Thursday, July 23, 2009

Du lịch Củ Chi & Tây Ninh

Về thăm Sàigòn lần này, tôi ra Sinh Café mua vé đi Củ Chi & Tây Ninh chơi trong ngày, sáng đi chiều về. 8:30 sáng, khởi hành tại văn phòng Sinh Café đi Củ Chi (cách Saigon chỉ 65 km). Củ Chi là vùng đất nổi tiếng được mệnh danh "đất thép thành đồng" với những di tích lịch sử cách mạng miền Đông Nam Bộ. Anh tour guide rất lịch sự, rành rẽ, hoạt bát tuy đã lớn tuổi(vốn là một cựu sĩ quan VNCH trước 1975) giải thích cho mọi người biết về Tây Ninh & Củ Chi xưa & nay.
Tây Ninh:
Cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100km về hướng Tây Bắc là địa phận tỉnh Tây Ninh, quê hương của đạo Cao Đài - tôn giáo phổ biến của địa phương này. Tây Ninh là vùng đất thuộc miền Đông Nam bộcó núi non, đồng bằng và nhiều phong cảnh đẹp rất hấp dẫn đối với nhiều khách du lịch, nhất là vùng biên giới có kiến trúc Chàm, di tích nền văn minh Chàm và dân tộc Khmer được đánh giá cao như là một xã hội văn minh sớm xuất hiện ở miền Nam Việt Nam.Tây Ninh nổi tiếng với những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Núi Bà đen cao 986m là nơi có nhiều truyền thuyết nổi tiếng, ở đây có một bảo tàng được xây dựng trong động Kim Quang và một ngôi chùa cùng tên rất nổi tiếng nhưng đáng kể nhất là đài phát tuyến và radar trên núi. Tây Ninh có 2 sông lớn là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.
- Sông Sài Gòn: bắt nguồn từ vùng đồi Lộc Ninh (thuộc tỉnh Bình Phước) cao trên 200m chảy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, làm ranh giới tự nhiên giữa Tây Ninh và 2 tỉnh Bình Phước, Bình Dương.
Trên dòng sông Sài Gòn về phía thượng lưu, công trình thuỷ lợi lớn nhất nước đã được xây dựng là công trình hồ Dầu Tiếng, với dung tích hữu hiệu 1,45 tỷ m3, diện tích mặt nước 27.000 ha (trên địa bàn Tây Ninh 20.000ha) có khả năng tưới cho 175.000ha đất canh tác của Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh và Long An.

-Sông Vàm Cỏ Đông: bắt nguồn từ độ cao 150m ở Campuchia chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, sông Vàm Cỏ Đông có chiều dài 220km (151km chảy trong địa phận Tây Ninh). Con sông này đã ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt chống giặc ngoại xâm của nhân dân tỉnh Tây Ninh trong sự nghiệp giải phóng đất nước.

Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng với dung tích 1,45 tỷ m3 và 1.053 tuyến kênh có tổng chiều dài 1.000 km đã phát huy hiệu quả trong cân bằng sinh thái, phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thuỷ sản, sinh hoạt tiêu dùng và cho sản xuất công nghiệp. Ngoài ra Tây Ninh còn có nhiều suối, kênh rạch; tạo ra một mạng lưới thuỷ văn phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn, đạt 0,314 km/km2. Toàn tỉnh có 3.500 ha đầm lầy nằm rải rác ở các vùng trũng ven sông Vàm Cỏ Đông. Tổng diện tích ao, hồ có khả năng khai thác, nuôi trồng thuỷ sản khoảng 1.680 ha, trong đó đã sử dụng nuôi trồng thuỷ sản khoảng 490 ha.

Tây Ninh là thánh địa của đạo Cao Đài với Thánh Thất là một công trình kiến trúc nổi tiếng mà du khách nào đến Tây Ninh cũng ghé tham quan. So với trước năm 1975, Thánh Thất Cao Đài Tây Ninh bây giờ đã được tu bổ khang trang, đẹp đẽ hơn.Hai bên cửa Tòa Thánh là tượng Ông Thiện và Ông Ác. Các cột chạm khắc rồng phượng đầy màu sắc. Trong Tòa Thánh, đối diện với bàn thờ Thượng Đế là tượng của ba trong số mười hai đệ tử đầu tiên của Thượng Đế: Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư và Thượng Sanh Cao Hoài Sang. Đặc biệt là tượng Hộ Pháp trong trang phục giáp cổ, ngồi trên ngai Thất Đầu Xà (ghế ngồi tượng hình rắn bảy đầu). Trên tường sau lưng tượng Hộ Pháp là hình vẽ một chữ “Khí” rất lớn.Ngoài ra, còn có rất nhiều biểu tượng khác nữa với những ẩn ý khác nhau. Thí dụ như: kích thước của các cột chạm rồng, các bậc trongb Cửu Trùng Đài. Ngày xưa, ba tôi quen biết khá nhiều chức sắc Cao Đài nên có lần chúng tôi cũng được vào thăm các khu bên trong địa phận rộng lớn này. Tòa Thánh tọa lạc trên diện tích 12km² có hàng rào bao bọc xung quanh, gồm nhiều công trình kiến trúc tôn giáo: tòa thánh, đền thờ Phật Mẫu, bửu tháp. Tòa thánh dài trên 100m với 12 cửa, cửa Chánh Môn là lớn nhất. Mặt ngoài có 2 tháp cao 36m. Phía trước tòa thánh, trên cao có hình Thiên nhãn-một con mắt tỏa hào quang, đây là biểu tượng của đạo Cao Đài. Trên nóc có Nghinh Phong Đài, (có tượng kỳ lân đứng trên quả địa cầu). Trên nóc phía sau có Bát Quái Đài (có tượng các thiên tướng). Bên trong gồm:
  • Hai hàng cột trụ rồng được trang trí, chạm khắc tinh xảo. Bao gồm 10 cặp cột trụ, cặp trụ chính giữa là Giảng Đài, nơi giáo chủ đứng để giảng đạo cho các tín đồ.
  • Nền tòa thánh có 9 cấp gọi là “Cửu phẩm thần tiên”, mỗi cấp là một phẩm cấp.
  • Phía trước gian Chánh Điện có 7 ghế chia làm tam cấp:
    • Cao nhất là ghế của Giáo Tông.
    • Tiếp theo là 3 ghế của 3 vị Chưởng Pháp.
    • Cuối cùng là 3 ghế của 3 vị đầu sư.
  • Chánh điện có 8 cột trụ rồng xếp thành vòng tròn. Giữa là quả địa cầu lớn tượng trưng cho vũ trụ với thiên nhãn nằm phía trước, xung quanh là 3072 vì sao, 72 quả địa cầu và 3000 thế giới. Trên thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Tiên Lý Thái Bạch (hiện nay là Giáo Tông thiêng liêng của Đạo Cao Đài).

Giờ lễ chính trong ngày ra vào 12 giờ trưa. Điều đặc biệt ở công trình Tòa Thánh Tây Ninh là ban đầu, nó được xây dựng bằng bê-tông cốt tre.
Lần nào ghé đây, tôi cũng được chứng kiến giờ hành lễ của các tín hữu
Cao Đài. Những người theo đạo này thờ Thiên Nhãn. Ngoài ra họ còn theo đạo Phật - Kitô- Thánh mẫu - Lão- Khổng và nhiều đạo khác. Ra chợ Long Hoa ăn cơm, anh tour guidenói cho tôi nghe về Tây Ninh những năm sau này. Thay vì đi tham quan khu di tích căn cứ TW Cục hay lên hồ Dầu tiếng, khu Lò Gò-Xa Mát, tôi trở về Saigon. Tôi cũng mua đường thốt nốt, muối ớt rang với tôm khô. Ăn cơm xong, chúng tôi lên xe đi thăm địa đạo Củ Chi.

Củ Chi là một huyện ngoại thành của TP HCM bây giờ, gồm có thị trấn Củ Chi và 20 xã, có sông Sàigòn chảy qua. Củ Chi phát triển về cả nông nghiệp, công nghiệp và du lịchkhá nhanh dười thời ông Phan Văn Khải làm Thủ Tướng vì Củ Chi là quê hương của ông, như khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước với tỷ lệ thuê đất đạt 98% tương đương 137 ha, tạo ra công ăn việc làm cho người dân ở đây.Huyện có đường Xuyên Á nối với Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài của tỉnh Tây Ninh nên giao thương cũng phát triển. Huyện Củ Chi có địa đạo Củ Chi nổi tiếng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Củ Chi cũng có Đền Tưởng Niệm Bến Dược - Củ Chi. Hiện nay, địa đạo Củ Chi được bảo tồn ở hai khu vực: Bến Dược (thuộc xã Phú Mỹ Hưng), Bến Đình (thuộc xã Nhuận Đức). Chương trình tham quan địa đạo Củ Chi chỉ ghé qua Bến Đình mà thôi. Bước vô là xếp hàng đợi anh tour guide đưa vé rồi vào xem phim tư liệu về chiến tranh du kích của người dân địa phương, thăm Bảo Tàng vũ khí chiến tranh và địa đạo (nghe nói dài khoảng 200 km dưới lòng đất, được sử dụng trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng thực tế thì ...hình như hơi thổi phồng!). Du khách Tây khoái chui xuống hầm & địa đạo hay leo lên xác xe tăng để có cảm giác lạ cho biết chứ dân ta sống qua chiến tranh rồi ...sợ & chán lắm ! Nghe nói Mỹ đã trút xuống đây 240.000 tấn bom đạn, tổ chức trên 5.000 trận hành quân, bố ráp vì đây là cứ điểm quan trọng của VC nhằm tấn công và uy hiếp Saigon. Từ Campuchia qua Tây Ninh, đây là điểm tập kết quân VC trước khi đánh Saigon và cũng là nơi nhiều tay trí thức bỏ Saigon trốn về đây trước khi vô bưng theo VC. Trước năm 1975, ba tôi thường đưa chúng tôi đi lên Trảng Bàng ăn bánh canh(món nổi tiếng nhất!) và tôi cũng có một ông chú đóng quân ngay biên giới Việt-Miên thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, cách Trảng Bàng không xa nên ba và chú tôi thường nói quận Củ Chi là "vùng mất an ninh" và là "ổ VC". Có dạo, quận Củ Chi trước đây thuộc tỉnh Gia Định. Năm 1956, Củ Chi chuyển sang tỉnh Bình Dương, gồm có 3 tổng là Long Tuy Hạ, Long Tuy Trung, Long Tuy Thượng; quận lị: Tân An Hội. Đến năm 1963 chuyển sang tỉnh tỉnh Hậu Nghĩa mới thành lập.
Sau năm 1975, huyện Củ Chi được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận Củ Chi thuộc tỉnh Hậu Nghĩa cũ và quận Phú Hòa thuộc tỉnh Bình Dương cũ.Quận Phú Hòa thành lập ngày 18/12/1963, quận lị đặt tại Bến Cỏ, xã Phú Hòa Đông, đến ngày 18/5/1968 dời về xã Tân Hòa. Bây giờ địa đạo Củ Chi có những hình nhân du kích Củ Chi ngồi trên võng hay trong hầm, có bãi tập bắn súng AK thu hút khá nhiều du khách phương Tây vốn chưa hề nếm mùi chiến tranh.
Chúng
tôi trở về Saigon khoảng 7:00 tối vì khu Bà Quẹo, Tân Bình và đường CMT8 kẹt xe quá xá, nhất là khu chợ Hoà Hưng. Đường đi Tây Ninh & Củ Chi bây giờ rộng và khang trang hơn, có dải phân cách trồng cây kiểng(landscaped median) và cột đèn, có biển báo lưu thông đàng hoàng, rõ ràng tiến bộ hơn rất nhiều nhưng lưu lượng xe quá nhiều nên nạn kẹt xe quả là nan giải. Từ khu Bà Quẹo, Tân Bình đi qua khu QK7 & phi trường Tân sơn Nhất, đường Quang Trung, khu sân golf Phú Nhuận bây giờ có khá nhiều dân miền Bắc làm ăn xôm tụ, khá giả. Saigon hôm nay vật giá mắc mỏ hơn, người Saigon bây giờ cũng không còn như xưa nữa khi mà làn sóng di dân từ khắp nơi đổ về đông hơn và người Saigon năm xưa đã ra đi rất nhiều.

No comments:

Post a Comment