Monday, July 27, 2009

Hà Tiên-Phú Quốc

Phú Quốc

Những bãi biển hoang sơ

Miền Nam đảo chắc là nơi người Việt từ đất liền ra Phú Quốc hơn 300 năm trước. Ở đó có những bến cảng nối với đất liền và các con đường từ những cảng này tỏa ra, lan dần lên phía Bắc. Từ các bến cảng phía Nam tới thủ phủ là thị trấn Dương Đông, ở Trung Tây đảo là những con đường nhựa, có lẽ đã lâu đời như những dải lụa vắt ngang các quả đồi, vòng vèo quanh sườn núi.

Tàu cập cảng, đưa xe máy lên đảo

Hầu như không có ôtô, thi thoảng có thì cũng chỉ là xe hạng nhẹ. Xe máy cũng không nhiều, chủ yếu là dân du lịch đi loanh quanh, thế nên đường nhựa vẫn bền, phẳng lặng với thiên nhiên còn hoang sơ...

Đường nhựa trên đảo Con đường đất vàng xói lở

Dọc bờ Tây là những bãi biển thơ mộng và hoang vắng. Từ thị trấn Dương Đông, chúng tôi chọn cách đi xẻ vào hướng Đông Bắc, qua bãi Thơm rồi vòng bọc ngược lại bờ Tây. Những con đường đỏ quạch len lỏi trong rừng rồi mở ra những đường đất vàng xói lở, lách qua những quả đồi kẹp những dòng suối. Nhiều đoạn dốc trơn trượt vì nền đất cứng, lở loét khoét vào lòng đất.

Cầu bằng cừ tràm Cầu nhỏ khó đi

Ở đó có những chiếc cầu như được bắc tạm bằng cừ tràm, cũ chòng chành như bao đời nay vẫn thế. Nhưng khi ngoặt sang mũi Gành Dầu và bọc lại từ cực Tây Bắc về là thấy dấu vết chuẩn bị cho một cuộc đầu tư đang vùng dậy. Những cây cầu sắt giống y chang nhau được đánh theo số, đặt ngang trên những con suối. Đường được ủi thẳng, rộng, thông thống xuyên rừng rồi ào ra, cặp sát biển.

Những chiếc cầu sắt giống nhau trên đường

Băng qua rừng quốc gia, chúng tôi cặp sát bờ Bãi Dài, nơi được cho là một trong những bãi biển hoang sơ nhất trên thế giới. Biển xanh, cát trắng, nắng vàng, chỉ có những cành cây khô ngả vào cát lặng và những đàn dê hoang dại, ngẩn ngơ. Trên một đoạn đường ven biển đã được quy hoạch thẳng như đường băng nổi lên một cụm nhà, không to nhưng khang trang và rõ là có mắt kiến trúc đàng hoàng. Đó là khu ngọc trai. Chỉ có hai người nước ngoài và vài nhân viên người Việt làm việc. Hai người đàn ông to lớn, đến từ New Zealand. Họ nói đó là cơ sở đầu tư 100% vốn nước ngoài, làm từ nuôi trồng đến chế tác thành phẩm.

Một quán cà phê trên bãi biển

Chúng tôi bọc ra bãi Gành Dầu ở Tây Bắc đảo. Cảnh ở đó không phải là biển mênh mông nữa, mà bị chắn tầm mắt bởi những hòn đảo và cả bờ biển Campuchia, nào núi Tà Lơn, nào hòn Nần... Bằng mắt thường nhìn thấy được cả khu du lịch của họ, một vệt dài vàng vàng do khoét vào núi. Những chiếc tàu cắm cờ Việt Nam và cờ Campuchia giao thoa trên biển, ghé vào bán hải sản cho những chiếc bè bán đồ nhậu trên biển. Đi xuồng chừng vài trăm mét ra một nhà bè. Ông chủ đon đả mời, nào câu kéo, nào các loại hải sản nuôi sẵn dưới bè. Khách còn đang lúng túng lựa chọn, ông ngoắc mấy cái thuyền câu cả của người Việt lẫn người Campuchia vào, tha hồ chọn, tươi rói đủ loại... Nhà bè phục vụ lấy công và bán đồ uống, từ bia Sài Gòn đến rượu mạnh, rượu sim (như rượu vang, ngâm từ sim rừng địa phương), hay rượu mỏ quạ (một loại rượu quốc lủi của Phú Quốc)...Chôm chôm là tên một loại trái cây quen thuộc ở các tỉnh phía Nam nhưng ở Phú Quốc lại là tên của một món ăn từ hải sản. Người ta lấy cơ gân to như ngón tay của loại sò lớn, xắt ra, ướp, làm tái, trộn với rau.

Món cà xeo

Món ngon và lạ là cà xeo. Đó là một loại hải sản cứng như thịt gà, được ướp ngũ vị rồi nướng, trở thành món dai dai, giòn, ngọt mà vẫn bùi, thơm. Chủ quán giải thích đó là món theo hương vị của ngư dân Campuchia ở vùng này, ngay cả cái tên cũng đã rất Khmer...

Đường đất đỏ xuyên rừng

Đường mòn. Hết lối rồi, phải quay xe

Miền Trung của Phú Quốc là rừng. Những con đường đất đỏ xuyên rừng quanh co, mát rượi. Có rất nhiều lối rẽ, đường mòn tỏa vào trong, không có người dẫn chưa chắc biết và chưa chắc dám đi. Nhiều con đường mòn chỉ lọt bánh xe dẫn đến những con suối sâu thẳm cắt ngang không thể đi qua bằng xe máy.

Chợ đêm Phú Quốc

Chợ Phú Quốc với nhiều loại hải sản lạ. Không kể đến nước mắm cá cơm nổi tiếng, người ta cũng chế từ hải sản ra những món riêng, nào chả cá, bánh cá... Từ Dinh Cậu chạy thẳng ra ngã ba, từ chiều tối bắt đầu có chợ. Cũng giống như nhiều chợ đêm ở các tỉnh Nam bộ, chợ bán đủ thứ hàng tiêu dùng và tất nhiên là có nhiều món đặc sản biển. Cả một dãy phố sáng đèn, mỗi hàng nếm một món dậy mùi Phú Quốc...

Thăm Thạch động

Thạch Động Ảnh: T.A.Q.

Nằm bên quốc lộ 80 và cách thị xã Hà Tiên chưa đầy 4km trên đường đi cửa khẩu quốc tế Xà Xía, Thạch Động (xã Mỹ Đức, Hà Tiên, Kiên Giang) là thắng cảnh mà du khách không thể nào bỏ qua khi đến vùng biên giới Tây Nam này.

Thạch Động là ngọn núi đá vôi dựng đứng có đường kính chân chừng 45m và cao 93m so với mặt nước biển. Từ dưới nhìn lên vách núi có nhiều thạch nhũ hình thù kỳ quái, trong đó có một thạch nhũ giống như bầu vú nước nhỏ giọt quanh năm như dòng sữa mẹ, người dân nơi đây gọi là bầu vú mẹ. Bên trong động có chùa Tiên Sơn được làm bằng gỗ từ năm 1790 bởi dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 41, mái chùa cũng bằng những tấm gỗ ghép lại với nhau rất chắc chắn. Vào năm 2003 chánh điện được sửa lại, nền được lát đá hoa cương.Phía nóc chánh điện có Đại Hồng Chung (chuông) đá tròn vành vạnh, đường kính chừng 4m. Vách chuông có hình cây dùi và nhiều khứa dọc tự nhiên tạo nên đường xoắn ốc, chính nhờ đường xoắn ốc này tiếng chuông sẽ cộng hưởng và ngân lên tận trời. "Lên Thạch Động nghe chuông ngân chùa vắng", nhạc sĩ Lê Vinh từng viết như thế năm 1966.

Động có đường thông thiên, ánh sáng chiếu vào Thạch Động lung linh huyền ảo, có đường thông âm phủ nhưng đã bị lấp và tráng ximăng bằng phẳng. Hiện chỉ còn một đường thông biển sâu chừng 3km mà cửa nhỏ chỉ vừa lọt thân người. Du khách muốn đi đường này phải mang theo đèn pin, dây thừng và thúng để khi ra đến biển mới có thể sống sót được.

Hình đầu con đại bàng bắt công chúa -Ảnh: T.Q.A.

Thăm Thạch Động, du khách không chỉ ngắm nhìn cảnh đẹp mà còn được nghe truyền thuyết về Thạch Sanh - Lý Thông. Du khách men theo lối bậc thang nhỏ lên tầng trên nhìn ra bên ngoài hang động, thạch nhũ có hình đầu con đại bàng khổng lồ đang quặp một cô gái, theo truyền thuyết cô gái ấy là công chúa, Thạch Động là nơi đại bàng giam giữ công chúa.

Đường thông thiên kia là nơi Thạch Sanh xuống động cứu công chúa, mới đây thôi còn có một dây rừng lớn thòng xuống bây giờ đã bị đứt, tương truyền đây là sợi dây mà ngày xưa Thạch Sanh dùng leo xuống hang động đưa công chúa lên. Đứng dưới chân đường thông thiên nhìn vào vách đá có những dấu như vết chân chim, là nơi Thạch Sanh đánh nhau với chằn tinh, có hình Thạch Sanh tay cầm búa, trên vai vác công chúa để đưa công chúa lên khỏi hang động. Sau khi công chúa bám dây lên khỏi hang, Lý Thông sai người lấp hang, đường xuống âm phủ bị lấp là vậy. Không có đường lên, Thạch Sanh lang thang trong hang động rồi cứu được con vua Thủy Tề, sau đó thái tử mời Thạch Sanh xuống thủy cung theo đường thông biển...Du khách ra cửa hang động phía sau chánh điện Tiên Sơn, đứng trên vách đá cao cheo leo hóng gió từ biển thổi vào lồng lộng, sẽ nhìn thấy những cánh đồng lúa xã Mỹ Đức xanh ngắt như những ô chữ, những ngôi chùa Khmer mái ngói nhọn đỏ rực, bãi biển Mũi Nai và những hòn đảo ở vịnh Thái Lan tuyệt đẹp... Con tàu lướt với tốc độ cực nhanh, chỉ mất 2h30' để vượt khoảng cách hơn 120km từ Rạch Giá - Phú Quốc

Chiều trên biển Mũi Nai

Gần biển mũi Nai là núi Đèn, tiếc là một khu du lịch đang được xây dựng ở đây, đường xá ngổn ngang nên không thể lên đỉnh được

Còn đây là chợ Cá Hà Tiên, một khu trung tâm thương mại sầm uất đang được xây dựng hứa hẹn một thành phố xinh xắn sẽ mọc lên trong tương lai rất gần nữa thôi


Hoàng hôn trên biển Hà Tiên

Trên đường về tranh thủ làm vài tấm ở Ba Hòn, một địa danh nổi tiếng với Chùa Hang và hòn Phu Tử

Thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực

Trên chuyến tàu cao tốc ra đảo Phú Quốc

Đây là Dinh Cậu ở thị trấn Dương Đông, nơi đem đến sự yên lành cho người dân đi biển nơi đây

Tại đài tưởng niệm Phú Quốc

Đối diện là là di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc

Suối Đá Bàn, một con suối ở Phú Quốc với dòng nước rất trong mát lạc giữa thiên nhiên hùng vĩ của núi đồi

Chiều trên biển Phú Quốc

No comments:

Post a Comment