Wednesday, August 5, 2009

Món Ngon Quê Mình (2)

Bánh Tét miền Nam

http://www.amthuc365.vn/forums/imagehosting/1487abdc6de05f.jpg
Nếu ở miền Bắc trong ngày Tết, giỗ kỵ, các lễ hội cổ truyền có bánh dày, bánh chưng để dâng cúng tổ tiên, thì ở Nam Bộ bánh tét được liệt ngang hàng, coi như bánh Tổ.

Dân Nam Bộ chế biến bánh tét một cách tài tình và phong phú, tuỳ theo địa phương mà thêm thắt gia vị cho thích khẩu. Có chỗ gói nếp với nhân đậu xanh, còn gia đình khá giả thêm vào nhân đậu xanh một miếng thịt theo chiều dài đòn bánh. Cũng có chỗ không thuần nếp mà trộn lẫn đậu đen để tăng chất lượng vừa dẻo, vừa bùi.

Đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày xưa những gia đình giàu có, con cháu đông đảo, thường gói bánh tét đòn rất lớn. Khi tét bánh ra, khoang bánh tròn trịa, nằm gọn gàng trong lòng một đĩa kiểu trông khá đẹp mắt. Trung bình một đòn bánh đường kính cả tấc tây và độ nặng khoảng hơn một kí lô.

Công việc gói bánh khá tỉ mỉ. Trước tiên, đem bếp và đậu đen vo sạch để ráo nước. Lá dứa đâm nhuyễn lọc lấy nước trộn hoà vào nếp. Đậu xanh cà, đãi vỏ để sống. Thịt ba rọi (nửa nạc nửa mỡ) cắt vuông vắn đặt theo chiều dài đòn bánh đã được ướp trước cho thắm vào hành, muối, đường. Có như thế, thịt vừa trong, vừa đẹp để khi tét bánh ra, thịt hoà tan vào nhân đậu xanh, ăn nghe vừa béo của thịt, vừa bùi của đậu, vừa dẻo của nếp, vừa thơm ngon.

Mỗi lần gói bánh chí ít cũng 5-7 chục đòn, tuỳ theo khả năng tài chính của mỗi gia đình. Hai đòn cột thành một cặp, có dây quai để xách cho tiện, khi có làm quà tặng bà con một cặp vừa đẹp, vừa hợp với tập quán vì năm mới phải đủ đôi, chẵn cặp, ý chúc cho bà con đủ vợ, đủ chồng là niềm hạnh phúc thịnh vượng. Bánh khi hấp phải thường xuyên canh chừng lửa, có khi từ đầu hôm hấp suốt đêm đến 6,7 giờ sáng mới vớt ra.

Để bánh mau chín, các bà nội trợ thường áp dụng một số mẹo vặt, vắt chanh vào nếp hoặc ngâm nếp với nước khóm một thời gian chừng vài ba giờ. Không được ngâm lâu, sợ nếp rã thành bột. Lúc gói bánh, xếp lá chuối ở hai đầu, bẻ thành 4 góc rồi nức đòn bằng cọng lá chuối phơi khô cho dẻo, cắt nhỏ như dây lạc. Hiện nay, theo thời hiện đại, cũng có chỗ nức đòn bằng dây chỉ nhựa.

Nhiều gia đình ăn chay, gói bánh tét nhân ngọt (không có thịt) nhân đậu xanh có trộn đường; hoặc bánh tét nhân chuối cũng được ưa thích, chuối thay cho nhân đậu xanh, đòn nhỏ một trái chuối, còn đòn lớn ba trái chuối xiêm chín có thêm đường để tăng độ ngọt cho nhân, khi chín có màu đỏ tím. Tét khoanh bánh ra trong lạ mắt, màu đỏ tím chính giữa nổi bật bên ngoài màu nếp trắng phau.

Còn một loại bánh tét được chế biến khá đặc biệt nữa là bánh tét thập cẩm, vẫn bánh tét nếp, phần nhân được nâng cấp có trứng, tôm khô, lạp xườn, hột sen, thịt giò Bắc thảo, đậu phộng, nấm đông trộn chung với nhân đậu xanh. Dĩ nhiên, loại bánh này ăn rất ngon và thực hiện quả là tốn kém.

Trong dịp lễ tết cổ truyền, giỗ kỵ... người Nam Bộ thường làm bánh tét đãi khách và làm quà biếu xén bà con gây thiện cảm. Những ngày đầu năm tét bánh ra đãi khách ăn với thịt kho tàu, chấm nước mắm, thật đậm đà hương vị ngày Xuân. Bánh tét ra giêng còn dư, nhằm đổi khẩu vị, người ta thường đem chiên với dầu hoặc mỡ phi tỏi, ăn thấy lạ miệng sau khi đã chán các món cao lương mỹ vị. Đây cũng là một loại lương khô rất tiện dụng cho du khách đi xa, leo núi hoặc người hành quân lâu ngày, bởi có thể để cả mười ngày, nửa tháng không bị mất phẩm chất.

Vật Liệu

- 2 kg nếp tốt (một bao nếp nhỏ ở chợ 5lbs)
- 1 kg đậu xanh cà (4 bao đậu xanh đã lấy vỏ xanh khỏi phải đãi nếu muốn)
- 1/2 kg mỡ thịt (xin ở quầy thịt, hay mua thịt heo đùi lựa miếng có mỡ dầy)
- 1 trái dừa khô (hay dùng một lon nước cốt dừa loại lớn)
- Muối, đường, lá chuối dây cột, hành lá dầu ăn.

Cách Làm: Đậu xanh nếu mua loại có vỏ phải ngâm qua đêm, đãi vỏ sạch. Đậu không vỏ cũng ngâm qua đêm, nấu hay hấp với muối tán nhuyễn. Đầu hành lá đập dập thái nhuyễn cho lên chảo với chút dầu tao cho thơm, cho đậu vào xào cùng với chút nước cốt dừa nêm mếm cho vừa , chia đều theo lượng bánh muốn gói.
Mỡ thịt, cho đường vào thấy mỡ trong hãy đem luộc, rồi cắt dày khoảng lóng tay, chiều dài tùy theo muốn gói bánh lớn nhỏ thế nào.
Bọc mỡ vào giữa đậu để sẵn.
Nếp vo sạch để ráo nước, bắc lên bếp cho nước cốt dừa vào xào nếp cho ra nhựa. Khi xào nếp có thể cho nước lá dứa vào cho thơm - Muốn làm bánh tét lá cẩm thì cho nước lá cẩm vào khi này cũng được (hay ngâm nếp với lá cẩm qua đêm thì khỏi xào nếp). Nhớ cho chút muối để bánh mặn mà.
Lá chuối đông lạnh phải dùng nước ấm xối cho mềm - lá tươi ngày xưa thì lau rồi phơi nắng cho dịu. Lúc gói bánh tét hơi khó à nha, xếp lá dọc, lá ngang để lá không bị rách. múc gạo nếp trải đều trên lá, đặt nhân vào, gói ngang trước cho thành đòn, dựng đứng bánh lên đóng một đầu lại, buộc dây, xong đóng đầu kia.
Xếp vào nồi ngập nước, đậy nắp nấu xôi - thay nước hai ba lần để bánh có màu xanh cho đẹp (luôn dùng nước sôi - phải có sẵn nồi nước thứ hai kế bên gọi là nước đò) tùy theo bánh nhỏ hay bánh to mà thời gian nấu từ 10-14 tiếng. Nhắc nồi xuống mở nắp ngay ra chờ nguội hãy vớt bánh ra treo cho nhiểu (rỏ) hết nước.

Banh tet ba mauBánh Tét 3 Màu:Tương truyền lúc Nguyễn Huệ tiến quân thần tốc ra Thăng Long, bánh tét là một trong những quân lương để quân sĩ vừa đi vừa ăn, kịp tốc độ hành quân. Nhưng chắc chắn thời đó không có bánh tét ba màu.

Bánh tét không có gì lạ lẫm với dân miền Nam, nhưng hiện thị trường bánh tét đã có thêm bánh ba màu. Nổi tiếng nhất ở Cần Thơ là lò của chị Tư Đẹp, Tư Cẩm, Minh Tân... những lò chuyên sản xuất đủ loại bánh tét thập cẩm, bánh tét đậu mỡ lá cẩm, bánh tét trắng đậu trắng cho đến bánh tét chay nhân ngọt, nhân chuối, bánh tét cốm dẹp… Độc đáo nhất là bánh tét ba màu, một loại bánh vừa thơm ngon vừa thẩm mỹ, đặc biệt dành riêng cho các ngày lễ hội quan trọng hoặc làm theo đơn đặt hàng của khách.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ cơ sở Minh Tân, có sạp bánh tại 44 Tân Trào, Cần Thơ cho biết, muốn có một đòn bánh tét ba màu chất lượng cao, người gói phải nhiều công phu. Trước hết, chọn cho được nếp dẻo, xào nhân, nấu lá cẩm, xay lá dứa để lọc lấy nước. Màu tím lá cẩm, màu xanh lá dứa và màu vàng của đậu xanh. Mỗi màu toát lên một hương vị đặc trưng, không giống với bất cứ loại bánh tét thường ngày nào.

Bánh tét ba màu trước khi gói, nếp phải vo sạch, để ráo, sau đó đem xào với nước cốt dừa, thêm chút muối. Nước lá cẩm và nước lá dứa phải xào riêng hai chảo để phân biệt màu. Đậu xanh được xào chung với nước cốt dừa, nêm nếm vừa ăn. (Nhân có thể là nhân chuối, nhân ngọt, nhân thịt, nhân mỡ hoặc nhân thập cẩm gồm đậu xanh, tôm khô, lạp xưởng, giò heo bắc thảo, trứng, đậu phộng, nắm đông cô…).

Đặc biệt bánh ba màu chỉ hấp chứ không nấu như bánh tét thường. Nhờ hấp, hạt nếp dẻo và thơm ngon. Người có kinh nghiệm thường hấp bằng củi và luôn giữ độ nóng thật đều.

Mặc dù thị trường tết hiện nay tràn ngập đủ loại bánh mứt từ bình dân đến cao cấp, nhưng đòn bánh tét 3 màu, ăn kèm thịt kho tàu hoặc tôm khô củ kiệu quả là món ăn lý thú và đậm hương vị ngày xuân.

Theo Hoài Phương - Sài Gòn tiếp thị

Bánh Xèo (Rice Pancakes Folded in Half)

1. Giới thiệu

Bánh xèo đã trở thành loại bánh mang tính đặc trưng của vùng quê Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam và miền Trung. Hiện nay bánh xèo rất nổi tiếng ở Việt Nam và cộng đồng người Việt trên khắp thế giới. Theo nhiều giả thuyết, tên bánh xèo có xuất phát từ tiếng “xèo xèo” trong quá trình đổ bánh.

Ðể được cái bánh xèo cho khéo là cả một nghệ thuật. Bánh có màu đặc trưng là sắc vàng của nghệ, thêm vị béo, hương thơm của nước cốt dừa, mép ngoài của bánh mỏng và giòn. Cái để lại dấu ấn cho bữa ăn bánh xèo chính là các loại lá để ăn với bánh. Từ cái vị chát chát, chua chua của đọt xoài non, bằng lăng, đến cái mùi hăng hăng của cải xanh, diếp cá, rau thơm...

2. Quy trình sản xuất



3. Giải thích quy trình
3.1 Chuẩn bị:

Rau sống: rau dùng ăn với bánh xèo rất đa dạng, tùy ý thích, tùy từng vùng từng mùa mà sử dụng các loại khác nhau từ xà lách, rau thơm, diếp cá, cải xanh, lá lốt, đọt bằng lăng, đọt xoài, sôi nhái. Rau phải được rửa sạch, để ráo và xếp ra mâm. Rau nên ngâm trong nước có muối với nồng độ loãng và ngâm trong thời gian ngắn khoảng 3-5 phút để hạn chế các nguy cơ vi sinh vật.

Nhân bánh:


Nhân bánh bao gồm giá (có thể thay bằng củ sắn), bông điên điển (chỉ có trong mùa nước nổi) thịt heo, tôm. Giá hay bông điên điển phải rửa sạch. Củ sắn (miền Bắc gọi là củ đậu) xắt sợi vuông đường kính khỏang 1mm. Đậu xanh đem ngâm và luộc chín nhưng vẫn giữ nguyên hạt, để ráo. Thịt heo rửa sạch và xắt miếng mỏng. Tôm hay có thể dùng tép bạc đem rửa sạch. Tôm có thể để nguyên con hay xẻ làm đôi.

Sau khi để ráo, lần lượt cho tôm, thịt vào chảo xào với chút dầu ăn nhằm làm chín sơ bộ và nêm gia vị cho vừa ăn, sau đó được lấy ra để riêng. Tiếp tục xào nhanh điên điển hay củ sắn.

Pha bột: bột được pha theo trình tự sau

- Cho khoảng 1 lít nước ấm vào 0,5 kg dừa khô đã nạo, nhào trộn và vắt, lược lấy phần nước cốt để riêng, sau đó cho thêm nước vào phần xác dừa, tiếp tục vắt lấy nước nhì và nước ba. Phần nước dừa này dùng để pha bột nhằm làm tăng độ béo cho bánh.

- Khuấy đều bột gạo với một ít nước ấm và tất cả nước dừa ở trên, cho thêm hành lá xắt nhuyễn và bột nghệ để tạo màu vàng đặc trưng cho bánh. Bổ sung thêm gia vị như muối, đường, bột ngọt. Cũng có thể cho thêm trứng gà đã đánh nhuyễn vào bột để bánh dòn và nở hơn hay bổ sung bột mì để tăng độ dòn của bánh.

Nước chấm: tỏi tươi và ớt được bằm thật nhuyễn, cho vào nước ấm. Thêm đường, nước chanh (hay giấm) và khuấy đều, sau đó cho từ từ nước mắm vào, nêm nếm vừa ăn. Nước chấm ngon cho bánh xèo phải có vị mặn vừa phải của nước mắm hài hòa với vị chua của chanh và vị ngọt của đường.

3.2 Tráng bánh

Đun nóng chảo trên bếp, cho dầu ướt bề mặt chảo (có thể dùng mỡ heo), sau đó cho khoảng 1 chén nhỏ bột đã pha vào và nhanh tay xoay tròn chảo để tráng đều bánh. Dựa vào tính chất tạo màng và tạo gel (có cấu trúc đặc, dai và mềm) của tinh bột. Các hạt tinh bột gạo đã hút nước và phân tán trong nước, khi được gia nhiệt sẽ trương nở, hồ hóa và kết hợp tạo thành lớp màng bánh mỏng trên bề mặt chảo.

Khi bề mặt bánh đã khô (khoảng 1 phút) ta lần lượt cho tôm, thịt, giá, đậu xanh vào giữa bánh. Đậy nắp thêm khoảng 20-30 giây cho chín bánh và nhân. Đợi bánh vàng đều, phần rìa bánh bung lên và có mùi thơm của bột, ta gập bánh lại làm hai cho còn nửa hình tròn và lấy ra dĩa.

Chảo để tráng bánh phải thật nóng. Tuy nhiên, sau khi tráng bánh, cần sử dụng lửa nhỏ để làm cho bánh vàng đều. Một cái bánh xèo ngon thường phải to như chiếc đĩa lớn, bánh mỏng, vành bánh giòn và thành phần của nhân bánh trải đều. Bánh được ăn nóng với rau sống và nước chấm.

4. Giá trị dinh dưỡng

Một cái bánh xèo cung cấp năng lượng trung bình khoảng 300-350 kcal với sự có mặt đầy đủ các thành phần dinh dưỡng khác nhau từ nguyên liệu chế biến (tinh bột, đạm, chất béo).

Bánh xèo rất hấp dẫn thực khách bởi cách ăn của nó. Ăn bánh xèo đúng điệu phải là phải dùng tay để gói. Trải những chiếc lá non lên bàn tay, bỏ vào một chút bánh kèm nhân, cuộn lại chấm nước mắm chanh, tỏi, ớt... cứ nhẩn nha nhai mà tận hưởng cái mùi vị của cây trái vườn nhà. Bánh xèo Nam bộ được ăn với gần 20 loại rau khác nhau. Nhìn chung các loại rau ăn với bánh xèo tương đối giàu carotene, vitamin C, muối khoáng, có loại rau còn chứa một số vị thuốc tốt cho cơ thể. Ăn bữa bánh xèo thơm ngon không những được thưởng thức hương vị ngon, tươi của các loại rau, mà còn tạo điều kiện cho cơ thể tiếp nhận các chất dinh dưỡng qua các loại rau đó.

Vượt ra khỏi biên giới quốc gia, bánh xèo đã được mang đi giới thiệu ở rất nhiều nơi trên thế giới và đã được ưa thích. Trong các buổi tổ chức giới thiệu văn hóa Việt Nam ở Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới, bánh xèo Nam bộ là một trong những món ăn gây nhiều ấn tượng với thực khách.

* Tài liệu tham khảo: các hình ảnh minh họa tham khảo từ trang web www.fao.orgCÁC DẠNG BÁNH GÓI LÁ CHUỐI

- Bánh ít nhân tôm thịt
Bánh gói bằng lá dễ thực hiện. Xin giới thiệu với các bạn cách làm bánh ít nhân thịt. Chúc các bạn thành công và có món ăn ngon miệng vào những ngày chủ nhật hoặc ngày lễ.



I. Nguyên liệu

- 6 Tai nấm đông cô
- 150 gr tôm đất
- 50gr khoai môn
- ½ kg bột nếp
- 15 trứng cút
- Muối, bột ngọt
- 1 bó tăm
- 50gr đậu xanh cà
- 1ấp lá chuối hột
- 150gr thịt gà
- 4 củ hành tím
- 1 muỗng canh dầu ăn
- 1củ sắn lớn
- Bột năng

II. Cách Làm
1/ . Chuẩn bị:

  • Tôm đất hấp chín, bóc vỏ.
  • Củ sắn luộc chín nguyên củ cắt hạt lựu.
  • Đậu xanh đãi vỏ, nấu chín, xay nhuyễn.
  • Nấm đông cô ngâm mềm, xả sạch, để ráo nước, cắt hạt lựu.
  • Trứng cút luộc chín bóc vỏ.
  • Thịt nạc, thịt gà băm nhuyễn.
  • Củ hành tím băm nhuyễn.
2/. Nhân bánh:
  • Bắc chảo nóng, cho dầu ăn + hành tím phi thơm + nấm đông cô vào xào, cho thịt heo + thịt gà xào chín. Sau đó cho khoai môn + củ sắn đậu xanh vào xào cho vừa chín, nêm lại vừa ăn.
  • Chia nhân làm 30 viên.
3/. Nhồi bột:
  • Bột nếp cho ra mâm, khoét một lỗ trũng ở giữa, chế nước đun sôi từ từ vào bột trộn đều ( hình 1)
  • Dùng 2 tay nhào bột liên tục cho đến khi thật mịn (hình2)
  • Sau khi nhồi xong, se khối bột thành hình trụ dài, sau đó cắt từng phần nhỏ đều nhau (hình 3)
  • Nắn bột mỏng ra, cho nhân vào giữa bao kín lại, áo ngoài viên bột một lớp dầu ăn để khi hấp không bị dính lá (hình 4)
4/. Gói bánh:Lá chuối trụng sơ nước sôi, lau khô.
  • Xé lá chuối bề ngang khoảng 4 cm, dài 12cm cuốn quanh viên bột. Dùng tăm ghim giữ chặt lá
  • Vo bột cho tròn, thấm sơ dầu ăn, sau đó cho vào khuôn bánh .
  • Trứng cút chín cắt đôi. Nhúng sơ bột năng, đặt lên mặt bánh (hình 5)

5/. Hấp bánh:Nước nấu sôi, xếp bánh vào xửng hấp, để lửa to cho nước sôi liên tục, hấp khoảng 5 phút xả hơi 1 lần, hấp khoảng 15 phút để bánh chín (hình 6)
6/. Yêu cầu thành phẩm:
Bánh chín phải có màu trắng trong.
Bột bánh mịn, không nhão và giữ được hình dạng ban đầu
Nhân có vị vừa ăn.

BÁNH ÍT NHÂN DỪA: Bánh Ít, loaị bánh khoái khẩu mà người miền Nam hay làm vào dịp Tết để thờ cúng ông bà Tổ tiên hoặc những ngày giỗ kỵ. Chuyên mục kỳ này xin giới thiệu với các bạn cách làm bánh ít nhân dừa




Nguyên tắc ; Hấp

Thời gian: 2 giờ

Thành phần: 20 bánh

I. NGUYÊN LIỆU:

· Phần bột vỏ bánh:

- 500gr bột nếp

- ¼ muổng cà phê muối

- 2 xấp lá chuối hột

- 5 muổng canh dầu ăn

· Phần nhân bánh

- 500gr cơm dừa trắng

- 300gr đường cát trắng

- 1 ống vani

- 1 muổng cà phê mè trắng

- 2 muỗng cà phê bột năng

II. CÁCH LÀM:

1/. Bột vỏ:

  • Thơm tươi vắt lấy nớc cốt trộn bột nếp, chế thêm nước lã ngập mặt bột khoảng 2cm, ngâm 1 đêm. Sáng hôm sau xả lại nước lã, bồng bột cho thật ráo nước.
  • Bắc nồi nước 1/2 lít nước lã, đun sôi rồi cho ¼ bột nếp vào luộc 05 phút, sau đó vớt ra nhồi chung với phần bột còn lại cho bột thật mịn và dẻo

2/. Nhân bánh:

  • Dừa làm nhân bánh , chọn dừa rám, lấy phần trắng.
  • Lấy 300gr đường cát trắng + 100 ml nước lã ( độ ½ chén ăn cơm) cho vào chảo, bắc lên bếp đun tan đường rồi cho dừa vào trộn đều ( để lửa nhỏ), trộn đều đến khi dừa ráo, dẻo tay ( không còn dính chảo, chế 02 muỗng bột năng đã hoà tan với muỗng 2 nước vào trộn đều, khi dừa trong nhắc xuống cho mè đã rang vàng vào trộn đều, hơi nguội mới cho vani vào (hình 1)

Hình 1

  • Chia nhân dừa làm 20 viên, vo tròn nắn chặt cho nhân không bị rời ra.
  • Nắn bột mỏng, cho nhân vào giữa bao kín nhân lại, áo dầu ăn bên ngoài bột cho bột không dính lá (hình 2)

Hình 2

3/. Gói bánh:

  • Bột vỏ từng viên nắn mỏng, cho nhân vào giữa bao kín nhân lại, sau đó vo tròn cho bóng, áo dầu ăn bên ngoài bột cho bột không dính lá.
  • Lá chuối lau sạch, cắt bớt phần sống lá. Ta có thể gói bánh theo các kiểu sau:

* Kiểu 1 mái:

  • Lá chuối lau sạch, cắt bớt phần sống lá
  • Lá chuối xé vuông cạnh 25cm và lót 01 lá nhỏ cạnh 20cm bên trong
  • Lá chuối rửa sạch, trụng nước sôi để ráo, lau khô ( nhanh hơn phơi nắng và màu lá xanh đều). Gấp đôi hai miếng lá chuối lại theo chiều dọc, cuộn lại thành hình phễu, bột nắn mỏng cho nhân vào giữa, vừa đủ bao nhân, áo thêm dầu ăn bên ngoài viên bột (để không bị dính lá), cho viên bột vào gấp xếp mí lá lại rồi xếp vào xửng hấp.

* Kiểu 2 mái:

  • Lá chuối xé vuông cạnh 30cm gấp đôi lá theo chiểu dọc, sau đó gấp làm 4, vuốt nhẹ các cạnh cho có nếp.
  • Lấp 2 mặt lá ngược chiều, một bên ra phía trước(xem hình 3)

Hình 3

  • Gấp tương tự động tác trên một bên ra phía sau, gấp lá trở lại ( hình 4)

Hình 4

  • Cho viên bột vào giữa lá, gấp mí lại.
  • Nhét phần miệng lá dư vào trong ( hình 5)

Hình 5

* Kiểu 3 mái:

  • Lá chuối xé vuông cạnh 30cm, gấp đôi lá lại (hình 6)

Hình 6

  • Gấp đôi tiếp lần 2, gấp tiếp làm 3 phần bằng nhau , vuốt nhẹ các cạnh cho có nếp ( hình 7)

Hình 7

  • Mở rộng lá ra, bắt các đường nép nổi gấp tới, ta sẽ có hình cái phễu với 4 mái (hinh 8)

Hình 8

  • Cho viên bột vào giữa, gấp mí lá lại ( hình 9, 10)

Hình 9

Hình 10

* Kiểu nóc chùa:

  • Lá chuối hình vuông cạnh 20cm, cuộn lá hình cái phễu cho viên bột vào giữa, gấp mí lá lại (hình 11)

Hình 11

  • Dùng thêm 1 miếng lá chuối cạnh 25cm đặt gói bột lên giữa lá (hình 12)

Hình 12

  • Gấp đôi miếng lá theo hình chéo của hình vuông, vuốt nhẹ đường gấp cho có nếp (hình 13)

Hình 13

  • Gấp tiếp mí lá mỗi bên vào 3 lần cho sát (hình 14)

Hình 14

  • Gấp mí lá còn laị vào trong (hình 15, 16)

Hình 15

Hình 16

4/. Hâp bánh:

Xửng hấp đã đun sôi nước, xếp bánh vào xửng hấp khoảng 20 phút, bánh chín, trong lúc hấp khoảng 5 phút xả hơi 1 lần ( hình 17)

Hình 17

5/. Yêu cầu thành phẩm:

- Bánh hấp chín phải giữa được hình dạng ban đầu.

- Da bánh dẻo, ngon, vị vừa ăn.

HUỲNH THU CÚC

Bộ môn Mẫu Giáo

Trường ĐHAG

Bánh ít lá gai

Từ xa xưa, dân gian Bình Định đã có câu ca:''''Muốn ăn bánh ít lá gai, Có chồng Bình Định cho dài đường đi."

Bánh ít lá gai là đặc sản của Bình Định. Sau này, cách làm bánh lan rộng khắp vùng ven biển miền trung. Bánh ít lá gai Bình Định nổi tiếng vì hương vị thơm ngon. Khi đi chơi xa hay thăm người thân, người Bình Định thường làm, hoặc mua vài ba chục bánh mang theo ăn dọc đường, hoặc để biếu, làm quà. Dù để năm, sáu ngày sau, bánh vẫn ngon.

Nhất là vào những ngày Tết Nguyên đán, mồng Một, Rằm, Tết Đoan Ngọ (5-5) người Bình Định, rồi cả Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên... đều làm, hay mua ba bốn chục chiếc bánh ít lá gai để cúng tổ tiên.

Ông bà thường dặn con cháu: ''''Con gái Bình Định không biết làm bánh ít lá gai thì chưa thể làm dâu nhà chồng''''. Làm nên chiếc bánh phải kỳ công, vất vả cùng với sự khéo léo, thành thục. Nguyên liệu phải đủ năm thứ: lá gai, gạo nếp, đường, đậu xanh và lá chuối. Lá gai luộc chín, cho vào cối quết nhuyễn. Gạo nếp giã, xay, nghiền thành bột. Đường thì nấu đến độ đặc sánh. Ba thứ nguyên liệu đó trộn, nhồi thật đều, rồi đem chia ra thành từng miếng. Đậu xanh đãi vỏ, đem hấp, giã mịn, viên tròn dùng làm nhân. Nhân điểm mấy miếng bí đao xắt hạt lưu, lá chuối hơ lửa gói bánh. Cho vào nồi hấp chín. Để nguội, khi ăn bóc lớp lá chuối, chiếc bánh lộ ra một mầu đen tuyền, bóng láng. Thưởng thức miếng bánh ta thấy được vị thơm rất đặc trưng, tinh khiết của lá gai, của gạo nếp, của đường, đậu xanh hòa quyện vào nhau. ở Bình Định, bánh thường mô phỏng hình nóc chùa.

Bánh ít lá gai - thứ bánh dân dã mà ngon ngọt, đậm đà, quyến rũ. Mỗi khi nhớ về xứ dừa Bình Định, người xa quê lại nao nao nhớ về vị thơm ngọt của bánh ít lá gai.

No comments:

Post a Comment