua, giá rẻ nhất, chỉ có ...1-15 yuen/chiếc," hoặc "Cửa hàng có đợt giảm giá, mời vào mua". Quả thực hàng giảm giá ở đây rất rẻ, lý do là đã ...lỗi thời/ mốt(old fashioned). Một cái váy, quần jean mặc được giá chỉ khoảng 10-30 Yuen/chiếc. Váy áo trẻ em thì giá chỉ 15-20 Yuen. Thế nhưng những sản phẩm váy áo "cao cấp" thì giá không rẻ chút nào, bèo nhất cũng phải 100-200 Yuen/bộ trở lên. Tại phố đi bộ Bắc Kinh, những bộ váy áo có giá trung bình khoảng 300-400 Yuen/bộ. Vậy mà cửa hàng nào cũng rầm rập khách ra vào, nhất là những cửa hàng bình dân, nhân viên thanh toán bận tới tấp. Tiền thuê cửa hàng nhỏ ở đây cũng đã 2.000-3.000 USD/tháng. Cửa hàng lớn giá thuê có thể lên tới 10.000 USD/tháng. Khả năng bán buôn của dân Quảng Châu với cách quản lý chặt chẽ là điều nên học nhưng những cửa hàng ở đây thường luôn ồn ào, chen chúc và ưa nói thách !
Thành phố Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc là một thành phố giàu truyền thống văn hóa và các phong cảnh thiên nhiên trời phú. Ở đây có 8 cảnh đẹp hay còn gọi là “Dương Thành bát cảnh”, nổi tiếng trong và ngoài nước.
Khu phong cảnh núi Bạch Vân được coi là “Cảnh đẹp đệ nhất của Dương Thành”
nằm ở phía Bắc thành phố, là nơi từ trên cao ngắm cảnh lý tưởng nhất. Rừng che phủ ở đây tới 95%, cổ thụ sum suê, non xanh nước biếc, hoa thơm chim hót, núi non trùng điệp, suối ngàn dọc ngang chi chít. Cứ mỗi khi mưa tạnh, trời hửng nắng, hay vào mùa xuân là mây trắng vấn quanh núi non, tạo thành một kỳ quan vô cùng tươi đẹp. Du khách đến đây vừa chiêm ngưỡng màu xanh của thiên nhiên, vừa du ngoạn các phong cảnh đặc sắc như: Thung lũng Minh Xuân, rãnh Đào Hoa, chùa Năng Nhân, đèo Ma Thiên, rừng Bia... hay Lộc Hồ ở dưới chân núi, nước hồ trong xanh soi bóng núi trông vô cùng ngoạn mục.
Trong “Dương thành bát cảnh,” cảnh đêm trên sông Châu Giang và Yue Xui park
là được nhiều du khách rất yêu thích. Sông Châu Giang xuyên qua thành phố được người Quảng Châu gọi trìu mến là “Dòng sông mẹ”, nó đem lại linh khí cho thành phố. Mỗi khi thành phố lên đèn, sông châu Giang lại huyên náo với nhiều màu sắc lung linh, chiếu sáng những tòa nhà hai bên bờ sông, tạo nên nhiều cảnh đẹp như cầu vồng, hoa nở như gấm vóc, cũng có nơi trông như muôn ngàn vì sao... Hôm sau, đi tham quan Công viên Việt Tú với biểu tượng Ngũ Dương, nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn, khu nhà họ Chen, Công viên Hoàng Hoa Cương với mộ của 72 liệt sĩ trong đó có liệt sĩ Phạm Hồng Thái, chùa Lục Dung, phố Thượng Hạ Cựu, làng các dân tộc, khu Sea World (Thế Giới Đại Dương - xem show biểu diễn cá heo và thần thoại về người cá).
Ra khỏi xe điện ngầm (subway) là gặp ngay khu nhà họ Chen còn gọi là Chen Clan Academy. Trước cổng là một công viên rất đẹp với nhiều tượng mô tả văn hoá Trung Hoa. Bên trong là nơi thờ phượng gia tộc Chen (Chen nổi tiếng vì ông thi đậu hạng 3 trong kỳ thi tuyển của vua Thanh (1644-1911), sau này ông đóng góp tiền bạc vào việc xây dựng nên Hoàng Hoa Cương với mộ của 72 liệt sĩ), nay
được bảo tồn vì Tôn Trung Sơn từng sống ở đây suốt thời kỳ chiến tranh nha phiến.
Bỏ ra 10 Yuen để vô tham quan nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn chỉ để coi bức tượng đồng của họ Tôn trong một hoa viên xinh đẹp và bên trong nhà tưởng niệm là một hội trường rộng lớn mà dọc theo tường bao quanh bên ngoài là những phóng ảnh cho thấy quan hệ giữa họ Tôn và họ Mao với lời lẽ tuyên truyền đặc sệt cộng sản. Cả 2 nơi đó là di tích lịch sử chứ chẳng có gì hấp dẫn, không cần phải mua vé vào xem.
Công viên Việt Tú (Yue Xui park) có thể nói là một công viên lớn (860,000 square meters/ 212.5 acres), đẹp với rất nhiều tác phẩm điêu khắc, cây cảnh và hoa nằm dưới chân một ngọn đồi ngay giữa thành phố.
Trên đỉnh đồi là Zhenhai Tower. Từ sáng sớm, rất nhiều người già đã vào đây vừa gặp nhau trò chuyện hay ca hát nghêu ngao những bài ca dân gian TQ, vừa tập thể dục dưỡng sinh hay Thái Cực Quyền (Tai Chi), vừa ngắm hoa, cây cảnh và tác phẩm điêu khắc quanh hồ (nhân tạo). Mùa xuân tháng ba, hoa Mộc Miên (bauhinia) là biểu tượng của thành phố nở rộ, tím rực. Vé vào cửa: 5 CNY.
Công viên Hoàng Hoa Cương: Tôi đến công viên Hoàng Hoa Cương vào sáng sớm (7:15am) thứ Bảy vì muốn viếng thăm nơi chôn cất liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Hoàng Hoa Cương nằm trên một con đường chính của thành phố có tên là Senle Lu (Tiên Liệt Lộ). Công Viên Hoàng Hoa Cương là một trong “Quảng Châu Bát Cảnh” của thành phố. Đây là nơi chôn cất 72 liệt sĩ của Trung Hoa Quốc Dân Đảng cầm đầu một cuộc khởi nghĩa không thành công chống triều đình nhà Thanh ngày 27 tháng 4 năm 1911. Toàn thể 72 người nầy là những đảng viên trẻ và ưu tú của Quốc Dân Đảng bị giết hoặc xử tử. Mặc dù thất bại, cuộc khởi nghĩa nầy dẫn đến Cách Mạng Tân Hợi thành công tại thành phố Vũ Xương 6 tháng sau đó (ngày 10 tháng 10 năm 1911). Chủ Tịch Quốc Dân Đảng là bác sĩ Tôn Dật Tiên tuyên bố sự cáo chung của nhà Thanh, mở ra thời đại Trung Hoa Dân Quốc. Thật ra, Hoàng Hoa Cương là nơi an nghỉ của hơn 80 anh hùng liệt sĩ thời Dân Quốc mà Phạm Hồng Thái là một liệt sĩ nước ngoài duy nhất được chôn cất ở đây. Hoàng Hoa Cương chiếm một diện tích 130.000 m2 với một cửa Tam Quan hùng tráng được khắc bốn chữ “Hạo Khí Trường Tồn” do bác sĩ Tôn Dật Tiên đề. Đi qua cửa Tam Quan là bức tượng Nữ Thần Tự Do được mô phỏng theo Statue of Liberty của Mỹ.
Từ cửa Tam Quan là một con đường 200 m dẫn đến tấm bia khắc tên 72 liệt sĩ. Mỗi ngôi mộ ở đây được xây cất theo nhiều phong thái khác nhau trông rất hùng tráng và uy nghiêm. Mộ của Phạm Hồng Thái ở phiá sau công viên tọa lạc trên một khoảnh đất khá rộng. Trước khi bước vào khuôn viên ngôi mộ có một tấm bia lớn viết bằng tiếng Hán lược thuật lại hành động anh hùng của ông. Ngày 19 tháng 6 năm 1924, sau khi viết bảng cáo trạng tố cáo tội ác của thực dân Pháp đến nhân dân toàn thế giới, Phạm Hồng Thái giả dạng ký giả vào Khách Sạn Victory tại tô giới Sa Diện để ám sát toàn quyền Merlin. Merlin thoát chết và Phạm Hồng Thái phải gieo mình xuống dòng Châu Giang tự tử. Cảm xúc trước hành vi anh hùng của Phạm Hồng Thái, Thị Trưởng Quảng Châu lúc đó là Hồ Hán Dân của Chính Phủ Quôc Dân Đảng đem thi thể Phạm Hồng Thái an táng tại Nhị Vọng Cương trong khuôn viên Hoàng Hoa Cương. Ngôi mộ được thiết kế để tấm bia quay về hướng Tây Nam là hướng của Tổ Quốc Việt Nam. Đến năm 1958, vì nhu cầu xây đường xe trong thành phố, ngôi mộ được di chuyển đến vị trí hiện tại và được Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Quảng Châu trùng tu cho đến ngày hôm nay. Tấm bia được viết bằng tiếng Việt phiá trên “Mộ Liệt Sĩ Phạm Hồng Thái”, phần dưới tiếng Hán ghi là “Việt Nam Phạm Hồng Thái Liệt Sĩ Chi Mộ”. Tôi đứng trước ngôi mộ chắp tay lại vài giây để tưởng niệm một người anh hùng đã vì sự nghiệp giải phóng dân tộc bỏ mình nơi đất khách. Kế bên ngôi mộ Phạm Hồng Thái có một ngôi mộ người Việt Nam nhỏ hơn trông rất đơn sơ (có lẽ là đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam? không biết có liên hệ gì đến Phạm Hồng Thái?). Trong công viên Hoàng Hoa Cương có thể thấy những người cao niên tập Taichi hoặc cùng nhau ca những bài ca kịch Quảng Đông với tiếng đàn Nhị hồ và tiếng sáo. Quanh công viên Hoàng Hoa Cương có những khách sạn sang trọng.
Tee Mall (Tian He Cheng) nằm trong khu Tian He (208 Tianhe Lu),là một trong
các khu thương mại (shopping mall) lớn và nổi tiếng nhất ở Quảng Châu và TQ, có nhiều khu ăn uống, vui chơi giải trí, nhiều cửa hàng với đa số là hàng hoá sản xuất ở Quảng Châu và TQ với giá nhất định mà xem ra cũng không rẻ hơn California, kiểu cách lại không hợp với thời trang bên Mỹ cho lắm.
Quảng Châu còn có nhiều chùa chiền cổ, lâm viên, trường học, cũng có nhiều tòa kiến trúc, lầu chuông và nhà thờ đậm đà phong cách kiểu kiến trúc Gô-tích và đạo Hồi. Khá đông dân đạo Hồi sinh sống và buôn bán ở Quảng Châu, họ rất hiền lành và chịu khó. Chùa Lục Dung, ngôi chùa có lịch sử hơn nghìn năm, lâu đời hơn cả thành phố Quảng Châu (chưa có Quảng Châu đã có mặt ngôi chùa này). Chùa Quang Hiếu (Bright Filial Piety Temple – Guangxiaosi, nằm cuối đường
Guangxiao, có trên 1700 năm (trước khi Quảng Châu ra đời), là di tích lịch sử nổi tiếng. Đền Hoài Sơn (Huaisheng Mosque) ở số 56, đường Guangta, có từ thế kỷ thứ 7 (đời Tang Dynasty, 618-907), là nhà thờ đạo Hồi nổi tiếng nhất Quảng Châu. Đền “6 cây Banyan” (Temple of the Six Banyan Trees - Liu Rong Si Hua Ta) có từ thế kỷ thứ 5, là đền thờ hình bát giác cao 184 bộ, nhìn bề ngoài có 9 tầng với ban-công nhưng thực ra đền này có 17 tầng. Quảng Châu còn có khu Sở Th ú (Zoo) và Xiangjiang Safari Park, khu Chimelong International Circus - Water Park- Paradise Amusement Park, Viện Bảo Tàng Tây Hán và nhà mồ của vua Nan Yue (Museum of the Western Han Dynasty Mausoleum of the Nan Yue King) nhưng vì thời gian hạn chế nên tôi không ghé đến.
Quảng Châu là một trong những cảng + kho containers lớn nhất của Trung Quốc. Tàu thuyền từ khắp nơi trên thế giới đến neo đậu tại đây.

Viện bảo tàng Quảng Châu hiện cất giữ khá nhiều văn vật cổ đại, nói lên những năm tháng huy hoàng của nền văn hóa Quảng Châu.
Quảng Châu vốn xưa kia có tên Canton, nổi tiếng thế giới về các món ăn hải sản, đặc sản, độc đáo và bổ dưỡng nhất thế giới, du khách ai cũng muốn đến “ăn thử
cho biết”, rồi kháo nhau đến Quảng Châu rất đông. Người Trung Quốc thường có câu “Ăn tại Quảng Châu”. Điều đó chứng tỏ nền văn hóa ẩm thực của Quảng Châu rất đặc sắc. “Ăn tại Quảng Châu” có nghĩa là lấy món ăn của Quảng Đông làm chính, lấy tám hệ món ăn của Trung Quốc kết hợp hài hòa với các món ăn ngon trên thế giới như: Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, món ăn phương Tây... Là biển hoa, đô thị ẩm thực, nơi dừng chân của du khách, thiên đường của cuộc sống. Đó chính là ấn tượng của khách du lịch về thành phố Quảng Châu. Hiện nay Quảng Châu có tòa nhà Citic Tower & Guangzhou Park Hyatt Hotel là 2 trong 10 tòa nhà cao nhất trên thế giới! Trước nhà ga Quảng Châu có một công viên rộng lớn và khá xinh đẹp, có thác nước đổ xuống từ trên sân thượng rộng lớn vốn là mái che của lối vào nhà ga Quảng Châu. Thành phố Quảng Châu đang tiến hành xây dựng TV Tower với chiều cao 610 m - một công trình hy vọng sẽ có tên trong danh sách những tòa nhà cao nhất thế giới Công trình có hình ống (tube), sàn và đỉnh đều là mặt hình ellipse, có phần eo thon thả ở giữa. Tất cả các khu làm việc của tòa nhà khổng lồ này đều ở bên dưới và kết nối với khu phụ trợ bên cạnh công trình ở dưới mặt đất - Nơi đây sẽ hỗ trợ những không gian khác như nhà bảo tàng, khu ăn uống, trung tâm thương mại, bãi đậu xe. TV Tower hy vọng sẽ thu hút khoảng 10.000 khách tham quan hằng ngày trong Á Vận hội 2010. Thang máy chạy chậm để ngắm cảnh và thang máy đôi tốc độ cao đều được sử dụng để phục vụ cho việc đi lại trong tòa cao ốc. Từ độ cao 80 đến 170 m sẽ bao gồm các khu chức năng như phòng chiếu phim 4 chiều, nhà hàng, cửa hàng cafe, vườn cảnh ngoài trời. Ở độ cao từ 170 m trở nên sẽ có thang bộ ngoài trời, giúp khách tham quan có được một cảm giác đặc biệt. Công trình do Công ty IBA và Arup của Hà Lan thiết kế, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2009 để kịp phục vụ cho Á Vận hội.
4. Châu Hải:
Từ Macau đi xe bus qua cửa khẩu ngay cầu biên giới Châu Hải – Macau là tới Châu Hải. Từ Thâm Quyến đi xe lửa khoảng 2 giờ là tới Châu Hải.
Châu Hải hay Chu Hải (tiếng Hoa: 珠海; pinyin: Zhūhǎi; nghĩa là "Biển Ngọc") là
một thành phố trực thuộc tỉnh (cấp địa khu) ở bờ biển phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đường bộ: Đường cao tốc nối Chu Hải với Phật San. Cầu nối Chu Hải với Macau (Lotus Bridge) xây dựng năm 1999. Dự án cầu Hong Kong-Chu Hải-Macau đang triển khai. Tọa lạc ở đồng bằng châu thổ sông Châu Giang, Châu Hải giáp Giang Môn ở phía tây bắc, Trung Sơn phía Bắc và Macau phía nam. Châu Hải cách Quảng Châu 140 km về phía tây nam, Châu Hải gồm 146 hòn đảo, bãi biển dài tổng cộng 690 km. Thành phố Châu Hải có 3 khu: Hương Châu (香洲区), Đầu Môn (斗门区) và Kim Loan (金湾区). Diện tích: 1.653 km², dân số: 1,38 triệu.
· Cảng biển: Cảng nước sâu với môi trường sạch. Hai cảng biển quốc tế: Cửu Châu (九州港) và Cao Lan (高蘭港). Cao Lan là cảng hàng đầu ở Quảng Đông, Cửu Châu là cảng hành khách đi đường biển lớn.
· Do môi trường sạch đẹp, năm 2002, thành phố đã đón 1,3 triệu khách quốc tế và 3,64 triệu khách nội địa. Sau Quảng Châu và Thâm Quyến, Châu Hải là thành phố đạt doanh thu du lịch lớn thứ ba của tỉnh Quảng Đông (0,5 tỷ USD). Công viên Viên Minh Tân (圓明新園) rộng 1,39 km² bao gồm hồ rộng 80.000 m² là nơi tham quan hấp dẫn dựa theo mô hình của Di Hòa Viên của Bắc Kinh bị liên quân Anh-Pháp phá hủy năm 1860 trong cuộc Chiến tranh Nha phiến. ·

Trong các thành phố Trung Quốc ở ven biển Đông, Chu Hải được coi là phát triển năng động nhất sau khi chính sách mở cửa ra đời ở đất nước đông dân nhất hành tinh này. Chu Hải không có trong các tour đến Trung Quốc, dù vậy đây vẫn là một trong những nơi đáng đến thăm cho biết. Phật Sơn gần Quảng Châu và có mối liên hệ rất chặt chẽ với Quảng Châu. Một vùng đô thị Quảng Châu-Phật Sơn đang được hình thành. Nhân vật quan trọng gắn liền với Phật Sơn là Hoàng Phi Hùng.Từ Phật Sơn, con đường cao tốc sẽ đưa bạn đến với Chu Hải khi trời vừa sụp tối. Bữa tối trong một nhà hàng hải sản ven biển mà dù đang no bụng người ta cũng khó cưỡng lại sự quyến rũ của những con tôm hùm nướng đỏ au, những đĩa sò huyết xốt cay kiểu Tứ Xuyên, những con cá mú chưng xì dầu thơm phức... Từ nhà hàng, nhìn sang bên kia đường, nơi đèn đuốc như sao sa giăng mắc trên những tòa nhà chọc trời sáng rực, đó là Macau. Macau, đặc khu hành chính của Trung Quốc, tương tự như Hong Kong, giáp với Chu Hải đến mức gà bên Chu Hải gáy thì người Macau cũng nghe rõ mồn một. Vậy mà trong cả trăm năm trời, khi Macau chưa trở về với Trung Quốc thì khoảng cách ấy mới thật xa xôi. Bây giờ thì người dân Chu Hải có thể thoải mái sang Macau, tất nhiên vẫn phải có những thủ tục, giấy tờ cần thiết. Rời khu vực trung tâm Chu Hải nhộn nhịp với các nhà hàng, quán xá, trung tâm mua sắm đông nghẹt người, chẳng kém quang cảnh ở khu Orchard của Singapore hay khu trung tâm của Phuket ở Thái Lan, bạn sẽ đến với một Chu Hải khác về đêm, nơi chỉ có những công viên và những con đường rợp bóng cây. Trong không khí mát lạnh tưởng có thể đi bộ mãi mà không thấy mệt, bạn có thể bất chợt nghe những thanh âm réo rắt, du dương của một điệu valse vang lên ở một vùng sáng giữa công viên. Thật ngạc nhiên: hàng trăm cặp nam nữ, lớn tuổi cũng có mà thanh niên cũng không thiếu, đang dìu nhau những bước valse dìu dặt theo tiếng nhạc phát ra từ một máy CD đặt trên ghế đá. Phong trào khiêu vũ phát triển mạnh ở Chu Hải, không chỉ giới trí thức mà người lao động bình thường cũng thích học nhảy. Người ta thường khiêu vũ ở các vườn hoa, công viên vào buổi tối, chẳng khác các hoạt động thể dục, tập khí công buổi sáng. Ban ngày mới nhìn rõ hơn diện mạo Chu Hải. Đường phố chính xanh và sạch hơn Thâm Quyến & Quảng Châu, thậm chí có những con đường cây đan vào nhau thành vòm khiến xe cộ như đi trong một đường hầm xanh. Những cây bauhinia hoa tím đỏ rụng đầy trên một góc phố. Chim chóc và sóc chuyền cành như trong công viên. Trẻ con đi bộ trên vỉa hè rộng rãi hoặc đi xe đạp đến trường. Hầu như không thấy một xe gắn máy nào dù bạn cố chú tâm tìm. Xe buýt, ôtô và xe đạp là các phương tiện đi lại trên đường. Điều ngạc nhiên là đi qua nhiều con đường với nhiều ngã rẽ, bạn không hề tìm thấy những con hẻm nho nhỏ, be bé quen thuộc ở quê mình, với những xóm dân cư tập trung, với nhà cửa đủ kiểu thấp cao, thò ra thụt vào và thường là lôi thôi lếch thếch... Trên mặt tiền đường phố cũng không có cửa hàng, quán xá bán buôn tưng bừng lấn hết vỉa hè của người đi bộ như VN. Chỉ thấy những khối nhà chung cư ở Chu Hải. Những xóm nhà đã hóa thân vào các chung cư xây đẹp, cao vài ba chục tầng, chung quanh là thảm cỏ, vườn hoa, cây xanh và lớp lớp người đang tập thể dục, tập thái cực quyền buổi sáng trước sân các khu nhà ấy. Nhìn trên bản đồ, Chu Hải thuộc bình nguyên phía nam của đồng bằng Châu Giang, con sông chính của miền nam Trung Quốc, lại có cửa sông đổ ra biển Đông, cách Hong Kong vài chục cây số và giáp với Macau ở phía nam. Đến đây bạn đừng bỏ qua thăm quan tượng nàng tiên cá trên vịnh Chu Hải. Nàng tiên cá hôm nay, trong tư thế hai tay giơ cao nâng một viên trân châu, là một tác phẩm điêu khắc bằng đá hoa cương cao tới 7,8m nhưng thật thanh nhã giữa biển khơi lộng gió. Viên ngọc trai mà nàng nâng cao luôn tỏa sáng lấp lánh. Đó cũng là biểu tượng của thành phố mang tên Biển Ngọc (Chu Hải) nằm trên dòng sông Ngọc (Châu Giang), một biểu tượng đầy lãng mạn hướng tới tương lai.
Kết luận: So với Hongkong và Macau, Quảng Châu - Thâm Quyến - Châu Hải vẫn còn một khoảng cách khá xa về kinh tế - xã hội, đời sống vật chất & tinh thần, trình độ dân trí, ý thức tự giác, nề nếp kỷ luật, trật tự an toàn giao thông, quản lý và phát triển đô thị, khả năng giao tiếp và kinh doanh du lịch… cho dù họ đều là người Trung Quốc. So với VN và Thái Lan, hầu như mọi thứ dịch vụ cho du lịch và ăn uống ở Hongkong, Macau, Quảng Châu - Thâm Quyến - Châu Hải đều mắc hơn nhưng theo tôi thì món ăn không ngon lành như thiên hạ đồn đãi quá đáng. Theo tôi, thức ăn Tàu và tất cả hàng hoá đều không ngon và rẻ bằng khu Chinatown ở Los Angeles hay khu Rosemead, Monterey Park, San Gabriel (CA)(12-2007)

No comments:

Post a Comment