Thursday, August 6, 2009

Chất độc da cam

Chất độc da cam

Chất độc da cam (CĐDC), (tiếng Anh: Agent Orange - Tác nhân da cam), là tên gọi của một loại chất thuốc diệt cỏ và làm rụng lá cây được quân đội Hoa Kỳ sử dụng tại Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Chất này đã được dùng trong những năm từ 1961 đến 1971 và nhiều người cho rằng đã làm tổn thương sức khỏe của những người dân thường cũng như binh lính Việt Nam, lính Mỹ cũng như lính Úc, Hàn Quốc, Canada, New Zealand có mặt như quân đồng minh của Mỹ mà có tiếp xúc với chất này, cũng như con cháu họ.

Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, mục đích quân sự chính thức của CĐDC là làm rụng lá cây rừng để quân đội du kích Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam không còn nơi trốn tránh. CĐDC là một chất lỏng trong; tên của nó được lấy từ màu của những sọc được vẽ trên các thùng phuy dùng để vận chuyển nó. Quân đội Hoa Kỳ còn có một số mã danh khác để chỉ đến các chất được dùng trong thời kỳ này: "chất xanh" (Agent Blue, cacodylic acid), "chất trắng" (Agent White, hỗn hợp 4:1 của 2,4-D và picloram), "chất tím" (Agent Purple) và "chất hồng" (Agent Pink).

Đến năm 1971, CĐDC không còn được dùng để làm rụng lá nữa; 2,4-D vẫn còn được sử dụng để làm diệt cỏ. 2,4,5-T đã bị cấm dùng tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác.

Người ta đã tìm thấy CĐDC có chứa chất độc dioxin, nguyên nhân của nhiều bệnh như ung thư, dị dạng và nhiều rối loạn chức năng ở cả người Việt lẫn các cựu quân nhân Hoa Kỳ.

2,3,7,8-TCDD, một loại dioxin gây ô nhiễm
Tuy nhiên, Giáo sư Alvin L. Young - chuyên gia dioxin nói rằng "Không có tác hại sinh thái nào được ghi nhận ở động thực vật mặc dù một lượng lớn chất diệt cỏ và dioxin đã được sử dụng", và rằng "thông tin này chưa được xem xét trong các lần đánh giá trước của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ và Viện Y học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ". Tuy nhiên, giáo sư lưu ý rằng "các chất diệt cỏ đổ thẳng xuống đất và ngấm sâu trước khi thoái biến thì sẽ có tồn dư và vì vậy là một mối lo ngại.". Còn theo Cựu Đại sứ Mỹ tại VN ông Michael Marine vẫn cho rằng mối liên hệ giữa sự phơi nhiễm dioxin và sức khoẻ con người vẫn chưa được chứng minh. Tuy nhiên ông đã công bố khoản tài trợ trị giá 400 nghìn USD để nghiên cứu ô nhiễm dioxin và tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng.

Ngày 31 tháng 1 năm 2004, nhóm bảo vệ quyền lợi nạn nhân CĐDC, Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam (The Vietnam Association of Victims of Agent Orange/Dioxin - VAVA) đã kiện hơn 30 công ty Mỹ phải bồi thường do trách nhiệm gây ra thương tích vì đã sản xuất chất hóa học này. Dow Chemical và Monsanto là hai công ty sản xuất CĐDC lớn nhất cho quân đội Hoa Kỳ đã bị nêu tên trong vụ kiện cùng các công ty khác. Trước đây nhiều cựu quân nhân Hoa Kỳ đã thắng một vụ kiện tương tự.

Các nạn nhân tham gia kiện gồm có:

  1. Phan Thị Phi Phi
  2. Nguyễn Văn Quý
  3. Dương Quỳnh Hoa (đã mất tháng 2 năm 2006)

Vào ngày 10 tháng 3 năm 2005, quan tòa Jack Weinstein (thuộc Tòa án liên bang tại quận Brooklyn) đã bác đơn kiện, quyết định rằng những đòi hỏi của đơn kiện không có cơ sở pháp luật. Quan tòa kết luận rằng CĐDC đã không được xem là một chất độc dưới luật quốc tế vào lúc Hoa Kỳ dùng nó; rằng Hoa Kỳ không bị cấm dùng nó để diệt cỏ; và những công ty sản xuất chất này không có trách nhiệm về cách sử dụng của chính quyền.

Chính phủ Hoa Kỳ, vốn có quyền miễn tố (sovereign immunity), không phải là một bị cáo trong đơn kiện. Tuy nhiên, vào năm 1984 cũng từ phiên tòa của vị quan tòa này, chính các công ty trên đã chi khoảng 180 triệu USD cho các gia đình người Mỹ là cựu chiến binh Việt Nam mặc dù không thừa nhận có hành động sai trái.

Hai mươi mục trong phán quyết của thẩm phán Jack Weinstein ngày 10 tháng 3 về vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đối với các công ty hoá chất đã được phân tích của Mandrew Wells-Dang, đại diện Quỹ Hoà giải và Phát triển tiếng Anh (tiếng Việt phần 1, và tập 2).

Ngày 7 tháng 4 năm 2005 các nguyên đơn Việt Nam đã tiếp tục gửi đơn kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm của Mỹ đòi lật lại quyết định của tòa sơ thẩm.

Tòa Phúc thẩm Khu vực 2 tại Manhattan bắt đầu xem xét lại vụ kiện vào tháng 6 năm 2006, ra phán quyết vào tháng 2 năm 2007 đồng ý với phán quyết của Tòa sơ thẩm.

Chất độc da cam và nguy cơ ung thư: Phát hiện mới và cơ hội mới
Trong phiên tòa da cam gần đây ở New York, Thẩm phán Weinstein cho rằng chất độc da cam chỉ là một hóa chất diệt cây cỏ chứ không phải là độc chất, dù ông công nhận chất này có chứa dioxin và dioxin là một độc chất. Nhưng một nghiên cứu mới nhất từ Mĩ cho thấy phán quyết đó không đúng với thực tế, vì ngay cả những cựu chiến binh Mĩ ít bị phơi nhiễm dioxin cũng có nguy cơ bị ung thư cao.
Có thể nói rằng mối liên hệ sinh học giữa dioxin hay chất độc da cam và ung thư đã từng là một nỗi “ám ảnh” nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới. Trong khi bằng chứng nghiên cứu trên chuột và động vật cấp thấp cho thấy khi chuột bị cho phơi nhiễm dioxin, chúng có tỉ lệ bị ung thư, nhất là ung thư các mô mềm, cao hơn chuột không bị nhiễm dioxin. Thế nhưng mối liên hệ giữa dioxin và ung thư trong con người thì có khi thiếu tính nhất quán. Cái khó khăn chính trong việc thiết lập mối liên hệ này là vì các nhà không có những đối tượng lí tưởng cho nghiên cứu. Không ai có thể làm nghiên cứu bằng cách cho con người bị phơi nhiễm dioxin ở nồng độ cao rồi theo dõi xem có bao nhiêu người bị ung thư! Do đó, tất cả các dữ kiện về mối liên hệ giữa dioxin và ung thư trong con người chỉ có thể dựa vào những đối tượng gián tiếp.
Một trong những đối tượng gián tiếp đó là các cựu chiến binh Mĩ từng tham gia vào chiến dịch “Bàn tay nông dân” (Operation Ranch Hand) phun độc chất xuống Việt Nam trong thời gian từ 1962 đến 1971. Bắt đầu từ năm 1982, Chính phủ Mĩ ủy nhiệm cho một nhóm khoa học gia nghiên cứu tác hại của chất độc da cam đến sức khỏe cựu chiến binh Mĩ. Trong công trình nghiên cứu kéo dài hơn 20 năm này, các nhà nghiên cứu xem xét sức khỏe của hơn 2000 đối tượng, và họ chia thành hai nhóm: nhóm I gồm khoảng 1000 người từng trực tiếp rải chất độc da cam xuống Việt Nam; và nhóm II có khoảng 1300 người không trực tiếp rải độc chất, nhưng có mặt trong nhà kho, bảo quản hóa chất. Trong thời gian từ 1982 đến nay, cứ mỗi 2 năm, mỗi cựu chiến binh (nếu còn sống) được tái khám để thu thập số liệu liên quan đến nồng độ dioxin, và quá trình phát triển bệnh tật. Công trình nghiên cứu này đã đem lại rất nhiều thông tin có ích cho khoa học về tác hại của dioxin, và tôi đã tóm lược các kết quả chính trong cuốn sách Chất độc da cam, dioxin và hệ quả (Nhà xuất bản Trẻ, tháng 7, 2004).
Trong một báo cáo khoa học mới nhất trên tập san y khoa về lao động, môi trường và sức khỏe (Journal of Occupational and Environmental Medicine), các nhà nghiên cứu cho phát hiện rằng ngay cả những cựu quân nhân trong nhóm II (tức không trực tiếp tiếp xúc với chất độc da cam) có nguy cơ bị ung thư cao hơn tỉ lệ trong dân số đến 60% [1]. Những ung thư được ghi nhận có tỉ lệ cao trong các cựu chiến binh này: ung thư hệ thống hô hấp, ung thư hệ thống tiêu hóa, và ung thư da ác tính. Ngoài ra, nguy cơ bị ung thư có xu hướng tăng cao theo thời gian phục vụ ở Việt Nam
Như vậy nghiên cứu mới nhất từ Mĩ cung cấp thêm cho chúng ta một bằng chứng mới nhất về khả năng gây ung thư của độc chất da cam và dioxin. Từ hơn 10 năm qua, một số nghiên cứu lớn từ Đức, Ý và Mĩ cũng cho thấy tỉ lệ bị ung thư trong các đối tượng bị nhiễm dioxin cao hơn tỉ lệ trong các đối tượng không bị nhiễm dioxin. Nhưng cái mới của nghiên cứu này là ngay cả những người bị phơi nhiễm thấp cũng có nguy cơ bị ung thư cao.
Thật vậy, nồng độ dioxin trong máu các cựu chiến binh trong công trình nghiên cứu này chỉ 3.8 pg/g, tức chỉ cao hơn trong dân số khoảng 1.5 pg/g. (Cũng cần nóu thêm rằng nồng độ dioxin trong các cựu chiến binh Mĩ từng phun độc chất là từ 15 pg/g đến 45.7 pg/g). Do đó, ý nghĩa quan trọng nhất của phát hiện mới này là đối với khả năng gây tác hại của dioxin, không có cái gọi là “nồng độ dioxin an toàn
Có thể lí giải rằng những ước tính về mức độ ảnh hưởng của dioxin đến nguy cơ mắc bệnh ung thư còn thấp hơn so với thực tế, bởi vì phần lớn những nghiên cứu này được tiến hành sau khi nạn nhân bị nhiễm dioxin cả 20 đến 30 năm. Với một thời gian dài như thế và thời gian bán hủy (khoảng 10 năm) thì nồng độ dioxin trong người lúc nghiên cứu không phản ánh đúng nồng độ thực lúc ban đầu. Ngoài ra, có thể một số nạn nhân bị nhiễm nặng đã qua đời, và những đối tượng mà các nhà nghiên cứu liên lạc được là những người “khỏe”. Đó là những hạn chế trong các nghiên cứu về dioxin mà chúng ta phải ghi nhận khi diễn dịch các kết quả trên đây
Nghiên cứu này chỉ thẩm định mối liên hệ giữa dioxin và ung thư, còn hậu quả của ung thư thì sao? Các nhà nghiên cứu Ý đã phân tích dữ kiện thu thập sau 20 năm về ảnh hưởng của dioxin đến tỉ lệ tử vong vì ung thư [2]. Họ ghi nhận rằng các cư dân sống trong vùng bị nhiễm dioxin cao có tỉ lệ tử vong (vì ung thư) cao hơn 30% so với các cư dân không sống trong vùng bị nhiễm. Tỉ lệ cư dân chết vì ung thư Hodgkin và phi-Hodgkin trong cư dân bị nhiễm cao gấp 2 đến 4 lần so với cư dân trong các vùng không bị nhiễm.
Đối với nạn nhân chất độc da cam, phát hiện mới nhất về mối liên hệ giữa dioxin và ung thư từ Mĩ là một bằng chứng khác cho thấy phán quyết của Thẩm phán Weinstein (rằng chất độc da cam không phải là một độc chất) là thiếu cơ sở khoa học. Tháng Hai năm 1997, Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (International Agency for Research on Cancer, một cơ quan thuộc Tổ chức y tế thế giới) tiến hành một loạt nghiên cứu khoa học và kết luận rằng dioxin, nhất là dioxin trong chất màu da cam, là một độc tố có thể gây ra ung thư thuộc vào nhóm 1 (còn gọi là Class 1 carcinogen). Tháng Giêng năm 2001, Chương trình nghiên cứu về độc chất quốc gia của Mĩ (National Toxicology Program) cũng công nhận dioxin là một độc chất gây nên ung thư trên con người. Trong một báo cáo khoa học được đệ trình lên Quốc hội Mĩ, các nhà nghiên cứu Mĩ đã khẳng định rằng dioxin gây ra nhiều ung thư trong con người, kể cả ung thư máu và ung thư phổi. Họ cũng đề nghị EPA phân loại lại dioxin là độc chất số một, tức độc hại nhất trong các hóa chất mà con người biết đến.
Công trình nghiên cứu Ranch Hand Study còn cung cấp cho chúng ta một vài kinh nghiệm và bài học về nghiên cứu tác hại của chất độc da cam. Thứ nhất, một công trình nghiên cứu qui mô về tác hại của chất độc da cam ở trong nước là một việc làm hoàn toàn khả dĩ mà không phải nhất thiết cần đến sự giúp đỡ của các nhà khoa học Mĩ. Thứ hai, nên tập trung làm những nghiên cứu lớn trên hàng ngàn đối tượng (chứ không nên làm những nghiên cứu nhỏ mà kết quả không có giá trị khoa học cao). Thứ ba, một nghiên cứu có giá trị cần phải theo dõi đối tượng nhiều năm, nhưng chỉ một hay hai năm là kết quả có thể phân tích được. Thứ tư, về định hướng nghiên cứu, tôi nghĩ có thể tập trung vào 3 khía cạnh chính: một là phát triển cho được một phương pháp để ước định mức độ phơi nhiễm độc chất cho từng cá nhân trong những vùng từng bị ảnh hưởng độc chất; hai là thiết lập mối liên hệ giữa mức độ phơi nhiễm độc chất da cam và các bệnh như ung thư, dị tật bẩm sinh, tiểu đường, và tỉ lệ giới tính; và ba là thẩm định tác hại của dioxin hay độc chất da cam đối với cấu trúc di truyền (gen)
Tóm lại, các bằng chứng khoa học trên đây cho thấy dioxin được xem là một trong những độc chất nguy hiểm nhất, vì nó có khả năng gây tác hại đến sự sống và sức khỏe của con người, nhất là ung thư và các rối loạn nội tiết và tái sản sinh khác. Phát hiện mới nhất về tác hại ung thư của dioxin từ các nhà khoa học Mĩ cung cấp thêm một bằng chứng cho thấy dioxin quả là một độc chất nguy hiểm.
Phát hiện mới này cũng đặt một câu hỏi cấp bách cho giới khoa học trong nước là bao giờ Việt Nam cũng có một công trình nghiên cứu tương tự trên người Việt Nam. Tác hại của dioxin đòi hỏi một sự cập nhật hóa kiến thức và dữ kiện một cách liên tục. Đã đến lúc Việt Nam tiến hành một nghiên cứu qui mô về dioxin và chất độc da cam để đóng góp vào việc ghi nhận những tác hại của độc chất không chỉ ở nước ta mà còn góp phần vào việc bồi đấp kho tàng tri thức cho thế giới.

Chú thích:
[1] Pavuk M, Michalek JE, Schecter A, Ketchum NS, Akhtar FZ, Fox KA. Did TCDD exposure or service in Southeast Asia increase the risk of cancer in Air Force Vietnam Veterans who did not spray Agent Orange? J Occup Environ Med 2005; 47:335-342.
[2] Bertazzi PA, Consonni D, Bachetti S, Rubagotti M, Baccarelli A, Zoccochetti C, Pesatori AC. Health effects of dioxin exposure: a 20-year mortality study. Am J Epidemiol 2001; 153:1031-1044

GS.TS NGUYỄN VĂN TUẤN
Người con của hai vùng đất: Nguyên quán ở Bình Định, lớn lên ở Kiên Giang và định cư tại Australia.
Hình ảnh quê nhà có ảnh hưởng đến ông trong quá trình học tập, làm việc?
- Ba tôi lúc sinh tiền ít nói lắm, nhưng mỗi khi ông nói thì lúc nào cũng nhắc đến miền quê Bình Định, như gián tiếp nhắc cho tôi biết nguồn cội của mình. Quê hương trong tôi là một làng quê nằm ven cánh đồng và bên con sông hiền hòa nơi mình sinh ra; là cái thôn Cảnh Vân, xã Phước Thành nơi ba tôi xuất thân và bà con tôi vẫn còn sống ở đó; là huyện Phù Mỹ, nơi ông ngoại tôi sinh ra. Hình ảnh quê hương là động cơ thôi thúc tôi vươn lên trong học tập và làm việc. Thú thật, lúc nào tôi cũng nghĩ (hay mơ ước) làm gì để một ngày nào đó người dân quê tôi không còn “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” để mưu sinh hàng ngày.Sang Australia từ năm 1982, để mưu sinh, ông đi làm phụ bếp. Ngày đi làm, đêm ông học thêm. Sau một thời gian, ông lấy bằng thạc sĩ, rồi bảo vệ thành công luận án TS; tiếp tục làm nghiên cứu sinh hậu TS. Hiện ông là nghiên cứu viên cao cấp ngay tại nơi trước đây ông làm phụ bếp.
Ông có thể tiết lộ “bí quyết” tự vươn lên cho các bạn trẻ?
- Thật ra thì không có bí quyết gì cả, tùy hoàn cảnh mỗi người mà ứng phó thôi. Khi tôi mới sang Úc, tiếng Anh lôm côm, công việc chưa có, làm gì để vươn lên là một câu hỏi lớn. Bây giờ nhìn lại quãng đường mình đi qua, tôi thấy có thể chia sẻ một số kinh nghiệm với các bạn trẻ và những người đi sau.Trước hết là phải phấn đấu vượt trội. Để vượt trội hơn người khác thì chỉ có hai cách. Một là làm việc có hiệu quả và thông minh hơn họ; hai là nếu không thông minh hơn thì phải làm việc nhiều hơn. Để có nhiều thì giờ cho công việc, chúng ta cần phải hi sinh một số nhu cầu cá nhân, hạn chế những tiệc tùng, giao tiếp không cần thiết. Rồi phải có mục tiêu rõ ràng và kiên trì. Tôi có thói quen mỗi sáng viết ra những việc mình cần làm hôm nay và để danh sách ấy trên bàn, đặng nhắc nhở mình.Phải biết nắm lấy phương pháp, vì có phương pháp trong tay cũng có nghĩa là mình có một thế đứng bậc trên khi cạnh tranh với người khác. Bên cạnh đó, để thành công trong khoa học, mỗi người cần chọn cho mình một người thầy giỏi. Những người thầy có tiếng thường chỉ làm những nghiên cứu lớn, và do đó, làm cho họ cũng có nghĩa là chúng ta làm quen với cách suy nghĩ lớn. Ngoài ra, một trung tâm nghiên cứu nổi tiếng là một môi trường rất tốt để giao lưu với những nhà khoa học giỏi.Tiếp nữa là biết làm việc theo nhóm và hợp tác, để có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi phương pháp lẫn nhau, và nhất là phát triển ý tưởng mới liên ngành; qua đó, nâng cao “năng suất” khoa học.Cuối cùng và đương nhiên là tiếng Anh. Trong khoa học, tôi không ngần ngại mà nói rằng tiếng Anh là một chìa khóa thành công, bởi vì phần lớn các tập san khoa học ngày nay đều sử dụng tiếng Anh.
Ai hay điều gì ảnh hưởng nhiều nhất đến những sự lựa chọn của ông?
- Tôi nghĩ đến hai người: Ba tôi và người thầy thời tiểu học. Ba ít nói chuyện với con cái, nhưng mỗi lần tôi đi xa về, có dịp nói chuyện, ba thường hay nhắc là ba và má rất ít học, nên muốn con cái phải học đến nơi đến chốn. Tôi nhìn ba tôi như là một tấm gương phấn đấu. Ngày ba tôi, một vệ quốc đoàn, bị thương mất một cánh tay, phải giải ngũ, bà con ai cũng lo cho tương lai gia đình tôi. Nhưng ba miệt mài tập làm việc bằng tay trái và ông đã thành công. Đến nay, cả làng tôi khi nhắc đến “Ông Ba Ý”, ai cũng phục là ông có thể phát cỏ, đào đất, viết chữ bằng tay trái, mà làm chẳng kém ai. Từ một thương binh, ba tôi đã tạo dựng được một cơ ngơi có thể nói là vững vàng về mặt kinh tế để anh em tôi đi học. Trong cuộc sống tinh thần, ba tôi cũng là một tấm gương. Ông trung thành với lý tưởng của ông, dù bị tra tấn, ông vẫn không tiết lộ thông tin làm hại đồng chí. Ba cho tôi một bài học lớn là có thể vươn lên và vượt qua nghịch cảnh. Má tôi cho tôi một bài học là phải sống tử tế với mọi người.Người thứ hai ảnh hưởng đến tôi là thầy Phát, thầy dạy tôi thời tiểu học. Thầy đã qua đời khá lâu, nhưng tôi vẫn nhớ thầy là một nhà giáo đúng mực. Thầy rất nghiêm nghị nhưng công bằng và tận tụy với học trò. Dù ở trong quê, nhưng mỗi khi lên lớp là thầy vận quần áo nghiêm chỉnh. Câu đầu tiên của bài giảng lúc nào cũng là đạo đức học. Thầy gieo cho tôi đạo đức xã hội và mẫu mực của một nhà giáo.
Lời giới thiệu:Chiến tranh Việt Nam dù đã chấm dứt từ ba mươi năm rồi, nhưng hệ quả sâu sắc của nó vẫn tồn tại một cách nóng bỏng cho đến ngày nay. Có thể nói một cách chắc chắn rằng ngày nào con người còn hiện diện trên quả địa cầu nầy, và con người đó còn có một điểm lương tâm, thì những hệ quả tinh thần, đạo lý, và vật lý của cuộc chiến đó vẫn còn tồn tại với lịch sử như những nhắc nhở vừa hùng tráng vừa bi thiết.
Có nhiều lý do để giải thích độ sâu sắc và tính lâu bền của các hệ quả nầy, nhưng nếu chỉ quy kết lại trong một điểm mà thôi, thì đó chính là vì sự hủy diệt sinh mạng con người đến tận cùng trong suốt cuộc chiến đã làm cho ta dù có tha thứ, thì cũng thật khó mà quên đi được. Nói như chính những người Mỹ đã từng tham dự vào cuộc chiến nầy: Forgiven, but not forgotten ! Tha thứ những cuồng vọng vô minh nhưng khó mà quên đi được những đau đớn chất ngất trên thân xác và tình cảm của những nạn nhân người nước ngoài, khi tàn cuộc chiến, sống sót trở về với quê hương họ; hoặc thiết thân hơn, những nạn nhân Việt Nam vẫn còn kéo lê cuộc sống đau thương trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, vốn đã từng là chiến địa khốc liệt một thời...
Bây giờ thì lịch sử đã cho ta tạm đủ dữ kiện để có thể tổng kết được những số liệu khủng khiếp về cuộc chiến tranh Việt Nam đó: Số tử vong của 14 quốc gia tham chiến, hàng chục vạn cây số vuông bị tàn phá đổ nát, hàng triệu nạn nhân và phế binh sống đời khuyết tật, và hàng trăm tỉ Mỹ kim tài trợ cho mọi dịch vụ chiến tranh, ... Nhưng đàng sau những con số đó còn là không biết bao nhiêu mảnh đời trôi nổi vô định, khốn khổ và câm lặng mà mọi thế lực đã từng tham chiến chỉ muốn quên đi. Họ là những chiến binh và dân thường đã chịu cơn mưa bụi Chất độc Màu da cam (Agent Orange) phủ chụp lên cơ thể họ, len lỏi vào tim phổi ruột gan và, chậm chạp nhưng chắc chắn, hoành hành tàn phá mọi ngõ ngách các bộ phận của cơ thể con người. Và tác hại nầy đã và sẽ truyền đi từ đời nầy sang đời khác, để lại những dị dạng, những khuyết tật, những quái thai không cách gì chữa trị được.
Vì đối tượng chủ yếu là trên chiến trường miền Nam, nên người dân miền Nam và một bộ phận của tập thể quân nhân VNCH củ đã phải chịu nhiều cay đắng oan uổng nhất. Họ, mà phần lớn là những nông dân, phụ nữ, và trẻ em, không có cái tội gì ngoài tội làm dân một nước nhược tiểu, bị biến thành vật thí nghiệm cho các công nghệ quốc phòng ác độc của một siêu cường Tây phương.
Trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về những di hại của Chất độc Màu da cam trong chiến tranh Việt Nam. Đa số là do các định chế Tây phương, nhiều nhất là của Mỹ. Tiến sĩ Nguyễn văn Tuấn là một trong những nhà nghiên cứu người Việt Nam hiếm hoi ở nước ngoài quan tâm và nghiên cứu đến nơi đến chốn đề tài nầy.
Ông vừa là nhà giáo, vừa là nhà nghiên cứu khoa học, vừa là nhà văn. Ông hiện làm việc tại Viện nghiên cứu Y khoa Garvan và giữ chức giáo sư tại Đại học New South Wales ở Sydney (Úc châu), và cũng là giáo sư thỉnh giảng tại nhiều đại học trên thế giới, và đã từng đỡ đầu cho nhiều sinh viên bảo vệ luận án tiến sĩ. Những bài viết về khoa học, văn hóa, văn học, v.v… của ông được đăng rải rác trên các tạp chí Việt ngữ tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả Thế Kỷ 21 (Mỹ), Đi Tới (Canada), Diễn Đàn (Pháp), Tư Tưởng (Úc), và các trang nhà Y học, Khoa học, Giao Điểm, Chuyển Luân, v.v… Ông có một lợi thế lớn trong việc tiếp cận và chuyển giao thông tin liên quan đến vấn đề như độc chất màu da cam cho công chúng, vì ông có khả năng trên cả hai lĩnh vực khoa học và văn chương. Trong lĩnh vực khoa học, ông am tường các vấn đề chuyên môn trong ngành dịch tễ học, nội tiết học, và thống kê học. Các công trình nghiên cứu của ông về dịch tễ học và loãng xương được giới y học thế giới đánh giá cao, và có thẩm quyền khoa học trong lãnh vực chuyên ngành. Là người có chân trong các ban biên tập của một vài tập san y học tại Mỹ, ông còn có một năng khiếu văn chương đáng kể. Ông có thể diễn đạt những ý tưởng khoa học phức tạp thành những câu văn trong sáng, khúc chiết mà công chúng ai cũng có thể hiểu được dễ dàng. Nhưng trên hết, ông là một người Việt Nam đầy ắp tình tự dân tộc, yêu quê hương và luôn luôn thể hiện tình cảm đó bằng hành động cụ thể. Chính tình cảm đó đã là động lực để, từ nhiều năm nay, thôi thúc ông nghiên cứu hậu quả của Chất độc Màu da cam tại Việt Nam.
Khi nhận lời cùng với tác giả Nguyễn văn Tuấn hợp tác phổ biến những bài viết của ông về di hại của Chất độc Màu da cam tại Việt Nam, Giao Điểm chỉ nhắm ba mục đích:
· Trước hết là để gửi đến độc giả trong và ngoài nước những thông tin cập nhật về một thảm trạng đã từng xảy ra trên quê hương Việt Nam, hiện đang và sẽ còn tác hại lên đồng bào trong nhiều thế hệ sắp tới. Thảm trạng đó, tuy là mối dằn vặt và niềm đau thương đánh động lương tâm nhân lọai, nhưng cho đến nay vẫn có nhiều nhân vật và định chế trong và ngoài chính quyền Mỹ tìm cách dìm vấn đề xuống bằng cách lạc dẫn nó vào sự bế tắc của một cuộc tranh luận khoa học dai dẳng và một thủ tục pháp lý thiếu cơ sở.
· Thứ đến là xác định một sự sòng phẳng lịch sử, trong đó công lý phải được tôn trọng. Mà trước hết là những kẻ phạm tội phải được công khai nêu tên để nhận tội và sám hối, và những nạn nhân phải được minh danh nhận diện để được bồi thường thích đáng. Do đó, chúng tôi ủng hộ và tích cực tham gia vào tất cả các nỗ lực vận động đòi hỏi các công ty sản xuất Chất độc Màu da cam phải bồi thường cho các nạn nhân để họ làm lại cuộc đời khốn khổ của họ. Một cách cụ thể trong cương vị giới hạn của mình, tiền bán được từ cuốn sách nầy, sau khi trang trải phần thực hiện, sẽ được Giao Điểm gửi về để hổ trợ vào ngân quỹ giúp nạn nhân Chất độc Màu da cam tại Việt Nam. ·



Và cuối cùng là đứng trên mọi ranh giới chính trị và biên cương địa lý để chia sẻ những đau khổ và thiệt thòi với các nạn nhân của Chất độc Màu da cam, trong đó, chủ yếu gồm thường dân người Việt và một bộ phận của tập thể cựu quân nhân VNCH cũng như người nước ngoài đã từng tham chiến tại Việt Nam. Sự chia sẻ nầy là để thể hiện tối thiểu của lương tri, của đạo làm người.
Giao Điểm xin thành thật cảm ơn tác giả Nguyễn văn Tuấn và trân trọng giới thiệu với độc giả công trình nghiên cứu của ông. Chúng tôi xin ghi lại nơi này hai câu ca giao thân thiết từ tận đáy lòng: Bầu ơi, thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Bây giờ tuy chúng ta đã là những trái “bầu Tây bầu Mỹ”, nhưng xin đừng quên trái “bí” xa xôi, đã từng một thời cùng với chúng ta chia ngọt sẻ bùi chung một “giàn” lịch sử, một “giàn” văn hóa, một “giàn” định mệnh. Giao Điểm , Xuân 2005


Lời nói đầu của tác giả:
Một trong những “di sản” lớn nhất của cuộc chiến mà người Mĩ hay nói đến như là “cuộc chiến Việt Nam” hay “Vietnam War” là hậu quả của các hóa chất độc hại quân đội Mĩ đã từng dùng trong thời chiến hơn 30 năm về trước. Dù chiến tranh đã chấm dứt hơn ba thập niên, nhưng hàng triệu nạn nhân, kể cả cựu chiến binh Việt Nam và Mĩ, qua nhiều thế hệ của chất độc màu da cam và dioxin vẫn còn đang chịu đựng ảnh hưởng của nó. Nhưng tác hại trên con người chỉ là một khía cạnh của vấn đề, những tàn phá môi sinh do chiến dịch dùng độc chất một cách bừa bãi gây ra cũng là một tác hại nghiêm trọng và nguy hiểm khác.
Mặc dù hậu quả của chất độc màu da cam và dioxin rất hiển nhiên ở Việt Nam, nhưng thỉnh thoảng vẫn có một vài phát biểu mang tính nghi ngờ qui mô và sự độc hại của nó. Thậm chí vấn đề có khi còn bị chính trị hóa. Có khi người ta cố tình lãng tránh vấn đề. Chẳng hạn như phản ứng trước yêu cầu của Chính phủ Việt Nam rằng Chính phủ Mĩ nên có trách nhiệm với nạn nhân của độc chất, một số giới chức Mĩ đòi hỏi “bằng chứng” về tác hại của độc chất. Sự đòi hỏi này mâu thuẫn với việc Chính phủ Mĩ đồng ý bồi thường cho những cựu quân nhân Mĩ từng tham chiến ở Việt Nam và bị ảnh hưởng chất độc màu da cam do chính họ rải xuống đồng ruộng và nhà cửa nhân dân Việt Nam! Thêm vào đó là những xuyên tạc thông tin khoa học, những phản ứng cảm tính về độc chất dioxin làm cho tình hình càng thêm phức tạp. Đối với nhiều người, dioxin là mầm móng, là nguyên nhân của mọi vấn đề; đối với một số người khác, dioxin hoàn toàn vô hại, tất cả những tác hại mà giới báo chí nói đến chỉ vì động cơ kinh tế - chính trị. Chắc chắn sự thật không đơn giản như ở giữa hai quan điểm cực tính như trên; sự thật nằm đâu đó giữa hai thái cực. Chỉ có khoa học và nghiên cứu khoa học là người trọng tài công bằng và khách quan nhất.
Trong hơn 40 năm qua, đã có nhiều nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu lâm sàng về ảnh hưởng của chất độc màu da cam và dioxin đến sức khỏe con người. Những nghiên cứu này được Chính phủ Mĩ dùng làm cơ sở khoa học cho chính sách bồi thường thiệt hại cho các cựu chiến binh Mĩ. Cuốn sách nhỏ này trình bày những dữ kiện đó cho công chúng Việt Nam, những người không có phương tiện tiếp cận chúng. Nó cũng là một cách nói gián tiếp cho những ai đòi hỏi bằng chứng rằng: “có bằng chứng đây”.
Những nghiên cứu khoa học thường được viết bằng một văn phong đặc thù rất khó hiểu đối với những ai chưa quen với nghiên cứu khoa học. Đối với công chúng nói chung, những nghiên cứu này là những rừng con số, rừng dữ kiện. Vì thế, ý nghĩa của các nghiên cứu như thế ít khi nào được quần chúng hiểu hết, hay hiểu nổi. Cuốn sách này có một mục tiêu khiêm tốn: tóm gọn và diễn dịch những kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến dioxin cho bạn đọc Việt Nam. Qua cuốn sách nhỏ này, tôi hi vọng cống hiến cho bạn đọc, kể cả các nạn nhân của chất độc màu da cam và dioxin, một số thông tin thiết thực để hiểu rõ qui mô và ảnh hưởng của độc chất đã và còn đang hiện diện trên đất nước ta.
Nội dung sách được chia làm ba phần : Phần I mô tả thành phần và cấu trúc hóa học của chất độc dioxin và lịch sử chiến dịch dùng dioxin trong cuộc chiến Việt Nam; phần II trình bày những nghiên cứu về ảnh hưởng của dioxin đến sức khỏe con người; và phần III bàn về các vấn đề tiếp nhận bằng chứng khoa học và một vài đề nghị cho nghiên cứu sự ảnh hưởng của dioxin ở Việt nam. Phần lớn tài liệu và dữ kiện được trích dẫn từ những nghiên cứu từ nước ngoài, một số là những nghiên cứu từ Việt Nam, và một số khác là nghiên cứu của chính chúng tôi. Trong từng chương, những sự thật khoa học được trình bày như là những kết quả nghiên cứu, và kèm theo một số lời bình luận và nhận xét của tôi. Những nhận xét đó chỉ là một hay trong nhiều cách diễn dịch xuất phát từ cái nhìn chuyên môn của tôi, chứ không hẳn là cách diễn dịch duy nhất.
Tuy nhiên, nghiên cứu tác hại của dioxin và chất độc màu da cam là một đề tài khoa học khá lớn trên thế giới, và đang tiến triển nhanh chóng. Trong thời gian qua, đã có hàng ngàn bài báo khoa học về đề tài này, và con số vẫn còn tăng trong thời gian tới. Nhiều phát hiện và kết luận vài năm trước đây có thể cần phải được đánh giá lại dưới ánh sáng của các thông tin mới nhất. Một quyển sách nhỏ như thế này không thể nào tóm gọn và phản ảnh đầy đủ tất cả những thông tin thay đổi theo thời gian. Do đó, tôi chỉ chọn những nghiên cứu nào có liên quan đến Việt Nam, người Việt Nam, và cuộc chiến Việt Nam. Nhưng dù có chọn lựa như thế, tôi tin rằng vẫn còn thiếu sót. Vả lại, đây là một nỗ lực cá nhân, và “lực bất tòng tâm” là lời giải thích tại sao nhầm lẫn và sai sót là điều khó có thể tránh khỏi. Một phần lớn cuốn sách đã được Nhà xuất bản Trẻ phát hành ở trong nước vào tháng Bảy năm nay (2004), và tôi cũng đã nhận được nhiều góp ý, đóng góp quí báu. Nhân đây, tôi xin cám ơn các bạn đọc Việt Nam đã chịu khó rà soát và thẳng thắn góp ý để lần tái bản này được hoàn hảo hơn. Sự đóng góp của các bạn là một khích lệ lớn đối với tôi. Tôi thành thật nghiêng mình cảm ơn.
Như đã nói trên, chất độc màu da cam và dioxin là một vấn đề thời sự “nóng” và gây ra nhiều tranh cãi. Do đó, bất cứ ai, kể cả tác giả cuốn sách này, viết về một đề tài “nóng” như thế đều hiểu rằng thông tin và diễn dịch của họ sẽ bị hiểu lầm, sẽ bị châm biếm, và sẽ bị xuyên tạc bởi những người đang mê muội với những niềm tin phi khoa học mà cuốn sách thách thức. Mặc dù tiên đoán những phản ứng như thế, nhưng tôi thấy cũng cần phải nói rõ rằng cuốn sách này chỉ trình bày những thông tin thuần túy khoa học, chứ hoàn toàn không nhằm chứng minh một quan điểm nào.
Trong thời gian thực hiện quyển sách, tôi đã nhận được sự cộng tác quí báu của nhiều bạn bè và đồng nghiệp. Tôi muốn nhân cơ hội này bày tỏ lòng biết ơn của tôi đến Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên, người đã chịu khó đọc và biên tập một số bài viết trong sách; Bác sĩ Ngô Đức Anh (Hà Nội), người đã cùng tôi nghiên cứu về dị tật bẩm sinh và dioxin mà kết quả được trình bày trong sách này.
Một số bạn đọc có lẽ sẽ thấy một số dữ kiện trong sách đã từng xuất hiện đây đó trên báo chí trong và ngoài nước. Thật vậy, một số bài viết này đã đăng trong các tạp chí và báo như Tia Sáng, Tuổi Trẻ, Người lao động, Diễn Đàn (Paris), Đi Tới (Canada), v.v…, nhưng đã được hiệu đính lại và trình bày một cách có hệ thống hơn. Tôi cũng nhân đây xin cảm ơn các báo đã phổ biến những bài viết đó cho bà con hiểu thêm về chất độc màu da cam và dioxin.

Bây giờ, tôi xin mời bạn đọc hãy cùng tôi đi suốt hành trình tìm hiểu chất độc màu da cam và dioxin trong cuộc chiến Việt Nam ...
Sydney, Australia, 28/10/2004

“Trên hết, tôi là một người con đất Việt”

Nguyên quán Bình Định, nhưng đã bao năm sinh sống ở nước ngoài. Từ một chân phụ bếp rồi phụ tá trong bệnh viện, ông đã tự vươn lên, trở thành GS.TS, là nhà nghiên cứu khoa học có tiếng trên trường quốc tế. Ông là GS.TS Nguyễn Văn Tuấn.
* Đọc sách: "Chất độc da cam, dioxin và hệ quả", tác giả: Nguyễn Văn Tuấn(Nhà xuất bản Trẻ, tháng 7, 2004).
Chất độc da cam và dị tật bẩm sinh
Nói đến chất độc da cam (mà dioxin là một thành tố độc hại nhất), người ta nghĩ ngay đến ảnh hưởng của nó đến phát sinh ung thư và nhất là dị tật bẩm sinh. Ngay từ thập niên 1960, giữa lúc chiến dịch phun hóa chất xuống miền Nam Việt Nam đang trong thời kỳ cao độ, qua một số nghiên cứu trên các động vật cấp thấp như chuột, các nhà khoa học học Mĩ đã nhận thấy dioxin không những có khả năng gây ra ung thư, mà còn làm rối loạn hệ thống tái sản sinh và dị thai. Chính vì khả năng gây ra dị thai mà các nhà khoa học Mỹ đã yêu cầu Chính phủ Mỹ phải ngưng xịt chất màu da cam ở Việt Nam.
Dù được khuyến cáo như thế, chiến dịch phun hóa chất vẫn tiến hành mãi đến năm 1971 mới chấm dứt. Trong vòng 10 năm (1962 đến 1971), quân đội Mỹ đã phun xuống các làng xã thuộc miền Nam và Trung Việt Nam khoảng 77 triệu lít hóa chất, phần lớn là chất độc da cam. Đó là một số lượng hóa chất khổng lồ và quy mô của nó đứng vào hàng số 1 trong lịch sử chiến tranh thế giới.
Một trong những vấn đề nhạy cảm, nhức nhối, từng gây ra nhiều tranh cãi một cách lâu dài liên quan đến việc sử dụng hóa chất trong cuộc chiến Mỹ-Việt là mối liên hệ giữa chất độc da cam và dị tật bẩm sinh trong con người. Vào khoảng cuối năm 1969 và đầu thập niên 1970, báo chí Sài Gòn có tường thuật nhiều trường hợp dị thai trong các vùng chịu ảnh hưởng chất da cam ở miền Nam Việt Nam. Nhưng chính quyền lúc bấy giờ không thu thập các dữ kiện khoa học liên quan đến hiện tượng này và do đó, một ảnh hưởng nghiêm trọng như thế cũng chỉ tồn tại trong những lời đồn đại bên lề. Đến cuối thập niên 1980, một số nghiên cứu từ Việt Nam cho thấy tỉ lệ dị tật bẩm sinh trong cư dân thuộc vùng bị ảnh hưởng chất da cam cao hơn một cách đáng kể so với cư dân các vùng không bị ảnh hưởng độc chất. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa được công bố chính thức trên các tập san chuyên môn trên thế giới và cũng không được đánh giá cao về mặt khoa học vì phương pháp nghiên cứu và phân tích dữ kiện chưa được xem là tối ưu.
Những nghiên cứu từ Mỹ
Về phía Mỹ, sau khi chiến tranh kết thúc, các cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam báo cáo rằng họ có nhiều vấn đề về sức khỏe (như ung thư, tiểu đường, tâm thần, v.v...), và đặc biệt là họ cho rằng con cái họ có nhiều dị tật bẩm sinh hơn bình thường. Họ nghi ngờ dioxin chính là thủ phạm cho tình trạng suy đồi sức khỏe và dị tật bẩm sinh trong con cái. Để nghiên cứu ảnh hưởng của dioxin trong cựu quân nhân Mỹ, Chính phủ Mỹ đồng ý dành ra một ngân khoản rất lớn (140 triệu Mĩ kim) để tiến hành các nghiên cứu trong giới cựu chiến binh Mỹ. Cuộc nghiên cứu này có tên là “The Operation Ranch Hand Study”. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu theo dõi tình trạng sức khỏe của hai nhóm cựu chiến binh từng tham gia vào chiến dịch Ranch Han trong thời chiến tranh: nhóm I gồm khoảng 1.000 người từng trực tiếp rải chất màu da cam xuống Việt Nam; và nhóm II có khoảng 1.300 người không trực tiếp rải chất màu da cam, nhưng có mặt trong nhà kho, bảo quản hóa chất. Một trong những kết luận của các nghiên cứu này là dioxin không có ảnh hưởng đến tỉ lệ dị tật bẩm sinh.
Nhưng những kết luận này bị giới cựu quân nhân chất vấn một cách gay gắt. Sau khi kiểm tra lại các phương pháp nghiên cứu và cách thức làm việc của các nhà khoa học dính dáng đến chương trình nghiên cứu trên, người ta khám phá ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Chẳng hạn như có 2 báo cáo về tình trạng dị thai trong các cựu quân nhân bị nhiễm dioxin ở mức độ cao, nhưng không hề được công bố. Lại còn có một báo cáo về mối liên hệ giữa dị thai và dioxin bị thay đổi từ ngữ làm cho kết quả khi đọc lên cho người đọc một ấn tượng kém quan trọng! Phần lớn các nhà khoa học làm việc trong chương trình nghiên cứu này là giới quân sự, do đó, có thể họ chịu sự chi phối từ các cấp chỉ huy cao hơn trong việc phân tích số liệu và điều này làm cho người ta có lý do để chất vấn tính trung thực của việc làm của họ.
Nhận định của Viện Y khoa Mỹ
Ngoài các công trình nghiên cứu trong chương trình The Operation Ranch Hand study, còn có một số nghiên cứu độc lập khác. Để tổng kết các nghiên cứu cho có hệ thống, Quốc hội Mỹ ủy nhiệm cho Viện Y khoa (Institute of Medicine, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ) duyệt xét và tóm tắt các kết quả nghiên cứu. Để làm việc này, Viện Y khoa thành lập một ủy ban khoa học (gọi là “Committee to Review the Health Effects in Vietnam Veterans of Exposure to Herbicides) để xem xét, cân nhắc phương pháp và kết quả nghiên cứu và từ đó tổng kết thành một báo cáo cho chính phủ. Sau khi duyệt qua và cân nhắc các nghiên có liên quan đến dioxin, ủy ban đã soạn thảo thành một loạt sách, trong đó, có một cuốn tóm lược tác dụng của dioxin đến sức khỏe. Theo báo cáo mới nhất của ủy ban này, một trong những kết luận của họ là ủy ban cảm thấy chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học để kết luận về mối liên hệ giữa dioxin và dị tật bẩm sinh. Đứng trên mặt khoa học mà nói, một trong những khiếm khuyết nghiêm trọng trong bản cáo của Viện Y khoa Mỹ là họ dựa vào các kết quả nghiên cứu đã được công bố trên các tập san y học, mà không xem xét đến các kết quả nghiên cứu không được công bố. Như đề cập trên, một số nghiên cứu của chính các nhà khoa học Mỹ cho thấy dioxin có ảnh hưởng đến dị tật bẩm sinh, nhưng không bao giờ được công bố chính thức, trong khi đó, các kết quả nghiên cứu “tiêu cực” (tức dioxin không có ảnh hưởng đến dị tật bẩm sinh) thì lại được công bố chính thức. Trong nghiên cứu y học, hiện tượng này được gọi là “publication bias”.
Ngoài ra, bản báo cáo của Viện Y khoa Mỹ chủ yếu là một bản báo cáo định chất (qualitative review) hơn là định lượng (quantitative review). Nói một cách khác, kết luận của họ một phần lớn dựa vào những đánh giá tương đối chủ quan, dưới hình thức tường thuật, chứ không dựa vào những phân tích thống kê có hệ thống. Đây phải nói là một điểm yếu đáng kể, bởi vì thiếu những kết quả phân tích thống kê, người ta có thể phát biểu chủ quan, hay vặn vẹo sao cho phù hợp với quan điểm riêng của họ.
Trong khoa học nói chung và y học nói riêng, không một nghiên cứu duy nhất nào có thể cho ra một kết quả chắc chắn. Lý do đơn giản là một nghiên cứu chỉ quan tâm đến một nhóm đối tượng cụ thể nào đó, chứ không bao quát cho cả cộng đồng. Nhiều khi, như trong trường hợp nghiên cứu về dị tật bẩm sinh, một nghiên cứu thường dựa vào một số ít đối tượng và không đủ để phát hiện một mối liên hệ thực. Do đó, chúng ta không thể nào kết luận được từ kết quả của một nghiên cứu, bất kể kết quả đó “tiêu cực” hay “tích cực”. Vì thế, nhu cầu cho một phân tích tổng hợp các kết quả của nhiều nghiên cứu hết sức cấp bách trong tình hình hiện nay.
Một phân tích tổng hợp
Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi tiến hành một phân tích tổng hợp (còn gọi là meta-analysis) để nhằm cân nhắc tất cả các bằng chứng khoa học về ảnh hưởng của dioxin đến nguy cơ dị tật bẩm sinh. Mục tiêu nghiên cứu của chúng tôi là nhằm trả lời một câu hỏi cụ thể: Những người cha mẹ từng tiếp xúc hay phơi nhiễm với chất độc da cam có nguy cơ sinh con với dị tật bẩm sinh cao hơn (hay thấp hơn, hay bằng) những người cha mẹ không từng tiếp xúc hay phơi nhiễm với chất màu da cam hay không?
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi truy tìm tất cả các nghiên cứu liên quan đến dioxin (hay chất màu da cam) và dị tật bẩm sinh trên khắp thế giới từ năm 1960 cho tới năm 2003 qua hệ thống thư viện y khoa Medline. (Medline là một hệ thống thư viện điện tử về sinh y học toàn cầu). Ngoài ra, qua theo dõi các hội nghị y khoa chuyên môn, chúng tôi biết có một số nghiên cứu chưa được công bố trên các tập san y học trên thế giới, nên chúng tôi hoặc liên lạc trực tiếp với tác giả, hoặc thu thập các số liệu được công bố trong các hội nghị.
Sau khi truy tìm và sàng lọc hơn 300 bài nghiên cứu liên quan đến dioxin/chất màu da cam và dị tật bẩm sinh, chúng tôi tìm được 9 nghiên cứu phù hợp với các tiêu chuẩn đã định trước (như phải là nghiên cứu trên con người, định nghĩa về phơi nhiễm rõ ràng, tiêu chí định nghĩa dị tật bẩm sinh phải theo tiêu chuẩn lâm sàng, loại bỏ các bài báo công bố hơn một lần, v.v...). Qua truy tìm những công trình nghiên cứu được trình bày trong các hội nghị khoa học và các nghiên cứu chưa được công bố trên một số tập san khoa học, chúng tôi phát hiện thêm 13 nghiên cứu nữa có thể dùng cho phân tích. Tính chung, số liệu của 22 nghiên cứu được dùng cho phân tích tổng hợp. Sau cùng, chúng tôi chỉ chọn các nghiên cứu trên người Mỹ hay cựu quân nhân Mỹ và kết quả cho thấy có tất cả 9 nghiên cứu có thể dùng làm phân tích tổng hợp.
Trong 9 nghiên cứu này, có đến 21.881 đối tượng, trong đó có 15.283 người được xem là bị phơi nhiễm chất độc da cam trong thời chiến và 6.598 người không từng bị phơi nhiễm độc chất. 6 trong số 9 nghiên cứu này cho thấy nhóm bị phơi nhiễm độc chất da cam có nguy cơ sinh con với dị tật bẩm sinh cao hơn nhóm không bị phơi nhiễm. Và trong 6 nghiên cứu này, chỉ có 1 nghiên cứu cho thấy mức độ liên quan có ý nghĩa thống kê; các nghiên cứu còn lại có số đối tượng khá thấp nên đứng trên phương diện thống kê mà nói, chưa đạt đến một mức độ tin cậy cao. Chẳng hạn như nghiên cứu của Kerr và đồng nghiệp (năm 1988) cho thấy những người bị phơi nhiễm độc chất có nguy cơ sinh con với dị tật cao hơn 3 lần so với những người không bị phơi nhiễm độc chất. Nhưng một nghiên cứu trên hơn 2.000 đối tượng cho thấy mức độ nguy cơ chỉ cao hơn 5%.
Vì thế, nhu cầu tổng hợp các nghiên cứu này rất cần thiết để cho ra một câu trả lời đáng tin cậy. Sau khi tổng hợp các dữ kiện của 9 nghiên cứu bằng các phương pháp thống kê tổng hợp, chúng tôi thấy nhóm bị phơi nhiễm có nguy cơ sinh con với dị tật bẩm sinh cao hơn nhóm không bị phơi nhiễm 1,63 lần. Nói cách khác, tỉ lệ dị tật bẩm sinh trong nhóm bị phơi nhiễm độc chất da cam cao hơn nhóm bình thường 63%.
Như vậy, tuy kết quả từng nghiên cứu đơn lẻ không cho ra kết quả với độ tin cậy cao, kết quả phân tích tổng hợp vừa được trình bày cho thấy, sau khi loại bỏ các yếu tố ngẫu nhiên, chất độc da cam có liên quan đến dị tật bẩm sinh và mối liên hệ này có ý nghĩa lâm sàng, bởi vì những người từng bị ảnh hưởng dioxin có tỉ lệ sinh con với dị tật bẩm sinh cao hơn 63% so với những người không bị ảnh hưởng độc chất. Đây là một phát hiện mới nhất và có thể nói là đáng tin cậy nhất từ trước đến nay về mối liên hệ quan trọng này, vì công trình này xem xét và phân tích tất cả các nghiên cứu trong quá khứ, kể cả các nghiên cứu chưa bao giờ công bố mà các phân tích tổng hợp trước đây không xem xét đến.
Kết quả nghiên cứu này bổ sung cho một khám phá trước đây về mối liên hệ giữa dioxin và bệnh nứt đốt sống (spina bifida), một dạng dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Trong báo cáo của Viện Y khoa Mỹ, các tác giả kết luận rằng bằng chứng về ảnh hưởng của dioxin đến nguy cơ bị chứng nứt đốt sống coi như đã khẳng định. Trong nghiên cứu này, chúng tôi cũng phân tích ảnh hưởng của dioxin đến chứng nứt đốt sống và phát hiện rằng những cha mẹ bị ảnh hưởng dioxin hay chất độc da cam có tỉ lệ sinh con với chứng nứt đốt sống cao gấp 1,9 lần so với các cha mẹ không từng bị ảnh hưởng dioxin hay chất độc da cam.
Ý nghĩa sinh học?
Câu hỏi cần được đặt ra là mối liên hệ giữa dị tật bẩm sinh và dioxin có cơ sở sinh học hay không? Câu trả lời là có. Hàng loạt thí nghiệm khoa học cơ bản cho thấy dioxin là yếu tố gây ra nhiều rối loạn trong hệ thống tái sản sinh của động vật. Năm 1969, Hội đồng Y đức Nghiên cứu (Bioethics Research Council) báo cáo rằng 2,4,5-T (tức dioxin) có khả năng làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Cũng năm 1969, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành một số thí nghiệm và họ kết luận rằng dioxin có thể gây ra dị thai (birth defect) trong chuột. Trong loài gặm nhấm, khi chuột mẹ bị tiếp nhận dioxin với một liều lượng thấp, kết quả là bào thai phát triển không bình thường. Khi chuột cái bị tiếp nhận dioxin, buồng trứng trở nên nhẹ hơn và 65% chuột đực con sinh ra bị chứng “cleft phallus” (nứt dương vật) và chuột cái con sinh ra với những âm hộ bất bình thường. Khi chuột đực bị tiếp xúc và phơi nhiễm với dioxin, lượng tinh trùng bị giảm, giao cấu khó khăn và quá trình dậy thì bị chậm trễ hơn bình thường. Trong con người, dữ kiện nghiên cứu từ Ý cho thấy trong những người cha với độ nhiễm dioxin càng cao tỉ lệ sinh con trai càng thấp. Nói tóm lại, có nhiều nghiên cứu cho thấy dioxin có khả năng can thiệp và ảnh hưởng xấu đến hệ thống tái sản sinh.
Có thể nói phát hiện của chúng tôi chỉ thể hiện một bước đầu trong việc nghiên cứu ảnh hưởng của dioxin. Một bước quan trọng và cấp thiết hơn là tiến hành những nghiên cứu lâm sàng và khoa học cơ bản để xác định cơ chế của mối liên hệ này, đặc biệt là trên người Việt Nam. Đây cũng là một cơ hội cho phía Việt Nam tiến hành những nghiên cứu tiếp theo để làm sáng tỏ vấn đề.
Nghiên cứu tác hại của chất độc da cam trong các cư dân sống trong các vùng từng chịu phơi nhiễm độc chất rất cần thiết, bởi vì chúng ta có thể nói không ngần ngại rằng người Việt sống trong các vùng từng bị rải chất da cam chắc chắn chịu ảnh hưởng dioxin nhiều hơn và cao hơn những cựu chiến binh Mỹ. Người Việt là nạn nhân, người Mỹ là kẻ chủ động. Và nếu muốn thẩm định mối liên hệ giữa dioxin và sức khỏe, kể cả dị tật bẩm sinh, nạn nhân người Việt là đối tượng cần thiết hơn, thích hợp hơn người Mĩ. Có lẽ Việt Nam cần phải có một “ngân hàng máu” của nạn nhân và thân nhân của nạn nhân để dùng trong việc phân tích di truyền học sau này, vì có dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của dioxin có thể kéo dài qua nhiều thế hệ vì nó làm thay đổi cấu trúc di truyền trong con người.
Nói tóm lại, phát hiện của chúng tôi như được trình bày trên đây cung cấp một bằng chứng tin cậy nhất về tác hại của chất độc da cam (hay dioxin) đến nguy cơ dị tật bẩm sinh và việc này này đặt ra một nhu cầu nghiên cứu cấp thiết tại nước ta.
Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc)

Chú thích: Những dữ kiện nghiên cứu liên quan đến chất độc da cam và dị tật bẩm sinh được trích từ những báo cáo sau đây:
1. Erickson JD, Mulinare J, et al. Vietnam veterans' risks for fathering babies with birth defects. JAMA 1984; 252(7): 903-12.
2. Lathrop GD, Wolf WH, et al. An epidemiological investigation of health effects in Air Force personnel following exposure to herbicides. Baseline morbidity study results. Brooks Air Force Base, TX: U.S. Air Force School of Aerospace Medicine, Aerospace Medical Division. 1984.
3. Donovan J, MacLennan R, et al. Vietnam service and the risk of congenital anomalies. A case-control studies. Med J Aust 1984; 140: 394-397.
4. CDC (Center for Disease Control). Health Status of Vietnam Veterans. III. Reproductive Health. JAMA 1988;259(18): 2715-2719.
5. Field B and Kerr C. Reproductive behavior and consistent patterns of abnormalities in offspring of Vietnam veterans. J Med Genet 1988; 25: 819-26.
6. Aschengrau A and Monson RR. Paternal Military Service in Vietnam and the Risk of Late Adverse Pregnancy Outcomes. Am J Publ Health 1990; 80(10): 1218-1224.
7. Wolfe WH, Michalek JE, et al. Air Force Health Study. An Epidemiologic Investigation of Health Effects in Air Force Personnel Following Exposure to Herbicides. Reproductive Outcomes, Brooks Air Force Base, TX: Epidemiology Research Division, Armstrong Laboratory, Human System Division (AFSC). 1992.
8. Wolfe WH, Michalek JE, et al. Paternal serum dioxin and reproductive outcomes among veterans of Operation Ranch Hand. Epidemiology 1995; 6(1): 17-22.
9. Kang HK, Mahan CM, et al. Pregnacy outcomes among US women Vietnam veterans. Am J Ind Med 2000; 38: 447-454.
-----------------
Tài liệu tham khảo:

[1] Cerlesi S, Di Domenico A, Ratti S. 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin (TCDD) persistence in the Seveso (Milan, Italy) soil. Ecotoxicol Environ Saf. 1989 Oct;18(2):149-64.
[2] Bisanti L, Bonetti F, Caramaschi F, et al. Experiences from the accident of Seveso. Acta Morphol Acad Sci Hung. 1980;28(1-2):139-57.
[3] Mocarelli P, Needham LL, Marocchi A, et al. Serum concentrations of 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin and test results from selected residents of Seveso, Italy. J Toxicol Environ Health. 1991 Apr;32(4):357-66.
[4] Eskenazi B, Mocarelli P, Warner M, Needham L, et al. Relationship of serum TCDD concentrations and age at exposure of female residents of Seveso, Italy. Environ Health Perspect. 2004 Jan;112(1):22-7.
[5] Landi MT, Needham LL, Lucier G, et al. Concentrations of dioxin 20 years after Seveso. Lancet 1997 Jun 21;349(9068):1811.
[6] Bertazzi PA, Consonni D, Bachetti S, Rubagotti M, Baccarelli A, Zocchetti C, Pesatori AC. Health effects of dioxin exposure: a 20-year mortality study. Am J Epidemiol. 2001 Jun 1;153(11):1031-44.
[7] Warner M, Eskenazi B, Mocarelli P, Gerthoux PM, Samuels S, Needham L, Patterson D, Brambilla P. Serum dioxin concentrations and breast cancer risk in the Seveso Women's Health Study. Environ Health Perspect. 2002 Jul;110(7):625-8.
[8] Mocarelli P, Gerthoux PM, Ferrari E, et al. Paternal concentrations of dioxin and sex ratio of offspring. Lancet. 2000 May 27;355(9218):1858-63.
[9] J.M. Stellman, S. D. Stellman, R. Christian, T. Weber, and C. Tomasallo. The extent and patterns of usage of Agent Orange and other herbicides on Vietnam. Nature 2003; 422:681-687.
[10] Schecter A, Dai LC, Thuy LTB, Quynh HT, Minh DQ, Cau HD, Phiet PH, Phuong NTN, Constable JD, Baughman R, Papke O, Ryan JJ, Furst P, Raisanen S. Agent Orange and the Vietnamese: the persistence of elevated dioxin levels in human tissues. American Journal of Public Health 1995 Apr;85(4):516-522.
[11] Nguyễn Văn Tuấn. Chất độc da cam, dioxin và hệ quả. Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 7/2004.

Trách nhiệm và nhân đạo trong vấn đề chất độc da cam
YKN-070618 - Hôm nay, ngày 18/6/2007, tòa án New York bắt đầu nghe vụ kiện do Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đệ đơn kiện 32 công ti hóa học từng sản xuất và cung cấp hóa chất, kể cả chất độc màu da cam, sử dụng trong thời chiến kéo dài suốt 10 năm (từ 1961-1971). Phiên tòa thu hút sự chú ý của thế giới và ngay cả quốc hội Mĩ, vì thời điểm của phiên tòa diễn ra trùng hợp với chuyến thăm chính thức nước Mĩ của chủ tịch Nguyễn Minh Triết. Ngoài dư luận ủng hộ phía nguyên đơn (tức Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam), giới cựu chiến binh Hàn Quốc, New Zealand, và Úc cũng theo dõi xem phán quyết của tòa án vì họ cũng có dự định kiện các công ti hóa chất Mĩ do những phơi nhiễm mà họ chịu phải trong thời chiến.
Khó có thể đoán trước kết quả phiên tòa ra sao, nhưng kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy vấn đề chất độc da cam chưa bao giờ được thảo luận đến nơi đến chốn ở pháp đình. Hơn hai năm trước, tháng 3 năm 2005, vụ kiện chất độc da cam không được xét xử vì theo Thẩm phán Jack Weinstein, “Các yêu sách của phía nguyên đơn không có cơ sở pháp lí dưới bất cứ luật nội địa, hay luật quốc gia, hay luật tiểu bang, hay luật quốc tế. Vụ kiện không được xét xử.” Hơn 20 năm về trước khi các cựu chiến binh Mĩ kiện các công ti hóa chất Mĩ về những tác hại sức khỏe mà họ chịu phải khi tham gia vào chiến dịch phun độc chất, và vụ kiện được kết thúc bằng một thỏa thuận ngoài tòa mà theo đó các công ti hóa chất đồng ý lập ra một quĩ y tế xã hội nhằm trợ cấp cho các cựu chiến binh Mĩ từng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Nhưng bất kể kết quả phiên tòa ra sao, một thực tế không thể chối cãi được là qua nhiều nghiên cứu trong ba thập niên qua, dioxin và chất độc da cam gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe con người. Viện y khoa Mĩ (Institute of Medicine) thuộc Viện hàn lâm khoa học Mĩ duyệt qua các nghiên cứu trong quá khứ và đi đến kết luận rằng chất độc da cam hay dioxin là nguyên nhân gây ra một số bệnh như ung thư tế bào mềm, ung thư máu dạng Non-Hodgkin và Hodgkin, ung thư tuyến tiền liệt, ban clor, chứng nứt đốt sống, v.v…
Trong vòng 2 năm qua cũng có một số nghiên cứu cho thấy chất độc da cam có thể kéo dài hàng năm thập niên. Chẳng hạn như một nghiên cứu mới nhất (công bố năm ngoái) cho thấy các cựu chiến binh Mĩ từng trực tiếp phun chất độc màu da cam có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, cao huyết áp, và các bệnh mãn tính đường hô hấp cao hơn những cựu chiến binh khác khoảng 50% đến 100%. Trong một bài báo khoa học gần đây công bố trên tập san dịch tễ học International Journal of Epidemiology, nghiên cứu sinh bác sĩ Ngô Đức Anh (Hà Nội) và tôi phân tích dữ liệu từ 21 công trình nghiên cứu từ Mĩ, Úc và Việt Nam liên quan đến ảnh hưởng của chất độc da cam và dị tật bẩm sinh. Chúng tôi phát hiện rằng những bà mẹ hay cha bị phơi nhiễm độc chất da cam trong thời chiến có nguy cơ sinh con với dị tật bẩm sinh tăng gấp 2-3 lần so với những người không bị phơi nhiễm.
Nói tóm lại, tác hại của chất độc da cam đến con người là một thực tế hiển nhiên. Không chỉ ở Mĩ mà còn ở Việt Nam. Chỉ cần đến những vùng bị phun độc chất nhiều trong thời chiến sẽ thấy tần số trẻ em với dị tật bẩm sinh, ung thư, và các bệnh ngặc nghèo khác sẽ thấy ngay hệ quả của việc sử dụng chất màu da cam một cách bừa bãi. Thật ra, có bằng chứng cho thấy giới khoa học quân sự Mĩ biết trước tác hại của chất độc da cam. Tiến sĩ James R. Clary, thuộc cơ quan nghiên cứu vũ khí hóa học (Chemical Weapons Branch) trực thuộc Airforce Armament Development Laboratory (Florida), viết như sau: “Lúc chúng tôi (các nhà khoa học quân đội) khởi xướng chương trình khai quang vào thập niên 1960, chúng tôi biết tiềm năng độc hại của chất dioxin chứa trong thuốc diệt cỏ. Chúng tôi còn biết rằng công thức mà giới quân sự dùng có nồng độ cao hơn nồng độ mà giới dân sự dùng, vì chi phí rẻ và thời gian sản xuất ngắn. Tuy nhiên, vì hóa chất sẽ được dùng trên kẻ thù, không ai trong chúng tôi quan tâm thái quá. Chúng tôi không bao giờ nghĩ là quân đội chúng ta lại bị nhiễm độc chất. Và, nếu chúng tôi nghĩ đến tình huống này, chúng tôi mong muốn chính phủ chúng ta giúp đỡ các cựu chiến binh bị nhiễm độc chất.”
Báo chí Tây phương cho rằng vấn đề chất độc da cam đang là một vấn đề gai góc trong mối quan hệ đa chiều giữ Việt Nam và Mĩ. Tôi không nghĩ như thế, vì vấn đề này có thể giải quyết một cách thỏa đáng nếu các công ti hóa học và chính phủ Mĩ có thiện chí. Thật ra, Quốc hội Mĩ đã có thiện chí giải quyết vấn đề qua vài tuyên bố gần đây của các quan chức Mĩ, nhưng các công ti hóa học vẫn chưa chịu nhận lãnh trách nhiệm. Những việc làm có ý nghĩa mà các công ti liên quan đến vấn đề chất độc da cam có thể thực hiện được là giúp đỡ cho những nạn nhân bị nhiễm độc chất và bị những bệnh được công nhận là do độc chất da cam hay dioxin gây ra. Năm 1984, các công ti hóa học [có liên quan đến việc sản xuất và cung cấp độc chất da cam cho quân đội Mĩ] đồng ý bồi thường cho các cựu quân nhân Mĩ một số tiền khoảng 180 triệu Mĩ kim. Ở Việt Nam, hình thức bồi thường có thể bao gồm việc điều trị những bệnh được công nhận là do phơi nhiễm độc chất gây ra, tạo công ăn việc làm cho những cư dân trong các vùng bị nhiễm, lập bệnh xá và trường học để nâng cao đời sống vật chất và trình độ văn hóa cho nạn nhân và cư dân tại những nơi bị nhiễm độc chất.
Một cách giúp đỡ khác là các công ti lập một ngân quĩ để làm sạch môi trường tại những nơi bị nhiễm nặng như Biên Hòa, A Lưới, A Sao, v.v... Năm 1976, ở Ý sau vụ tai nạn kĩ nghệ xảy ra tại nhà máy gần thị trấn Seveso làm thải ra môi trường chung quanh khoảng 30 kg dioxin. Ấy thế mà cho đến nay, tức gần 30 năm sau tai nạn đó và sau 30 năm làm sạch môi trường, các nhà nghiên cứu Ý vẫn phát hiện tác hại của dioxin trong sức khỏe người dân. Ở Việt Nam hiện nay, kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy tại các địa điểm này, nồng độ dioxin rất cao, có khi cao hơn 130 lần nồng độ an toàn cho phép, vì chất độc đã lắng đọng xuống lòng đất, nhất là các nơi bùn lầy. Do đó, nhu cầu làm sạch môi trường tại những nơi này phải được xem là một ưu tiên hàng đầu.
Cái nghịch lí cơ bản của chiến tranh là trong khi nạn nhân thì quằn quại với khổ đau, thì một bộ phận phục vụ cho chiến tranh lại ăn nên làm ra. Đối với người lính ngoài chiến trường, hay người dân bị kẹt trong giữa hai lằn đạn, chiến tranh đồng nghĩa với sự chết chóc, thương vong. Nhưng đối với các công ti sản xuất và buôn bán vũ khí, kể cả hóa chất dùng cho hủy diệt môi sinh núp dưới danh nghĩa “khai quang”, chiến tranh là một thương trường lí tưởng, một cơ hội thương mại để mở rộng hoạt động sản xuất và thị trường vũ khí. Tất cả những hóa chất khai quang độc hại được các công ti sản xuất theo đơn đặt hàng của bộ máy quân sự Mĩ đều được sản xuất dưới danh nghĩa “ái quốc”. Cái mô hình ái quốc nguy hiểm đó đã đem đến không biết bao nhiêu thảm cảnh cho người Việt Nam! Ấy thế mà cho đến nay không một ai phía Mĩ có hành động gì để xoa dịu nỗi đau của nạn nhân vẫn còn đang quằn quại với độc chất!
Năm 1864, khi Abraham Lincoln đắc cử tổng thống, Karl Marx đại diện cho Hiệp hội Công nhân Quốc tế (International Workingmen's Association) gửi lời chúc mừng. Lúc đó, Charles Francis Adams, một bộ trưởng của Mĩ ở Luân Đôn thay mặt Lincoln trả lời Marx: “Chính phủ Mĩ ý thức sâu sắc rằng chính sách của Mĩ, hiện nay cũng như trong quá khứ […] là phấn đấu cho sự bình đẳng và công lí đúng đắn cho tất cả các nhà nước, tất cả con người [...] Quốc gia không phải tồn tại một cách riêng lẻ và chỉ cho riêng quốc gia đó; quốc gia tồn tại để cổ vũ cho sự thịnh vượng và hạnh phúc của nhân loại bằng những hợp tác nhân đạo.”
Dù có nhiều mâu thuẫn trong cách hành xử quốc tế, nước Mĩ là một quốc gia hào hiệp và sòng phẳng. Khả năng mà Mĩ có ảnh hưởng tích cực đến thế giới tùy thuộc vào uy tín đạo đức của Mĩ. Nước Đức thời hậu chiến ghi nhận trách nhiệm của Đức trong thế chiến thứ II, không chỉ vì nạn nhân của chiến tranh, mà còn vì tương lai nước Đức. Người Đức hiểu rằng một quốc gia không dám nhìn nhận cái sai trái của mình trước con em mình và trước thế giới thì không thể nào khôi phục đạo đức được. Mĩ là một quốc gia được xây dựng trên nền tảng dân chủ và sự thật, và không có lí do gì ngăn cản Mĩ nhận lãnh trách nhiệm về sai lầm và những hệ quả nghiêm trọng của chất độc da cam ở Việt Nam bằng những hành động thực tế và thiết thực cho nạn nhân độc chất.

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2007/06/cht-c-da-cam-trch-nhim-v-nhn-o.html
CÁC BÀI VIẾT KHÁC CỦA GS.TS. Nguyễn Văn Tuấn:
Khoa học hay phản bội tinh thần khoa học? Nguyễn V. Tuấn
Phản trí thức và lạm dụng khoa học trong so sánh N.V.T.
Dr.Tuan’s letter to Orange County Register Newspaper
Bài một: Dioxin và bệnh tật: thật hay giả? Nguyễn Văn Tuấn
Bài hai: Dioxin và tỉ lệ giới tính Nguyễn Văn Tuấn
Hai tài liệu về chiến dịch "diệt cây cỏ" ở VN từ 1961-1971 -TTK sưu tầm
Đọc những ‘nghiên cứu’ của tác giả Mai Thanh Truyết Nguyễn Văn Tuấn
Khoa học và nguỵ khoa học Nguyễn Văn Tuấn
Bài 7: Dioxin trong thực phẩm Mỹ và thực phẩm nhập từ VN Nguyễn Văn Tuấn
Bàn về biên giới VN-TQ: vấn đề dữ kiện Bàn Tân Định
Sự thật và tin đồn: vấn đề lũng đoạn thông tin Bàn Tân Định
Vấn đề tranh luận và vấn đề nguỵ biện Bàn Tân Định
Tác giả Bàn Tân Định trả lời b/s Trần Văn Tích [1]
Tác giả Bàn Tân Định trả lời b/s Trần Văn Tích [2]
Nhân đọc "Eden in the East...": đặt lại nguồn gốc dân tộc Nguyễn Văn Tuấn
"Hiện tượng MTT": Chứng vĩ cuồng của một nhà khoa học NVT
đọc "Tổ quốc ăn năn" của NGK Nguyễn Văn Tuấn
Thông tin là vấn đề, cá nhân không phải là vấn đề Bàn tân Định
Thay đổi văn hóa Việt Nam? Nguyễn Văn Tuấn

No comments:

Post a Comment