Thursday, July 23, 2009

Du lịch Oahu, Hawaìi



Tôi đã biết Hawaìi qua nhiều sách báo, phim ảnh nhưng chưa bao giờ đặt chân đến Hawaii nên khi quyết định đi Hawaii thì tôi phải làm study & research kỹ lưỡng rồi mới đặt vé máy bay, thuê xe & khách sạn. Hawaii có 8 đảo lớn và trên 124 đảo nhỏ, trải ra như một chuỗi ngọc trai (pearl) dàì trên 1,500 miles. Trong số 8 đảo chính: Oahu, Maui, Hawaii (còn gọi là Big Island), Kauai, Molokai, Lanai, Kahoolawe (không có người ở) and Niihau (tư nhân làm chủ), du lịch lần này tôi chỉ có thể ghé qua 1 đảo: Oahu. Mua vé của Southwest nhưng rốt cuộc phải đi máy bay của hãng ATA mới thấy ham rẻ là sai lầm to lớn. Suốt chuyến bay dài trên 5 giờ mà chỉ được uống nước lã cầm hơi, không hề có một miếng pretzel hay cookie nào để ...đỡ đói ! Muốn ăn, phải mua với giá ..."chặt đẹp" (một gói snack mua ở Costco chỉ có $1 USD mà trên máy bay ATA charged trên $5 USD) ! Khi sắp hạ cánh, ông phi công lại cho bà con hành khách một phen hết hồn vì turbulence và đe dọa khủng bố !
Xuống phi trường Honolulu- thủ phủ của Hawaii và cũng là trung tâm chính của đảo Oahu, ai cũng phải công nhận đây là "cửa khẩu sân bay" tiếp đón hành khách một cách thân thiện (friendly), lịch sự, niềm nỡ hơn bất kỳ phi trường nào khác của Hoa Kỳ. Chúng tôi ra chổ thuê xe và hầu hết các dịch vụ (services) cũng đều thấy thái độ vui vẻ nên dù bị "chặt đẹp" ở "thiên đường du lịch" này ai nấy cũng cảm thấy mát lòng mát dạ. Theo bản đồ, tôi lái xe về Chinatown để tìm một nhà hàng VN mà ăn một bụng cho no trước đã, rồi nhất định sẽ tìm mua trái cây "nhiệt đới" để ăn lai rai cho đỡ thèm trái cây VN. Nghe nói ở đây tha hồ ăn mít, xoài, sapochê, đu đủ, ổi, mãng cầu xiêm, mãng cầu ta(dai),v.v... y như VN nên chúng tôi náo nức lắm cho dù "lưỡi lam" nơi này cũng bén ngót. Từ phi trường ra xa lộ 1, vô exit Liliha quẹo phải đi gần tới đường King là gặp ngay Chinatown với vài tiệm ăn VN. Nhà hàng VN ở đây nhỏ hơn so với đa số nhà hàng ở Bolsa nhưng phải nói là đa số chủ quán và nhân viên đều thân thiện, tử tế và niềm nỡ hơn rất nhiều. Họ sẳn sàng hướng dẫn tỉ mỉ đường đi nước bước, dặn dò kỹ lưỡng. Theo anh chủ quán cho biết thì Chinatown đã hình thành từ thế kỷ 17 (1800s) khi những người Hoa đầu tiên di dân đến đây để làm phu lao động cho các đồn điền mía và họ đã lập ra phố Tàu này ngay trên khu đất rộng 25 mẫu ngay góc đường River & Beretania. Hôm nay, họ vẫn giữ gìn ngôn ngữ, sắc thái, tập quán, phong tục và sinh hoạt buôn bán truyền thống qua các chợ + nhà hàng bán dimsum & thức ăn + quần áo + đủ loại vật dụng Trung Hoa, hay qua kiểu kiến trúc + văn hoá Trung Hoa. Kế bên Chinatown là khu thương mại & hành chánh và nhà bưu điện. Trên đường King có khá nhiều công trình kiến trúc như viện bảo tàng, cung điện Iolani với đền thờ và tượng vua Kamehameha I (người đã dời đô ra Waikiki), nhà thờ Mission House Museum và Toà Án. Chinatown nằm giữa đường King & Nimitz Hwy chạy dọc theo bờ biển Honolulu nên ăn uống & đi chợ mua trái cây xong thì cứ lái xe tà tà theo Nimitz Hwy đổi thành Ala Moana Blvd rồi cứ cặp theo bờ biển Waikiki mà tới khách sạn nằm trên đường Kalakaua, giữa bãi biển Waikiki và Kuhio, cũng gần kênh Ala Wai.
Muà hè nên thành phố & bãi biển rất đông du khách, nhất là giới trẻ tha hồ mặc đồ tắm dạo chơi trên bãi biển, vĩa hè hay shopping. Rất nhiều tiệm tạp hóa ABC (tương tự 7-eleven) ở khắp hải đảo này, mở cửa 24/24, bán đủ loại vật dụng cần thiết cho du khách. Thêm một điều đáng ghét nữa là chuyện phải trả tiền parking mỗi ngày tới $15 USD (dã man!). Thuê phòng trên internet thấy giá rẻ tưởng bở..., ai dè tiền nào của đó. Thuê phòng giá rẻ thì phải ở phòng nhỏ & cũ hơn, không có view như bà con khác nhưng đi bộ ra bãi biển Waikiki cũng không xa lắm, chỉ 2 block thôi. Lâu lắm mới ra tắm biển. Waikiki nằm ngay trung tâm thành phố và gần các khách sạn, không sâu lắm, nước ấm, ít sóng, an toàn nên rất đông gia đình có trẻ con ra đây tắm. Điểm đáng khen nhất là landscape bãi biển được design và chăm sóc rất tốt với hàng dừa, phi lao và rất nhiều loại cây trồng của Hawaii, nhất là những cây phượng vỹ nở hoa đỏ ối rất đẹp, hơn cả Ft. Lauderdale hay Miami của Florida, gợi nhớ hình ảnh mùa hè ở VN. Trên bãi biển Waikiki có tượng của Duke Paoa Kahanamoku (1890-1968)- người đã sinh ra & lớn lên trên bãi biển Waikiki này và là niềm tự hào & biểu tượng cho người dân ở đây với 3 huy chương vàng + 2 bạc + 1 đồng trong các cuộc tranh tài bơi lội Thế Vận Hội suốt từ năm 1912-1922 và là "cha đẻ" ra Hội Trượt Sóng Quốc Tế khi ông là người đem môn trượt sóng (surfing) này ra giới thiệu với Olympic thế giới. Ngày 11 tháng 6 hàng năm, người dân Hawaii thường ra lau chùi sạch sẽ tượng và choàng lên cổ ông những vòng hoa Leis (hoa sứ) tươi thắm. Vì đây là địa điểm du lịch quốc tế nên các công viên dọc theo bãi biển, trong khu thương mại hay công thự, trên vĩa hè... đều được thiết kế bởi những kiến trúc sư gốc Nhật - Hoa - Mỹ rất nổi tiếng và chăm sóc chu đáo, kỹ lưỡng. Nơi đây có thể xem là những ví dụ rất tiêu biểu cho architecture & landscape architectural design của vùng biển & hải đảo du lịch.

Chiều hôm đó, chúng tôi đến thăm Viện Bảo Tàng. Theo lịch sử Hoa Kỳ thì Hawaii là tiểu bang cuối cùng gia nhập Liên Bang Mỹ vào 21 tháng 8 năm 1959 (trẻ hơn tôi nữa !) theo quyết định ký bởi Tổng thống Dwight D. Eisenhower. Tuy vậy, tiểu bang non trẻ mang đậm tính đa dạng đã tạo ra sự hài hoà đa sắc tộc giữa những đặc tính riêng biệt của vùng hải đảo Thái Bình Dương này với sự đa chủng của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trên đường đi ăn cơm tối ở một nhà hàng VN khá sạch sẽ, lịch sự, thức ăn ngon & giá phải chăng, chúng tôi ghé lại xem bức tượng vua Kamehameha trên đường King và biết được thêm nhiều điều lý thú. Từ năm 1819, người phụ nữ Hawaiian đã được vua cho phép đi bầu cử và truyền thống dân chủ, cởi mở, bình đẳng này đã giúp cho Hawaii ngày càng phát triển.
Thức ăn ở Hawaii cũng giống như nhiều nước Á châu &TBD khác khi mà hầu hết món ăn đều được pha chế để người ăn có thể thưởng thức với đủ "ngũ giác"(5 giác quan); nhất là màu sắc đặc trưng của Hawaii. Sau này, khi vào Polynesian Culture Center, bạn hãy ăn thử các món: poi (khoai môn luộc hay hấp; Poi cũng là tên một điệu múa truyền thống của thổ dân Maori mà bây giờ trở thành rất phổ biến & truyền thống ở Hawaii), heo quay, cá khô hay cá tươi, khoai lang, các loại trái cây nhiệt đới, rượu Mai Tai ( tương tự như Kahlua của Mễ hay rượu đế Nam Việt), etc.... để xem có giống như thức ăn VN & Tàu hay không. Những đặc sản tiêu biểu của đảo là trái thơm (khóm/ dứa), cà phê và đậu macademia (bùi như hột điều, ngon hơn đậu phọng, có thể rang muối hay bọc chocolate ở ngoài).
Một truyền thống tốt đẹp khác của Hawaii là việc choàng vòng hoa sứ trắng (Lei) hay vòng kết bằng vỏ sò cho khách khi họ mới đến viếng thăm Hawaii như bày tỏ một thái độ hiếu khách, tôn trọng & thân thiện. Tối hôm đó, chúng tôi kéo nhau ra khu Hilton Hawaiin Village & International Market xem sinh hoạt về đêm của Honolulu. Khách sạn Hilton xứng đáng là 1 trong những khách sạn sang trọng & đẹp nhất với khu shopping thiết kế vừa mang kiểu dáng Nhật & Hoa, vừa thể hiện nét độc đáo của Hawaìi, đặc biệt là landscape với night lighting system vừa rất thơ mộng, lãng mạn, vừa ấm cúng & sang trọng, thật tuyệt vời. Qua khu resort, chắc chắn bạn sẽ muốn enjoy thử một lần xem sao. Bước qua đường Kalakaua trong ánh đuốc bập bùng và hệ thống lighting (up & down) tạo nên một không khí rất độc đáo, thật rộn rịp với du khách tấp nập qua lại, cười vui, ăn uống suốt 2 bên đường. Khu International Market nằm giữa 2 đại lộ sầm uất nhất là Kuhio và Kalakaua nên rất đông vui, ồn ào, nhất là về đêm với hàng chục quán ăn, các shopping center sang trọng, chen vào đó là hàng trăm sạp bán đủ thứ hầu như suốt đêm. Phía bên kia là bãi biển Waikiki về đêm cũng rất thơ mộng. Tôi chợt mơ ước một ngày nào đó, tôi sẽ được thiết kế cho những bãi biển quê tôi đẹp như vậy, hay là tốt đẹp hơn Honolulu này vậy ! Ước mơ như thế có quá xa vời không nhỉ ?
Sáng hôm sau, chúng tôi quyết định lái 120 miles vòng quanh đảo Oahu này, từ Nam lên Bắc để xem cảnh quan thiên nhiên và đời sống người dân ở đây ra sao. Khởi đầu, chúng tôi theo xa lộ 1 đến Diamond Head. Đây là mỏm núi cao mà một bên là biển (Thái Bình Dương), một bên là phần đuôi của dãy núi Koulau với đỉnh Diamond Head. Từ đây nhìn xuống thủ phủ Honolulu thấy nhà cửa san sát và xa xa dưới kia là Sans Souci Beach thật đẹp, bên kia là vịnh Maunalua ôm lấy bãi biển Kahala chạy dài tới Hawaii Kai là những shopping center với những khu nhà bạc triệu từ khu chân núi ra tới bãi biển, ở 2 bên xa lộ. Gần khách sạn mà chúng tôi cư ngụ là khu Kapiolani Park với khu di tích lịch sử Waikiki Natatorium chỉ còn cái vòm vì đã dẹp bỏ từ lâu, chỉ còn lại khu Waikiki Aquarium & Honolulu Zoo cũng chỉ mở cửa giới hạn. Chụp hình xong, chúng tôi ra vịnh Hanauma - nơi có bộ sưu tập san hô và nhiều loài cá biển rất đẹp dạn dĩ tung tăng bơi lội dưới mặt nước biển trong xanh. Có đến đây, bạn mới thấy người Mỹ hôm nay đã biết khai thác & trân trọng tài nguyên thiên nhiên ra sao. Sát bên là Halona Blowhole giống như La Buffadora ở Mexico với từng cơn sóng đập mạnh vào vách đá làm nước bắn lên tung toé. Kế đó là khu Sandy beach để xem bà con lướt sóng, trượt nước (surfing). Thích sóng biển quá, tôi nhảy ùm xuống tắm nhưng sóng mạnh và nước rút ghê quá nên chỉ một lúc sau là tôi lồm cồm bò lên bãi cát ngay. Sau này tôi mới nghe nói đây là bãi biển nguy hiểm nhất mà ngay hôm sau tôi phải trả giá đắt cho sự ham hố nhất thời này là ngã bệnh luôn vì cảm lạnh. Phiá trên Sandy beach là khu Sea Life Park nhưng nhỏ hơn Sea World nhiều mà cũng chẳng có gì hấp dẫn. Rời đây, chúng tôi qua khu Makapuu beach với một ngọn hải đăng, nhìn ra biển thấy nhấp nhô vài hòn đảo nhỏ như Manana (Rabbit), Kaohikapu, Mokulua & Mokolii. Cả 2 bãi biển Sandy & Makapuu này chỉ dành cho những tay bơi & lướt sóng chuyên nghiệp, rất nguy hiểm. Tiếp đó, chúng tôi đi lên vịnh Waimanalo, ghé qua những bãi biển Kailua + Kalama + Ko'Olina. Kailua là một bãi cát trắng, chạy dọc theo đường đi tới Lanikai, có hàng dương, dừa & phi lao rợp mát. Ko'Olina Lagoons là bãi tắm đẹp và parking lot rộng rãi. Kawela sóng lớn và tương đối ít người tắm. La'ie không tắm được dù có bãi cỏ xanh gần bờ mà thỉnh thoảng chỉ có vài người chèo xuồng kayak dọc theo bờ hay ra tận ngoài đảo Mokulua. Lái xe tiếp trên Kamehameha Highway (83) lên tới Kaneohe Bay rồi dừng lại Kualoa beach. Chinaman's Hat là một hòn đảo nhỏ hình nón (giống như loại nón mà nông dân người Hoa thường đội), cấu tạo bằng lava, viền quanh đảo là san hô. Nghe nói, khi nước rút xuống thấp thì có thể đi bộ ra đảo nhưng tốt nhất là chèo xuồng kayak. Chụp hình Chinaman's Hat, ngắm cảnh và ghé vô một nursery xem những giò lan và nhiều loại cây rừng xong thì chúng tôi đi tiếp lên bờ bắc. Dọc trên đường đi, qua các làng & bãi biển nhỏ như Kahana, Punaluu, Hauula, Punaluu, Hukilau trước khi tới Polynesian Culture Center. Ngày mai, chúng tôi sẽ đi xem show và ăn tối ở đây. Qua Malaekahana, Laie & Kahuku, chúng tôi ghé vô Sunset Beach - bãi biển dành cho surfing nổi tiếng nhất thế giới. Phía bên kia của Kualoa Park & Mokolii Island là Kualoa Ranch - một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của Oahu, rộng trên 4,000 acres dọc theo bờ biển, từ chân núi đến sát mép nước là nơi cưỡi ngựa lý tưởng nhất. Waimea nằm gần đó là một trong những bãi biển đẹp nhất Oahu và thu hút nhiều du khách nhất suốt bờ ờ biển phía Đông Bắc Oahu này. Hầu hết bãi biển phía đông & bắc Oahu chỉ thích hợp cho những tay thích surf hay bơi lặn "nhà nghề" nên tuy cảnh đẹp (như Haleiwa) nhưng rất ít người xuống tắm biển. Haleiwa Town vốn là nơi sinh sống của nhiều thổ dân sống dọc theo suối Anahulu, cũng là nơi mà trước kia hoàng gia Hawaii đến nghĩ hè vài tháng trong năm. Rời khu này, chúng tôi ghé qua Dillingham Airfield nhưng là ngày thường nên ...đóng cửa. Chúng tôi quẹo qua xa lộ 99 đi thẳng vô khu trồng khóm(dứa) Dole Plantation. Khóm được trồng với quy mô lớn theo kỹ thuật hiện đại nhưng giá bán ra quá đắt. Điều thích nhất ở đây là nơi nghĩ chân sau một đoạn đường dài với restroom tiện nghi, sạch sẽ, sang trọng, có cây cảnh đẹp mắt. Khóm tươi, khóm xay sinh tố, kem khóm...cùng với quà lưu niệm được các cô cậu du khách trẻ chiếu cố tận tình. Mọi người đều mệt mỏi nên muốn về khách sạn nghĩ ngơi hay tắm biển một chút trước khi ăn cơm tối rồi chuẩn bị dạo phố về đêm nữa.
Sáng ngày thứ 3, chúng tôi đi Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) - địa danh lịch sử nổi tiếng thế giới. Lấy xa lộ H-1 đi qua phi trường một chút là vào khu căn cứ hải quân nhưng phải xếp hàng rồng rắn khá lâu để vào xem phim, chờ tàu hải quân đưa qua bờ bên kia xem nhà tưởng niệm chiến hạm USS Arizona và nhiều xác tàu bị hải quân Nhật tấn công bất ngờ và đánh chìm, khiến nước Mỹ chính thức tham gia vào lực lượng đồng minh để chống lại trục Phát xít Đức - Ý - Nhật trong đệ nhị thế chiến. Rời nơi đây, chúng tôi đi lên khu shopping PearlRidge và khu chợ trời để ăn trưa, mua sắm vài món quà lưu niệm. Sau đó, theo xa lộ 99 qua H-1, 2 bên đường là những đồn điền trồng mía & khóm, chúng tôi ghé tắm biển ở những lagoon có đập nước tràn nhân tạo (rất an toàn cho trẻ con lẫn người lớn) trong khu JW Marriott Ihilani Resort & Spa ở Ko Olina. Thích nhất là những cây phượng vỹ nở hoa đỏ rực được trồng khắp parking lot của khách sạn này. Ven đường còn có cây Jacaranda(hoa phượng tím) thường nở hoa tím vào mùa hè của California, có cây phượng vàng mà tôi đã từng qua Arizona mang về California trồng thử và ra hoa tuyệt đẹp! Chúng tôi qua Pahe point vừa ăn cơm chiều, vừa xem cây cảnh. Sau đó kéo vô khu Mall ở Ala Moana shopping rồi dạo chơi dọc theo bãi biển Ala Moana.
Sáng ngày thư 4, chúng tôi đi vô Polynesian Culture Center (PCC)chơi cho biết. Lái xe hơn 1 giờ lên phía bắc đảo, PCC là một trung tâm vui chơi & du lịch gồm 7 làng văn hóa (tái hiện) của thổ dân các vùng hải đảo TBD (Pacific ocean) & Hawaìi. Có những cảnh rất giống quê nhà như leo lên cây dừa để hái dừa, chèo xuống...nhưng đặc sắc nhất là show các cô múa hula rất hấp dẫn. Polynesian Cultural Center là nơi thu hút trên 1 triệu du khách hàng năm, trải rộng ra trên 42 acres ở thị trấn La'ie bờ biển phía đông bắc đảo Oahu, khai thác tối đa khả năng kinh doanh văn hoá cổ truyền & thức ăn mang đậm màu sắc dân tộc trong suốt 50 năm qua. Tối về khách sạn, ai nấy cũng vui vẻ.
Sáng ngày cuối cùng ở Oahu, Hawaii, chúng tôi ăn sáng ở Chinatown rồi ghé qua Aloha Tower ngay bến cảng của Oahu. Sau đó, chúng tôi kéo nhau ra bãi biển Ala Moana chụp hình trước khi lên máy bay. Đưa mọi người ra phi trường xong, tôi đi trả xe rồi mới trở lại phi trường, chờ bay về Los Angeles.

Trong 5 ngày ngắn ngủi, chúng tôi chỉ có thể đến những địa điểm chính của Oahu; trong khi Oahu có trên 125 bãi biển, từ những bãi cát trắng mịn đến những bờ đá cheo leo, gập ghềnh. Rất mong sẽ có dịp trở lại Hawaii, đến những đảo kia và chắc chắn sẽ trở lại Oahu - Honolulu với những người rất thân thiện, vui vẻ và niềm nỡ. Đến Oahu, tự dưng tôi nghĩ đến tương lai của những bãi biển ở quê tôi và tiềm năng to lớn về du lịch, nhất là duyên hải miền Trung và các hải đảo. Bao giờ VN mới có thể cất cánh? Dường như tất cả đều trông chờ vào chàng hoàng tử " nhà đầu tư nước ngoài" đến đánh thức cô công chúa vẫn còn ngủ say.
 Beautiful photos of Hawaii

 Beautiful photos of Hawaii

 Beautiful photos of Hawaii

 Beautiful photos of Hawaii

 Beautiful photos of Hawaii

 Beautiful photos of Hawaii

 Beautiful photos of Hawaii

 Beautiful photos of Hawaii

 Beautiful photos of Hawaii

 Beautiful photos of Hawaii

 Beautiful photos of Hawaii

 Beautiful photos of Hawaii

Cờ Mỹ và cờ Hawaii (dưới) phấp phới bay trong gió. Cờ Hawaii có một phần giống quốc kỳ của Anh vì khu vực này từng là một phần lãnh thổ của đảo quốc sương mù.
Làn nước trong xanh cho thấy rõ những dải san hô phía dưới biển Hawaii. Du khách thường lặn hoặc bơi cùng bầy cá ở đây. Vào ngày đẹp trời, họ còn được đồng hành với rùa.
Hawaii có nhiều bãi biển đẹp mắt.
Phần còn lại của con tàu USS Arizona. Nó cùng 20 con tàu khác bị đánh chìm trong trận chiến Trân Châu Cảng năm 1941.
Một phần xác tàu này được cố tình thả xuống đáy biển để tạo ra san hô.





























































































































(2006)

No comments:

Post a Comment