Wednesday, August 5, 2009

Làm giàu ở VN nhờ nuôi thú lạ

Nuôi trĩ trong vườn nhà

Trứng chim trĩ đỏ
Trĩ đỏ, loài chim có tên trong Sách đỏ Việt Nam, vốn chỉ sống ở núi rừng đã được anh Trần Đình Nhơn (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) nhân nuôi thành công trong vườn nhà.

Anh Nhơn (nguyên cán bộ công tác ở Chi cục Lâm nghiệp Lâm Đồng) kể: “Vào năm 2000, một người bạn mang tặng tôi 2 con trĩ trắng, nuôi được thời gian thì nó đẻ trứng, tôi mang trứng đó “gửi” cho gà ấp. Khi trứng gà đã nở hết thì trứng trĩ vẫn nằm trơ trơ. Thấy lạ, tôi đập vỡ trứng xem thử, thấy có con và hiểu rằng trứng trĩ phải ấp nhiều ngày hơn. Lần sau, tôi lấy hết trứng gà ra và để toàn bộ hơn 10 trứng trĩ cho gà ấp, quả nhiên hơn 25 ngày sau thì trứng nở được 6 con” - anh kể.

Đến đầu năm 2001, anh Nhơn tình cờ thấy mấy người bán 3 con “chim lạ”, liền mua về nuôi và cứ nghĩ đây là chim cút (khi nhỏ, trĩ và cút rất giống nhau). Không ngờ vài tháng sau, chim chuyển màu trông rất đẹp, thấy vậy anh tìm sách tra cứu về các loài chim thì mới biết đây là trĩ đỏ - một loài chim quý hiếm có tên khoa học là Phasianus colchicus. Anh rất mừng và từ đó, làm chuồng nuôi và nhân giống luôn loài trĩ trắng có sẵn. Năm 2005, một người quen ở Bảo Lộc lại mang tặng anh Nhơn một con chim trông rất thê thảm vì rụng lông. Vài tháng sau, con chim lạ này lại "lột xác" thành con trĩ vàng. Bây giờ, trong chuồng chim nhà anh Nhơn có 5 loại: trĩ đỏ (có tên trong Sách đỏ VN), trĩ xanh, trĩ vàng, trĩ nâu và trĩ trắng.

Anh Nhơn với chim trĩ xanh - Ảnh: G.B

Thức ăn của trĩ là các loại ngũ cốc, rau, cỏ và côn trùng. Anh Nhơn cho biết, nuôi trĩ dễ như nuôi gà. Nuôi gà còn bị đau ốm, dịch bệnh chứ anh nuôi trĩ gần 10 năm nay chưa thấy chúng có bệnh gì. Theo anh Nhơn, nuôi trĩ siêu lợi nhuận. Ngoài việc lấy thịt, lấy trứng, trĩ còn có thể nuôi làm cảnh phục vụ tham quan du lịch. Thịt trĩ được cho là giàu protein, canxi, sắt, vitamin... Theo y học cổ truyền, thịt trĩ được sử dụng như một vị thuốc, có công hiệu bổ trung ích khí, tư bổ gan thận, chủ trị tỳ vị hư yếu, kém ăn. Trứng trĩ cũng có giá trị dinh dưỡng vượt xa các loại trứng chim khác. Chỉ sau 8 tháng là trĩ đẻ, trung bình một năm trĩ mái đẻ khoảng 70 trứng, cá biệt có con đẻ đến 100 trứng.Chỉ trong mấy năm anh Nhơn đã nhân giống thành công hàng loạt, nhưng vì diện tích chuồng trại của gia đình quá chật nên chưa dám mở rộng quy mô. Được sự đồng ý của cơ quan chức năng, anh đã san sẻ cho nhiều người khác cùng nuôi và đều đã thành công. Đến nay anh đã bán được hàng trăm con giống đi khắp các nơi với giá một cặp trĩ trưởng thành đến 6 triệu đồng. Anh Nhơn đang chuẩn bị đưa đàn trĩ vào nuôi thử nghiệm trong môi trường tự nhiên tại dự án khu du lịch sinh thái Thác Rồng ở xã Đa Nhim (H.Lạc Dương) mà anh hiện là trưởng ban quản lý. Mục đích của anh, ngoài việc phục vụ tham quan du lịch còn nghiên cứu xem trĩ sống ở môi trường tự nhiên như thế nào, có ấp trứng không, chăm sóc con ra sao...

Anh Trần Đình Nhơn chia sẻ bí quyết: “Khi chăm sóc trĩ con phải nuôi úm nó như úm gà con (nghĩa là phải sưởi ấm bằng điện liên tục), thức ăn của trĩ con cũng có chế độ riêng chứ không cho ăn như trĩ trưởng thành. Trĩ mái trưởng thành cũng không để cho chúng quá mập hay quá ốm vì sẽ không đẻ”. Hiện anh Nhơn đang hợp tác với Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) để nghiên cứu bảo tồn và phát triển chim trĩ đỏ trong môi trường trang trại theo hướng hiện đại. “Hiện nay trĩ đỏ vẫn còn được nuôi dưới dạng chim cảnh chứ chưa trở thành hàng hóa. Với việc nhân giống thành công hàng loạt này, hy vọng không lâu nữa, loài chim quý hiếm này sẽ không còn có tên trong Sách đỏ Việt Nam” - anh Nhơn tâm sự.

Nuôi chồn lấy... cà phê

Sản phẩm cà phê chồn - Ảnh: T.N.Q
Tại Buôn Ma Thuột, nghề nuôi chồn lấy cà phê đã xuất hiện. "Cà phê chồn", loại hạt cà phê lấy từ phân chồn hương thải ra sau khi ăn quả cà phê.

"Tặng phẩm" của chồn

Trong góc nhà anh Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kiên Cường (khối 8, P.Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột) là 1,5 tạ cà phê chồn được đóng bao, chờ khách đến lấy. Mân mê từng lọn phân chồn có màu trái me khô dính đặc nhân cà phê, anh Cường nói: "Tôi đã bán được 50 kg rồi, hiện có doanh nghiệp hứa mua số hàng còn lại này. Hạt cà phê chồn mà phơi khô thật kỹ, cất giữ vài năm vẫn không mất đi hương vị độc đáo của nó".

Đây là năm thứ hai anh Cường "thu hoạch" loại cà phê này từ 50 con chồn hương. Anh nuôi chồn vào năm 2004, bắt đầu từ con chồn bé tí mua ngoài chợ phải đút sữa cho ăn hằng ngày. Mày mò mãi mới biết loài này ăn tạp, cả các loại trái cây, lẫn đạm động vật. Cuối năm 2007, khi bầy chồn sinh sôi khá đông, anh thử "làm" cà phê chồn được vài chục ký. Sang vụ cà phê 2008, sản lượng tăng lên 2 tạ. Anh Cường kể: "Mình tìm mua cà phê quả chín đỏ hái ngay ở các vườn cây với giá gấp hai, ba lần giá bình thường, đem về rửa sạch để đề phòng thuốc bảo vệ thực vật còn sót trên quả. Phải lựa lúc chồn khỏe, tiêu hóa tốt mới cho ăn quả cà phê, như vậy hạt cà phê chồn thải ra mới có chất lượng tốt".

Cà phê chồn chỉ là sản phẩm làm thêm của anh Cường, người nổi danh là "trùm" nuôi động vật hoang dã ở Đắk Lắk. Trang trại của anh chưa đầy 1 ha có hơn 10 loài thú, bò sát, trong đó nhiều nhất là rắn, kỳ đà. Hiện anh nuôi hơn 1.000 con rắn hổ mang, hổ trâu, hổ chúa, rắn ráo, gần 100 con kỳ đà. Mỗi tháng anh xuất bán vài tạ rắn hổ, với giá từ 300 ngàn đến 1 triệu đồng/kg, tùy loại rắn. Tuy vậy, sản xuất cà phê chồn vẫn được anh Cường xem là công việc lý thú, dù sản phẩm này đang phải chật vật tìm nơi tiêu thụ.

Chồn nuôi của anh Cường "nhâm nhi" cà phê quả tươi (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Anh Cường cho biết, giá cà phê chồn thô khá hấp dẫn, từ 1 triệu đồng/kg trở lên, trong khi cà phê nhân thông thường hiện chỉ 25.000 đồng/kg, nhưng bán được "tặng phẩm" của chồn không phải dễ vì người mua còn hiếm. Hiện 1,5 tạ cà phê chồn của anh vẫn đang chờ một công ty ở TP.HCM đưa đi giới thiệu cho khách hàng nước ngoài.

Đang tìm thêm đầu ra

Những người làm ra cà phê chồn nhiều nhất ở Đắk Lắk không phải anh Cường mà là hai anh em Nguyễn Quốc Khánh và Nguyễn Giang Nam, tuổi ngoài 30, ở xã Krông Búk, H.Krông Pắk. Gặp chúng tôi, anh Khánh cho biết anh cũng mới làm cà phê chồn chỉ hai năm gần đây, dù đã nuôi chồn trước đó khá lâu. Với hơn 40 con chồn hương, anh thu được tổng cộng gần 1 tấn cà phê chồn. Hiện anh mới bán hơn 2 tạ, còn khoảng 7 tạ đóng bao hút chân không chờ khách hàng.

Tại sao đặc sản cà phê chồn được thế giới rất ưa chuộng nhưng lại khó bán? Anh Khánh lý giải: "Lâu nay, thế giới mới chỉ biết đến thương hiệu cà phê chồn nổi tiếng Kopi Luwak của Indonesia mà chưa biết đến cà phê chồn của Việt Nam. Mặc dù mình đã có công nghệ nuôi chồn hương để cho ra sản phẩm không thua kém cà phê chồn nhặt ngoài tự nhiên, nhưng khâu tiếp thị đang còn yếu nên chưa mấy ai biết đến. Trong nước thì cà phê chồn chưa phù hợp thói quen, giá cả lại khá đắt so với mức tiêu dùng". Tuy nhiên, anh Khánh vẫn tỏ ra lạc quan với việc theo đuổi sản phẩm cà phê chồn. Hiện bầy chồn hương vẫn được duy trì nuôi dưỡng để chờ vụ cà phê chín cuối năm. Anh cho biết, đang có ý định tìm đối tác đầu tư mở quán tại TP.HCM để bán cà phê chồn, qua đó dần dần giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng loại sản phẩm độc đáo này.

Chồn hương, còn gọi là cầy vòi đốm, thuộc họ Cầy (Viverridae), phân bố rải rác ở các nước vùng Đông Nam Á. Một trong những thức ăn ưa thích của chúng là quả cà phê. Người ta cho rằng, dưới tác dụng lên men của các enzym trong dạ dày của chồn hương, hạt cà phê được hấp thụ bớt protein nên khi rang xay, cà phê ít đắng hơn, mùi vị cũng đặc trưng và rất lạ so với các loại cà phê thông thường. Đó chính là lý do khiến loại cà phê này trở thành loại đặc sản có giá cao.

Nuôi heo rừng giống

Trần Đức Quốc với đàn heo rừng giống (Ảnh: D.H - N.T)
Trần Đức Quốc - một thanh niên bỏ phố lên rừng - đã thành công với trang trại nuôi heo rừng giống nức tiếng cả nước. Trang trại của Quốc ở Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.

Lên núi lập nghiệp

Chỉ trong vòng 3 năm, Trần Đức Quốc (di động: 0905.208802) đã biến trang trại của mình trở thành địa chỉ thu hút khách cả nước đến mua heo rừng giống.

Ban đầu Quốc dành dụm được 300 triệu đồng, anh chọn heo rừng để lập dự án huy động vốn từ bạn bè và người thân. Số vốn huy động được là 1,2 tỉ đồng, Quốc đến nơi này mua mảnh đất hơn 3 ha và bắt tay vào cuộc.

Khó khăn đầu tiên là vừa xây dựng xong cơ sở hạ tầng, chuồng trại thì cơn bão Xangsane cuốn sạch tất cả, không còn gì ngoài mảnh đất bằng phẳng, trơ trụi. Quốc cũng muốn ngã theo. Vậy mà cuối cùng, ý chí không lùi bước đã giúp Quốc đứng dậy, tiếp tục công việc. Khó khăn tiếp theo là khi mua heo giống, do không có kinh nghiệm, trong 30 con lại có đến 11 con đực. Rồi heo rừng con ra đời, chưa có kinh nghiệm nhiều nên việc chăm sóc cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng heo giống thời gian ban đầu. Khó khăn rồi cũng qua đi. Giờ Quốc đã có 4 lao động làm cùng, lương cho họ cũng gần 1,5 triệu đồng/tháng, bao luôn ăn ở. Uy tín của trang trại nuôi heo rừng lan xa.

3 năm đã sắp hoàn vốn

Đàn heo của Quốc giờ đã lên đến 38 con nái, 4 con đực, con nào trông cũng béo múp, khỏe mạnh. Mỗi năm, 1 heo rừng nái đẻ bình quân 12 heo rừng con. Nuôi trong vòng 3 tháng thì heo rừng con đạt trọng lượng 10 kg, xuất chuồng với giá 3 - 3,5 triệu đồng/con. “Mới quý I năm ni, tui đã cho xuất chuồng lứa đầu tiên trong năm, thu về hơn 600 triệu đồng để tiếp tục tái đầu tư”, Quốc kể. Mỗi năm, tổng đầu tư cho heo rừng nái (bao gồm cả đàn heo con) là 3,6 triệu đồng/con. 1 năm chi phí cho đàn heo khoảng 200 triệu đồng. Chỉ sau 3 năm, Quốc gần hoàn vốn.

Nuôi heo rừng không sợ không có nơi tiêu thụ, bởi hiện tại, lứa heo giống nào từ trại Quốc đến độ xuất chuồng là lập tức đã có người đăng ký mua ngay. Cầu đang vượt xa cung. Heo rừng, theo Quốc, ít bị dịch bệnh nhất so với các loại gia súc, gia cầm khác. Nơi nuôi phải là vùng đồi núi, càng dốc, nhiều cây cối, càng khiến heo vận động nhiều, săn chắc hơn.

Lập web, mở quán cà phê khuyến nông

Trang web http://www.heorungdanang.vn/ của Quốc là nơi mà dành để chia sẻ, kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi heo rừng, cách chăm sóc, phòng bệnh, xây dựng chuồng trại. Đây cũng là nơi bà con có nhu cầu mua heo rừng giống có thể đặt hàng. Quốc kỳ vọng sẽ xây dựng trang web này thành một website thu hút đông đảo lượng người truy cập.

Chưa hết, anh chàng nông dân này còn đang lập dự án mở quán cà phê tại vùng này. Quán cà phê này đặc biệt ở chỗ khách đến sẽ được tặng những tài liệu về chăn nuôi, trồng trọt... mà Quốc dày công sưu tầm trên internet trong khi giá cả bình dân như các quán khác. Xem ra, Quốc sẽ không dừng lại chỉ ở việc thành công với dự án nuôi heo rừng như bây giờ...

Làng cá lăng nha đuôi đỏ

Ông Vàng - người mở đầu cho nghề nuôi cá lăng nha đuôi đỏ ở An Giang - Ảnh: T.Dũng
Sau một thời bị lấn át bởi cá tra, cá ba sa, nay cá lăng nha đuôi đỏ đã chứng tỏ được giá trị kinh tế của loài cá đặc sản được xếp bậc nhất trong họ cá da trơn trên dòng Mê Kông.

Cá hiếm

Sau nhiều lần thất bại lóc bông và cá ba sa, ông Nguyễn Văn Vàng (ngụ ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang, ĐT 01255589379) quyết tâm tìm giống cá nuôi mới.

Gắn bó cả đời với sông nước nên ông Vàng biết rõ trong họ cá da trơn không con cá nào có giá trị kinh tế cao như cá lăng nha đuôi đỏ. Vài chục năm trước, cá lăng đuôi đỏ nhan nhản trên sông Tiền, sông Hậu, có những con nặng từ 3-10 kg. Thịt cá không mỡ nên làm được nhiều món ăn ngon so với các loài cá sông khác.

Thế rồi theo thời gian, cá lăng nha hiếm dần. Ở các chợ trong vùng hiếm khi có cá lăng nha bán. “Hồi trước ai bị ho mà bắt được cá lăng nha là mừng lắm, vì mật cá phơi khô uống vào là dứt ho ngay. Tụi tôi ai cũng biết đó là cá ngon, muốn mua thả nuôi bè như cá hú, cá vồ nhưng hổng biết kiếm cá giống ở đâu, đành chịu”, ông Vàng nhớ lại.

Nhưng 3 năm trước, trong một dịp đi thăm bà con ở huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandal (Campuchia), ông Vàng hết sức bất ngờ khi thấy trong nhiều lồng bè, cá lăng nha với cái đuôi đỏ đặc trưng thi nhau nổi lên đớp mồi. Thế là ông tức tốc quay về gom tiền mua 6.000 con cá giống.

“Thời gian đầu, do thức ăn không đảm bảo và nguồn nước không tốt nên cá hay bệnh. Khắc phục được các yếu tố đó thì cá lăng nha rất dễ nuôi”, ông Vàng nói. Và đúng như vậy, chỉ sau hơn 1 năm thả nuôi, ông Vàng thu hoạch trên 4,5 tấn cá, bán với giá 45.000đ/kg. Trừ hết chi phí còn lời được 40 triệu đồng.

Được đà, ông mua tiếp 13.000 con cá giống. Lần này nhờ đã có kinh nghiệm nên lượng cá nuôi chết không đáng kể. Điều làm ông “vững bụng” là giá cá hiện nay rất cao. Ông ước tính cá loại 1 (con trên 2,3 kg) giá hơn 60.000 đ/kg và cá loại 2 ( trên 1 kg) giá cũng gần 60.000đ/kg. “Lần này trừ chi phí xong cầm chắc lời trên 200 triệu”, ông Vàng cười khoe.

Làng cá đặc sản

Thành công của ông Vàng đã tạo tiếng vang khiến các hộ nuôi cá chuyển bè khu vực lân cận sang nuôi cá lăng nha.

Theo thống kê của Hội Nông dân huyện An Phú, hiện đã có 30 hộ nuôi cá lăng nha bè với số lượng hơn 100 tấn cá thịt. Ông Huỳnh Văn Tốt có 2 bè cá lăng với hơn 9 tấn cá thịt, nói: “Cá lăng nha ăn mồi là cá biển, cá linh tạp, cua ốc nên cũng không tốn kém bao nhiêu. Công chăm sóc cũng nhẹ nhàng so với các loài cá nuôi bè khác. Tôi tính rồi, 2 bè cá đang nuôi có thể lời không dưới 170 triệu đồng”.

Điều các hộ nuôi băn khoăn là con giống cá lăng nha phải qua Campuchia mua nên rủi ro khá cao. Thêm điều nữa là cá lăng nha tăng trọng rất chậm. Theo anh Tốt việc này có thể do người nuôi chưa tìm đúng thức ăn giúp cá lăng nha ăn mau phát triển.

Tuy nhiên, như Thanh Niên đã thông tin, hiện nay thạc sĩ Lê Thị Bình (khoa Thủy sản trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) đã nghiên cứu thành công sinh sản cá lăng nha nhân tạo. Tỉnh An Giang đã đặt hàng với thạc sĩ Bình, kỹ thuật sinh sản cá lăng nha nhân tạo đã được chuyển giao cho An Giang. Như vậy người dân An Giang và các tỉnh khác có thể yên tâm tìm mua cá giống trong nước.

Thêm một tin vui nữa: chồng của thạc sĩ Bình là thạc sĩ Ngô Văn Ngọc (cùng khoa Thủy sản trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cũng đã tìm ra cách giúp cá lăng nha tăng trọng nhanh... Những kết quả nghiên cứu này chắc chắn sẽ giúp nghề nuôi cá lăng nha đuôi đỏ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Nuôi rắn ri voi

Con rắn cái đã được phối giống này đẻ được khoảng 30 rắn con/lứa - Ảnh: Tràng Dương
Trên diện tích 1.370m2, mỗi năm ông Lê Hùng Minh thu hoạch bình quân hơn nửa tỉ đồng nhờ nuôi rắn ri voi. Giá rắn ri voi thịt hiện là 380.000 đồng/kg, còn rắn nái đã phối giống thì lên đến 600.000 đồng/kg...

Năm 1992, Lê Hùng Minh (thường gọi là Năm Minh) xuất ngũ về quê khi mới 39 tuổi. Ông được chính quyền địa phương cấp cho 2 công đất ở ấp Khu 3, xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) để ổn định cuộc sống. Có đất, ông đào ao nuôi cá, rồi nuôi tôm, cua. Nuôi con gì cũng có lời, nhưng do ít đất, số tiền tích cóp chẳng được bao nhiêu. 4 năm sau, Năm Minh vét hết số tiền dành dụm, mượn thêm của cha mẹ hai bên, của anh em, bạn bè để đầu tư nuôi trăn. Ông mua cả thảy 62 con trăn nái, 7 con trăn đực, với giá bình quân khoảng 130.000 đ/kg. Chừng trăn sắp đẻ thì giá trăn bố mẹ tụt xuống chỉ còn 20.000 đ/kg, trăn con thì cho không chẳng ai thèm lấy!

Buồn tình, ông lân la đến các chủ vựa mua bán tôm cá và các loài động vật khác để nghiên cứu. Sau vài tháng, ông nghiệm ra rằng chẳng có con nào bằng rắn ri voi vì giá rắn trên thị trường chưa bao giờ xuống dưới 150.000 đ/kg trong khi số lượng đánh bắt trong tự nhiên ngày càng sụt giảm. Thế là ông chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền xây dựng chuồng trại nuôi rắn. Để rắn khỏi thoát ra ngoài và cũng nhằm tránh bị con nít trộm phá, ông mướn thợ đào bờ ao sâu xuống 1m rồi xây tường cao lên 3m. Bức tường bao kín toàn bộ 1.370m2, gồm cái ao lớn và một phần bờ lạng để rắn có thể lên đó tắm nắng. Xong, ông mua 1.200 kg rắn ri voi (loại từ 3 - 5 con/kg, giá 70.000 đ/kg) về thả nuôi.


Ông Lê Hùng Minh ở ấp Khu 3, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Điện thoại: 079. 3853884 - 0916340014.


Từ khi bắt đầu thả rắn, hầu như ngày nào ông cũng phải vớt từ 10 - 20 con rắn chết, tính ra hao hụt đến 80% tổng đàn. Tức mình, Năm Minh tiến hành “khám nghiệm tử thi” những con rắn chết và đi đến kết luận: rắn chết là do trước khi được nuôi đã bị xiệc điện, bị đánh đập, cạo răng, mắc lưỡi câu và thậm chí bị... nhét chì vào bụng cho nặng ký. Ông nói: “Vụ đó, tôi thu hoạch được 350 kg rắn định bán đi trả bớt nợ. Nhưng nghĩ tới cảnh phải chầu chực mua rắn giống trôi nổi, chất lượng không đảm bảo nên bấm bụng để lại gầy giống. Kẹt tiền, tôi chạy đi moi đầu này, lắp đầu kia. Nhờ vậy, năm sau (1998) tôi lời được 80 triệu đồng, lại còn dư hơn 500 kg rắn làm giống”. Cũng từ đó, Năm Minh bắt đầu đổi đời. Rắn đẻ tự nhiên ngày càng nhiều, ông phải chia bớt cho bà con làm giống.

Cũng theo lời Năm Minh, nuôi rắn hầu như chẳng tốn công sức gì. Mỗi ngày 2 lần ông dạo quanh ao xem rắn có gì khác lạ không. Nếu thấy biểu hiện lạ thì chắt nước ao rồi bơm nước sạch vào, toàn làm bằng máy móc cả. Việc cho rắn ăn cũng hết sức đơn giản: chỉ cần đổ cá còn sống xuống ao, rắn sẽ tự bắt cá ăn, không cần băm vằm gì cả. Năm Minh nói: “Rắn ri voi thuộc loại háu ăn. Nó ăn tất cả những loài cá không vẩy, lươn, ếch nhái... Nhưng rẻ nhất là cho ăn cá trê lai. Bình quân 6 kg cá trê (giá 12.000 đ/kg) cho 1 kg rắn thịt. Mà giá rắn thường dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, có bao nhiêu cũng không đủ bán vì thị trường Trung Quốc “ăn” rất mạnh. Hiện giá rắn ri voi tiêu thụ nội địa đã lên đến 380.000 đồng/kg; riêng rắn nái đã phối giống thì lên đến 600.000 đồng/kg”. Năm Minh tiết lộ, từ năm 2000 đến 2004, bình quân mỗi năm ông lời trên 300 triệu đồng. Trong 2 năm 2005-2006, mỗi năm ngoài 4 tấn rắn thịt, ông còn bán được trên 2 tấn rắn giống.

Đang nuôi rắn ngon trớn như vậy thì Nhà nước triển khai dự án xây dựng cầu Nhu Gia mới, thay cho cây cầu cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Trại rắn của Năm Minh nằm ngay chân cầu mới, phải di dời toàn bộ. Ông được ngành chức năng kêu bắt hết rắn để giao mặt bằng xây cầu, họ sẽ hỗ trợ riêng tiền rắn hơn 626 triệu đồng. Năm Minh bắt hết rắn lên bán, chỉ chừa lại 800 con rắn nái làm giống, rồi tức tốc chạy đi mua 1,7 ha đất ở ấp Sóc Bưng gần bên, đầu tư đào ao, đắp bờ để lập trang trại nuôi rắn ri voi quy mô lớn. Thế nhưng khi ông đến nhận tiền hỗ trợ để đầu tư hoàn chỉnh trang trại thì được cơ quan chức năng trả lời là số tiền hỗ trợ đó "sẽ phải tính lại”.

Hiện Năm Minh đang mong sớm được nhận tiền hỗ trợ, bồi hoàn để sớm hoàn chỉnh trang trại, chuyển hướng nuôi rắn ri voi quy mô lớn.

Nuôi dông, làm chơi ăn thiệt

Ông Kẹp bên chuồng nuôi dông như một động cát tự nhiên thu nhỏ - Ảnh: Thiện Nhân

Ở Ninh Thuận, nhiều gia đình đã nuôi thành công con dông, một loài bò sát hoang dã sinh sống trên những động cát ven biển. Nghề nuôi dông đã mở ra hướng làm ăn mới cho ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung.

Mô hình nuôi tự nhiên

Ông Nguyễn Văn Kẹp ở làng Hòa Thủy, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) là một trong những người đầu tiên nuôi thành công con dông hoang dã. Ông Kẹp cho biết: "Năm 2005, tình cờ tôi gặp một lái buôn về làng đặt mua dông với giá 100.000 đồng/kg. Thế là cả làng cùng đi săn bắt. Chỉ một thời gian ngắn con dông trở nên khan hiếm, giá thị trường ngày càng cao. Từ đó tôi nghĩ ra cách xây dựng chuồng trại để đưa con dông hoang dã vào nuôi".

Dông trong chuồng của ông Kẹp - Ảnh: Thiện Nhân

Trên diện tích gần 300m2, ông Kẹp thiết kế chuồng trại y như một động cát tự nhiên thu nhỏ. Xung quanh chuồng xây tường bằng gạch, cao khoảng 1,5m; dưới đáy chuồng đổ một lớp xi măng dày khoảng 2 cm (để con dông không thể đào hang chui ra) nhưng phải đảm bảo thoát nước tốt, không bị ứ nước khi trời mưa. Sau đó, đổ lớp cát dày 1m lên đáy chuồng; đắp gò, trồng cỏ… tạo không gian cho con dông chạy nhảy, đào hang. Thức ăn của dông rất đơn giản, chủ yếu là các loại rau xanh, giá, đậu, hoa quả… Điều ngạc nhiên là tỷ lệ dông sống khi nuôi trong chuồng đạt 95%. Đặc biệt, chúng sinh sản nhanh, mau lớn và không bị dịch bệnh. "Làm chơi mà ăn thiệt, hằng tháng tôi thu hơn 1 triệu đồng từ tiền bán dông", ông Kẹp tâm sự. Hiện ông Kẹp đang chuẩn bị mở rộng trang trại trên diện tích gần 2 ha, gần động cát làng Hòa Thủy theo mô hình chăn nuôi mà không cung cấp thức ăn. Để thực hiện mô hình, ông Kẹp đã trồng cỏ, cây xanh tạo bóng mát… và làm tường rào từ hai năm nay. Khi thả con dông vào đây thì chúng tự tìm kiếm thức ăn như môi trường tự nhiên. Theo ông Kẹp, mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao vì tiết kiệm được công chăm sóc và chi phí thức ăn.

Làm sao phát triển bền vững?


Thịt dông thơm, trắng như thịt gà, ngọt, chắc, xương mềm, da thì dòn sừn sựt. Từ một món ăn dành cho cư dân vùng ven biển, ít người biết đến, nay thịt dông trở thành món nhậu đặc sản. Nhiều nhà hàng chế biến thịt dông thành 7 món: gỏi dông, chả dông, dông nướng, dông rô ti, dông hấp, dông nấu dưa hồng và cháo dông, được nhiều người ưa thích.


Anh Phạm Trung Nhớ, ở làng Hòa Thủy, xã Phước Hải, sau khi đến tham quan mô hình nuôi dông của ông Kẹp, đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây dựng 3 chuồng nuôi trên đồi cát diện tích 500m2. Anh Nhớ cho biết: "Dông chỉ lên khỏi hang kiếm ăn một lần vào khoảng giữa trưa, thức ăn chủ yếu là cà chua, dưa hồng, rau muống... Rau quả mua ngoài chợ về rửa thật sạch rồi thả vào quanh chuồng để chúng tự tìm ăn. Dông sinh sản rất nhanh, một lần đẻ từ 6 - 8 trứng; 30 ngày sau trứng nở ra dông con. Vài tháng kế tiếp đàn dông con trưởng thành, tiếp tục sinh sản". Hiện tại trong chuồng của anh Nhớ luôn có trên 50.000 con dông sinh sản, mỗi tháng anh chi 3 triệu đồng tiền mua thức ăn. Dông thịt có giá từ 200.000 - 240.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm anh Nhớ thu lãi hơn 100 triệu đồng. Anh Nhớ kể: "Từ Tết Nguyên đán đến nay, tôi thu được 5 tạ con giống bán cho các hộ chăn nuôi ở TP.HCM, Khánh Hòa… Hiện có rất nhiều người gọi điện thoại đặt mua con giống nhưng không đủ số lượng để cung cấp".

Theo kinh nghiệm của anh Nhớ, để nuôi dông đạt kết quả cao thì chuồng trại phải đảm bảo 3 yếu tố: diện tích chuồng nuôi phải rộng (trên 200m2); cách xa khu dân cư để tránh mèo và chuột cống vào bắt dông; mùa khô phải thường xuyên phun nước tạo độ ẩm quanh chuồng.

Anh Huỳnh Thanh Huy Thái, Bí thư Đoàn xã Phước Hải, huyện Ninh Phước nói: "Mô hình này rất hay, thích hợp cho những người đã lớn tuổi, mất sức lao động, phụ nữ… Tuy nhiên, đây chỉ mô hình tự phát do người dân tự mày mò để chăn nuôi, cần có tài liệu, công trình nghiên cứu giúp họ phát triển nghề nuôi bền vững". Không riêng ở Ninh Thuận, hiện nghề nuôi dông phát triển rất nhanh ở khu vực duyên hải miền Trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi kỳ nhông trong thành phố
Ông Vũ Đình Hùng ở khu phố 2, phường Tân Phú, quận 9, TPHCM, lập trại nuôi kỳ nhông bán thịt và giống, hiệu quả kinh tế rất cao.
Ông Hùng cho biết, trước đây ông chuyên đi thu mua con kỳ nhông ở Bình Thuận mang về bán cho các quán ăn, nhà hàng ở thành phố HCM. Trong suốt quá trình buôn bán, nhiều khi vận chuyển, chúng hay bị chết, hao hụt nhiều nên ông nghĩ tại sao mình không nuôi chúng? “Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu và nuôi kỳ nhông từ đó", ông nói.
Hằng ngày ông để ý tìm hiểu đặc tính của loài động vật này, đồng thời áp dụng KHKT vào chăn nuôi. Đàn kỳ nhông phát triển tốt, mau lớn, không kém gì so với nuôi ở Bình Thuận. Ông Hùng tiết lộ “bí quyết” nuôi:
Chuồng trại: Tận dụng khuôn viên sân vườn, đã có tường rào xây bao quanh, chiều cao 1,8-2m là tốt nhất. Đổ thêm đất pha cát dày khoảng 50-80cm, ở đáy có để những ống nhựa có dùi lỗ để thoát nước.
Vị trí: Chọn nơi có thế đất cát pha, cao ráo, thoát nước.
Con giống: Mua giống ở những cơ sở sản xuất giống có uy tín ở Bình Thuận, Ninh Thuận…
Thức ăn: Vô cùng phong phú, dễ kiếm, rẻ tiền, chủ yếu là rau củ quả. Có thể tận dụng nhặt những lá rau bị dập nát như: rau cải bắp, xà lách, phế phẩm giá sống, cà rốt. Đặc biệt món ăn khoái khẩu của kỳ nhông là các loại củ quả ngọt như mít, khoai lang, quả thơm (dứa)…
Thả giống: Thả giống vào ngày trời nắng to, chúng tự đào hang và chui xuống hết, 2-3 ngày sau chúng mới chui lên. Cho nên những ngày đầu không cần phải cho ăn.
Chăm sóc: Rất đơn giản, ngày cho ăn 1 lần vào buổi sáng từ 6h – 7h. Đến 5 giờ chiều vào quét dọn và thu gom thức ăn thừa bỏ ra ngoài (lưu ý kỳ nhông không ăn thức ăn thừa ngày hôm trước).
Phòng trị bệnh: Kỳ nhông là loài bò sát có sức đề kháng rất tốt. Tuy nhiên cần lưu ý thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thức ăn phải khô ráo không bị ẩm ướt.
Thu hoạch: Lứa đầu từ khi thả giống tới lúc thu hoạch khoảng 6-7 tháng, trọng lượng đạt 0,5kg/con trở lên. Giá bán sỉ hiện nay khoảng 240.000đ – 250.000đ/kg.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, PCT Hội nông dân quận 9, TPHCM cho biết: Đây là mô hình mới, hiệu quả kinh tế cao, Hội nông dân quận đang có kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình cho các phường.
Với việc nuôi kỳ nhông, mỗi năm gia đình ông Vũ Đình Hùng thu lãi hàng trăm triệu đồng. Hiện ông Hùng cũng đã bán giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi kỳ nhông cho hai gia đình trong phường với kết quả rất khả quan.
Nông nghiệp Việt Nam(2008-12-11)

Nuôi cầy hương, thơm cả xóm

Cầy hương của anh Linh rất khỏe mạnh, dễ nuôi, chưa bao giờ bệnh vặt - Ảnh: Thanh Dũng
Con vật có túi xạ thơm lừng, được giới sành ăn ưa chuộng vì thịt ngon đang được nuôi thành công ở Trà Vinh, nơi cách xa quê hương chúng.

Anh Trương Bá Linh (ngụ ấp Thông Lưu, xã Hòa Minh, Châu Thành, Trà Vinh) được xem là người đầu tiên ở ĐBSCL nghĩ đến chuyện nuôi cầy hương (còn gọi là chồn hương) đẻ, bán con giống. Anh Linh mê cầy hương một phần vì tò mò, nghe chúng có túi hương thơm lừng có thể dùng để trị các chứng bệnh và chế làm dầu thơm. 3 năm trước, trong chuyến đi lên Tây Nguyên, phát hiện có người nuôi cầy hương, Linh đã mua lại 2 cặp với giá 20 triệu đồng. Đem về Trà Vinh nuôi, ban đầu anh không khỏi lo lắng bởi sợ lạ thổ nhưỡng, cầy hương sẽ chết. Nhưng thực tế, vùng đất cù lao Hòa Minh bốn mùa gió trời thổi mát rượi lại hết sức thích hợp với cầy hương. Chúng bắt cặp và đẻ. Dân địa phương cho biết từ ngày anh Linh nuôi cái con hình dáng như con chồn mướp đó, mùi hương lan ra cả xóm thơm phức.

Theo anh Linh, cầy hương không háu ăn. Thức ăn của chúng là chuối, rau quả, cá tép... Nuôi thuần dưỡng chúng ngoan hiền như mèo, thả ra cứ quanh quẩn gần chuồng nuôi. Điểm đặc biệt là cầy hương đẻ rất dữ. Cầy hương trưởng thành mỗi con nặng từ 4 - 6 kg, một năm đẻ 2 lần, mỗi lần từ 2 - 5 con. Cầy hương con rất khỏe, ít bệnh. Cầy hương vài tháng tuổi đã có thể xuất chuồng với giá 10 triệu đồng/cặp.

Có lẽ mang trong mình mùi thơm ngát nên cầy hương rất kỵ mấy chuồng nuôi mất vệ sinh. Chuồng nào không quét dọn sạch chúng hay bệnh, đi qua chuồng khác. Cầy hương bắt chuột, rắn rất tài, mỗi khi chủ mở chuồng cho đi chúng đều tha về vài con chuột. Theo anh Linh, thịt cầy hương mềm và thơm ngon, chế biến được nhiều món.
Thịt cầy hương trên thị trường luôn cao giá hơn thịt heo rừng, hươu nai. Hiện 1 kg thịt cầy hương giá tới 700 ngàn đồng. Anh Linh kể: "Khi chúng bắt ổ đẻ tỏa ra mùi thơm bát ngát như mùi mướp, dễ chịu lắm. Mấy nhà hàng lớn ở Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre... biết tôi nuôi cầy hương nên điện tới đặt mua trước nhưng tôi đâu dám nhận lời. Nội bán con giống còn không đủ, có đâu bán cầy thịt". Từ lúc bắt đầu nuôi tới giờ, cầy hương đã đẻ cho anh được 40 con.

Anh Linh kể, không biết trong tự nhiên cầy hương sinh đẻ ra sao nhưng trong điều kiện nuôi thuần hóa, nếu làm chuồng dưới đất hay đào hang sẵn cho cầy đẻ chúng chỉ nằm ì đó. Cầy chỉ đẻ khi chủ nuôi đưa chúng đặt trong la-va-bô dùng để rửa mặt. Lúc đẻ xong, nếu bắt chúng đi, cả mẹ và con đều xù lông cắn. Khi nào cầy con cứng cáp tìm cách ra khỏi bồn chúng mới ngoan ngoãn cho anh Linh bắt nhốt vào chuồng. Vì lẽ đó mà mỗi mùa cầy đẻ anh Linh phải chạy tìm mấy la-va-bô rửa mặt cho chúng làm ổ.

Ông Phạm Hoàng Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Trà Vinh, cho biết chuyện anh Linh nuôi cầy hương đẻ được các ban ngành quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ vì hiệu quả kinh tế cầy hương rất cao. Chi cục cũng đã cấp giấy phép nuôi cho anh Linh. Ông Nam nói: "So với nuôi các động vật hoang dã khác, cầy hương cho thu nhập cao hơn và ổn định đầu ra. Một con cầy đẻ 2 lứa/năm, tính ra tiền bán cầy giống không dưới 20 triệu đồng trong khi việc nuôi cầy con lại không cực nhọc. Chỉ con đực mới có túi xạ và giá trị chính là đây. Theo như tôi biết, túi xạ của cầy nuôi không thơm như cầy tự nhiên. Phân cầy hương dùng làm phân bón cho cây kiểng, da nó trị ung nhọt rất tốt".

Hiện ngành kiểm lâm đang khuyến khích các hộ dân nuôi cầy hương vì đây là động vật hoang dã quý hiếm đang giảm dần cá thể trong môi trường tự nhiên.

Cá ngựa dễ nuôi, lợi nhuận cao

Cá ngựa thân trắng 2 tháng tuổi - Ảnh: Hồ Thị Hoa
Hiện mỗi năm VN xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ và Trung Quốc hàng trăm nghìn con cá ngựa cảnh và cá ngựa ngâm thuốc. Nuôi cá ngựa là nghề mới ở nước ta, với nguồn vốn đầu tư thấp, lợi nhuận cao.

Sau nhiều năm nghiên cứu, Viện Hải dương học (số 1 Cầu Đá, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã cho sinh sản thành công 4 loài cá ngựa: cá ngựa đen, cá ngựa vằn (còn gọi là cá ngựa đuôi hổ), cá ngựa gai và cá ngựa thân trắng.

Tiến sĩ (TS) Trương Sĩ Kỳ, Phòng Công nghệ nuôi trồng, Viện Hải dương học, cho biết đã nghiên cứu về cá ngựa từ năm 1990. Kết quả, năm 1994, cá ngựa đen và cá ngựa vằn đã sinh sản trong phòng thí nghiệm. Đến năm 2006, nhóm nghiên cứu đã cho 2 loài này sinh sản ở quy mô lớn, sản xuất giống và nuôi thương phẩm.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn nhân rộng một số loài cá ngựa đang có nguy cơ cạn kiệt bằng cách sản xuất con giống thả ra ngoài tự nhiên; nuôi cá ngựa bố mẹ trong lồng sắt ở biển, khi cá đẻ thì cá con chui ra ngoài.

Đầu tư thấp

Theo TS Kỳ, kỹ thuật nuôi cá ngựa không quá khó, ít rủi ro, đầu tư cơ sở vật chất cũng không quá tốn kém, giá bán ổn định nên lợi nhuận khá cao.


Theo TS Trương Sĩ Kỳ, hiện trên thế giới có khoảng 35 loài cá ngựa (VN có khoảng 7 loài). Đây cũng là loài cá duy nhất có con đực đóng vai trò làm bố đồng thời làm mẹ (cá bố ấp trứng trong túi trước bụng, trứng từ cá mẹ chuyển sang bố). Cá ngựa được dùng làm thuốc trong y học cổ truyền, có tác dụng kích thích sinh dục phái nam, hỗ trợ chữa bệnh vô sinh hoặc thai khó ở phụ nữ, bệnh hen suyễn, cao huyết áp, ung nhọt, hói đầu...

Cá ngựa được nuôi trong bể xi măng, ăn thức ăn sống như tôm, tép... và động vật nổi. Sau 3 tháng nuôi có thể xuất bán cá cảnh; từ 6-8 tháng có thể xuất bán cá ngâm thuốc và cho sinh sản; sau 20 ngày đến 1 tháng, cá có thể sinh sản lại.

Hiện nay, ngoài một số mối nhỏ trong nước, Viện Hải dương học mỗi năm bán cho một công ty của Pháp khoảng 5.000 - 10.000 con cá ngựa cảnh, giá trung bình 1 USD/con, trong khi giá trên thế giới từ 70 - 900 USD/con, mặc dù chất lượng không chênh lệch.

Thị trường xuất khẩu cá ngựa rất lớn, đặc biệt là cá ngựa ngâm thuốc. Ở Khánh Hòa đã có một số doanh nghiệp (DN), cá nhân đầu tư nuôi cá ngựa xuất khẩu. Trong đó phải kể đến DN Đông Thành Hưng (Nha Trang), hiện mỗi năm xuất khẩu khoảng 60.000 con cá ngựa cảnh và ngâm thuốc sang các nước Pháp, Mỹ....

Anh Thượng Đình Tâm, nhân viên kỹ thuật của DN Đông Thành Hưng cho biết: “Tiến tới chúng tôi sẽ mở rộng thêm trang trại, kéo dài thời gian nuôi để đưa cá ngựa ngâm thuốc vào thị trường Trung Quốc. Nước này mỗi năm tiêu thụ khoảng 25 tấn cá ngựa dùng trong y học cổ truyền, trong khi cung không thể đáp ứng được cầu”.

Hiện nay Viện Hải dương học đang chuyển giao công nghệ nuôi cá ngựa cho Sở Khoa học - Công nghệ Đà Nẵng và Khu bảo tồn biển Phú Quốc (Kiên Giang). Dự kiến cuối năm nay 2 đơn vị này sẽ triển khai nuôi kinh doanh thí điểm. Ở Khánh Hòa, Viện Hải dương học luôn sẵn sàng phổ biến công nghệ nuôi cá ngựa cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào có nhu cầu.

Kỳ đà - máy đẻ ra tiền

Anh Nhị với con kỳ đà to nhất chuồng - Ảnh: Hiển Cừ

Hơn 1 năm qua, anh Trần Duy Nhị ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bỗng nhiên trở nên nổi tiếng, với nghề nuôi... kỳ đà. Người dân trong vùng đều gọi anh là Nhị “kỳ đà”.

Vốn ít, lãi nhiều

Nhìn những con kỳ đà to, khỏe nằm phơi mình dưới nắng, anh Trần Duy Nhị khoe: “Những ngày lo lắng đã qua, giờ là thời điểm rút tiền về rồi, mỗi con kỳ đà là một cái máy đẻ ra tiền!”. Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, anh Nhị nói ngay: “Từ việc bán con giống và thịt, trong vòng 5 tháng qua, gia đình tôi đã bỏ túi ngót nghét cả trăm triệu đồng rồi đấy”.

Cơ duyên đưa anh Nhị đến với kỳ đà thật tình cờ. Cuối năm 2007, trong một lần ra thăm người thân ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), thấy gia đình bên cạnh nuôi kỳ đà, anh rất ngạc nhiên vì không ngờ con vật được xem là “rồng đất” chủ yếu sống ở vùng rừng núi - lại nuôi được tại nhà. Sau mấy ngày lân la tìm hiểu, anh Nhị mua 2 con, mỗi con chừng 1,2 kg với giá gần 900.000 đồng, đem về quê nuôi thử.

Vừa nuôi, anh Nhị vừa mày mò tìm hiểu kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng dịch bệnh, 2 con kỳ đà sau một tháng bắt đầu thích nghi với môi trường, lớn nhanh, trọng lượng mỗi con tăng lên hơn 0,4 kg. Quá mừng, anh Nhị “bay" ngay ra Bắc Giang mua thêm 39 con, xây dựng chuồng trại chừng 24m2, quyết chí làm giàu từ kỳ đà.

Giữa năm 2008, anh xuất bán lứa giống đầu tiên 21 con thu về gần 9 triệu đồng trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Từ đó đến nay, anh đã bán hàng trăm con kỳ đà giống và thịt từ Bình Định đến Quảng Nam, thu về trên 150 triệu đồng.

Dễ nuôi và chăm sóc


Thịt kỳ đà có thể chế biến thành nhiều món ăn, da là nguyên liệu quý để làm đồ thủ công mỹ nghệ. Theo dân gian, mật kỳ đà trị bệnh hen suyễn, động kinh, gan nhiễm mỡ...


Theo anh Nhị, nuôi kỳ đà ít lo lắng chuyện dịch bệnh. Kỹ thuật nuôi không khó, thức ăn chính là da heo, các phụ phế phẩm ở lò mổ đem về nấu chín; thậm chí mùa đông chỉ cần cho ăn vài con cóc nhái là kỳ đà có thể sống cả tháng. Chuồng trại nuôi kỳ đà của anh Nhị cũng rất giản đơn, chỉ cần ngăn làm hai, một ngăn đổ cát thành từng đống dành cho kỳ đà ngủ, đào hang đẻ trứng, còn ngăn kia là “sân chơi” để phơi nắng, ăn uống.

Món khoái khẩu của kỳ đà chính là cóc, nhái, ốc... giúp chúng lớn nhanh và cũng chính là “thuốc” phòng ngừa bệnh táo bón. Mỗi khi thay da, con này bám vào con kia làm trầy xước nên kỳ đà hay bị nấm ngoài da, do vậy phải bấm hết móng chân. Ngoài ra, về đêm kỳ đà hay bò ra “sân chơi” uống nước rồi nằm luôn trong máng nên chiều tối phải thay nước, dội chuồng sạch sẽ phòng bệnh ký sinh trùng. Anh Nhị bảo rằng nuôi kỳ đà rất khỏe lại nhàn, chỉ sau 1 năm mỗi con có thể đạt trọng lượng 6 - 7 kg, giá bán khoảng hơn 2 triệu đồng/con.

Thông thường, kỳ đà khi nặng 2 kg thì bắt đầu động dục, mỗi năm chỉ một lần đẻ từ tháng 7 - tháng 10. Sau 4 tháng mang thai, mỗi con kỳ đà trong một giờ đồng hồ đẻ từ 27 - 35 trứng, sau 28 ngày ấp công nghiệp, những chú kỳ đà con ra đời. Anh Nhị kể, những đợt ấp đầu tiên bị thất bại liên tục, tỷ lệ nở chỉ đạt khoảng 17%, anh phải 3 lần ra lại Bắc Giang “học lỏm” kỹ thuật ấp công nghiệp, đến nay mới thành công với tỷ lệ nở đạt gần 80%.

“Kỳ đà là con vật ưa nóng, có thể chịu đựng ở nhiệt độ 600C nhưng không chịu được lạnh dưới 100C, do vậy vùng đất từ Quảng Bình trở vào, nhất là khu vực miền Trung đều có thể nuôi được”, anh Nhị khẳng định. Với mong muốn phát triển mạnh mô hình nuôi kỳ đà, giúp nông dân cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu nên những người đến mua giống, anh Nhị đều nhiệt tình hướng dẫn từ kỹ thuật nuôi, chăm sóc, ấp nở giống... “Kỳ đà - con vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam hiện đang bị săn bắt ráo riết, ước gì có cơ quan chuyên môn nào đó đứng ra thành lập hiệp hội những người nuôi động vật bò sát để các hộ nông dân được nhân nuôi rộng rãi. Đó là cách tốt nhất bảo vệ loài bò sát quý hiếm này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng”, anh Nhị nói.

Khởi nghiệp từ... dế

Huy đang kiểm tra dế - Ảnh: G.B
“Ban đầu chỉ nuôi chơi nhưng không ngờ con dế bé nhỏ, dễ nuôi ấy lại gắn luôn với đời mình và giúp mình phát triển kinh tế gia đình” – đó là lời tâm sự của Nguyễn Quang Huy (26 tuổi), ông chủ trang trại dế đầu tiên ở Lâm Đồng.

Không khó để chúng tôi tìm đến nhà Huy (thôn 2, xã Mê Linh, H.Lâm Hà) bởi chỉ cần đến đầu xã hỏi thăm “Huy dế” thì ai cũng biết. Nhà nghèo, học khoa ngoại ngữ ĐH Đà Lạt được 2 năm thì Huy đành phải rời giảng đường về phụ giúp gia đình. “Một lần xem tivi thấy người ta nói về chuyện nuôi dế làm giàu, mình thấy hay hay nên tối ra vườn bắt về nuôi. Lúc này chỉ nghĩ là nuôi chơi thôi” – Nguyễn Quang Huy kể. Mỗi đêm Huy cũng bắt được vài ba chục con dế lửa mang về bỏ vào xô nuôi, thức ăn là cỏ và xịt thêm ít nước cho dế uống. Nuôi tự phát nên dế liên tục chết nhưng Huy không nản. Sau 1 năm miệt mài tìm sách báo, tài liệu, lục lọi trên internet, cuối cùng Huy cũng hiểu được vì sao dế chết, việc sinh trưởng và sinh sản, ăn uống của dế... Về Sài Gòn tham quan, học hỏi, Huy mua vài khay trứng dế than về nuôi và dần dần Huy đã thành công.

3 năm trôi qua, Huy đã trở thành một tay nuôi dế “lão luyện”, Huy cũng mở trại dế Thiện An ngay tại nhà mình. Huy cho biết, bây giờ thì nuôi dế rất dễ, chỉ cần chút tỉ mỉ là được. Dụng cụ nuôi dế cũng dễ tìm, chỉ cần một cái thau (hay xô, chậu), để vào 1 khay đựng nước, 1 khay để cám, 1 khay đất ẩm (để dế đẻ), vài cái rế hoặc vài nhánh cây. Vòng đời của dế trải qua 4 lần lột xác, khi đến lần thứ 3 và dế gần mọc cánh (khoảng 2,5 tháng tuổi) là có thể xuất bán, nếu không thì để lại làm con bố mẹ (với tỷ lệ 50 con trống, 100 con mái). Hiện Huy nuôi 350 thùng dế, mỗi ngày xuất bán trên 1 kg dế thịt với giá 200.000 đồng. Trại của Huy hiện chỉ đủ dế để cung cấp cho người dân địa phương và khách qua đường, chưa đủ để cung cấp cho các nhà hàng ở thành phố. Vừa rồi Huy đã vay 150 triệu đồng về đầu tư mở rộng trang trại.

Thịt dế than giàu đạm, thơm ngon, có thể chế biến thành nhiều món như chiên giòn, xào sả ớt, chiên bột, xào mì, gỏi dế... Trại dế của Huy hiện cũng là điểm đón nhiều du khách nước ngoài đến tham quan. Huy cho biết, có công ty du lịch ở TP Đà Lạt cũng đã liên hệ đưa khách đến tham quan và hằng tháng, công ty sẽ hỗ trợ thêm kinh phí cho Huy.

Nuôi bò cạp ở Sài Gòn

Tới P.Long Bình, Q.9, TP.HCM hỏi trang trại nuôi bò cạp và dế của gia đình anh Nguyễn Trọng Suôn ở tổ 6, khu phố Long Bửu thì gần như ai cũng biết.

Anh Suôn chuyển nghề từ nuôi heo sang nuôi bò cạp và dế cách đây 4 năm. Nhắc đến cơ duyên đến với bò cạp, anh Suôn bảo trước hết do anh nhận ra nhu cầu tiêu thụ rất lớn của các nhà hàng, quán nhậu. Một lần đến thị xã Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), anh tìm mua được 3-4 kg bò cạp đem về nuôi. Việc nuôi bò cạp ban đầu cũng không ít gian nan, nếu không có niềm đam mê chắc anh không thể theo nghề này đến hôm nay.

Nơi trú ngụ của bò cạp - Ảnh: Như Thảo

Anh Suôn cho biết con bò cạp phải mất 6 tháng mới đến kỳ sinh nở, mỗi con mẹ một lần sinh đến 25-30 con. Nhiều người nghe tiếng đã tìm đến anh học hỏi kinh nghiệm nuôi bò cạp. Anh Suôn rất nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công với nghề. “Có người từ Đồng Nai gọi điện cho tui than bò cạp nuôi hoài mà không thấy đẻ. Khi đẻ thì nhiều quá nên cũng không biết xử lý làm sao”. Cũng đã có người phải bỏ giữa chừng do không biết cách nuôi và thiếu đam mê. Thức ăn chính của bò cạp là dế, mà trang trại thì luôn có 500 thùng dế thương phẩm và hàng chục thùng dế giống nên rất dễ dàng trong việc chăm sóc bò cạp. Bên cạnh đó, anh còn cho bò cạp ăn phổi heo, phổi vịt. Lúc bò cạp còn nhỏ được bồi dưỡng thêm thịt bò. Anh Suôn lưu ý, khi bò cạp vừa đẻ ra thì phải tách khỏi bầy ngay vì nếu không những con bò cạp khác sẽ ăn thịt bò cạp con, cũng có khi bò cạp mẹ ăn thịt con.

Hiện khách hàng của anh Suôn chủ yếu là các nhà hàng, quán nhậu khắp Sài Gòn. Nhiều chủ quán nhậu, nhà hàng nhận xét thịt bò cạp, dế của anh Suôn thơm ngon, chất lượng không chê được. Không ít khách thập phương tìm đến trang trại mua bò cạp về ngâm rượu nhằm tăng cường sức khỏe, tráng dương bổ thận. Giá bò cạp xuất trại là 3.000 đồng/con, lợi nhuận thu được từ bò cạp theo lời anh Suôn là “rất khá”!

Thỏ Cali, gà Ai Cập, bồ câu Pháp...

Giống thỏ Mỹ chi phí nuôi thấp, cho lợi nhuận cao - ảnh: Nguyễn Tú
Thiên Nông - một trang trại tại thôn Viêm Trung, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) - đang nổi tiếng với những giống vật nuôi độc đáo, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân các tỉnh miền Trung.

Ông Nguyễn Văn Điệu - chủ trang trại Thiên Nông - khẳng định chắc nịch: "Tính trong 3 năm, lượng cỏ cho 1 con bò ăn có thể nuôi được cả đàn thỏ, trong khi lợi nhuận từ thỏ thì gấp đôi bò".

Năm 2004, trước dịch cúm gia cầm bùng phát, rồi dịch lở mồm long móng, ông Điệu bắt đầu đưa giống thỏ trắng Cali (Mỹ), thỏ New Zealand, thỏ màu lai vào nuôi thử nghiệm. Giống thỏ này mỗi con đẻ 7 lứa, khoảng 35 con/năm, cung cấp 100 kg thịt. Với giá 60.000 đồng/kg, người nuôi thu được 6 triệu đồng/năm, trong 3 năm sẽ thu được 18 triệu đồng chỉ với một con thỏ. Cũng trong 3 năm đó, nếu nuôi 1 con bò thì bò chỉ đẻ được 2 lứa, bán 2 con bê thu về chỉ 10 triệu đồng. Trước đó, năm 2003, ông Điệu đã chọn vùng đất hoang hóa của HTX Kinh doanh tổng hợp xã Điện Ngọc mở trang trại và đưa giống bồ câu Pháp vào thử nghiệm. Từ 100 đôi bồ câu ban đầu, hiện trang trại đã phát triển lên đến 7.000 đôi.


Ông Thân Đức Sửu - Phó chủ tịch UBND huyện Điện Bàn cho biết: "Các giống vật nuôi mới từ trang trại Thiên Nông đã nhân rộng ra khoảng 100 hộ nông dân tại huyện và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người nông dân. Bên cạnh cung cấp con giống, trang trại đồng thời bao tiêu sản phẩm nên người nông dân có thể yên tâm về đầu ra".


"So giá trị dinh dưỡng, một con bồ câu Pháp có hàm lượng đạm, protein cao bằng 7 con gà ta cộng lại. Còn về hiệu quả kinh tế, một đôi bồ câu Pháp đẻ trung bình 8 lứa (15 con) tương đương 7 - 8 kg thịt/năm. Với thời giá hiện tại 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu vào 300.000 đồng/đôi/năm, người nuôi có thể lãi ròng trên 600.000 đồng/đôi bồ câu/năm". Như vậy chỉ cần nuôi 100 đôi bồ câu, mỗi năm có thể thu 8 tạ thịt chất lượng cao, lãi ròng trên 60 triệu đồng.

Mới đây, ông Điệu tiếp tục bổ sung giống gà Ai Cập, từ châu Phi vào trang trại của mình. Đây là giống gà "siêu trứng", trung bình mỗi con đẻ 200 - 250 quả/năm. Mỗi hộ nông dân nuôi đàn gà 100 con sau khi trừ chi phí có thể lãi trên 40 triệu đồng/năm. Trứng gà Ai Cập có lòng đỏ lớn, thơm ngon như trứng gà ta. Trong khi trứng gà công nghiệp bán trên thị trường giá 1.200 đồng/quả, thì trứng gà Ai Cập hiện nay có giá 2.600 đồng/trứng mà vẫn không có hàng để cung cấp.

Trang trại miễn dịch

Bồ câu Pháp miễn dịch với cúm gia cầm

Gà Ai Cập vốn là giống gà rừng đã được thuần hóa nhiều năm nên có sức đề kháng cao, chịu được những thay đổi bất thường của thời tiết, chống dịch bệnh. Do đặc điểm thả vườn nên giống gà này không phụ thuộc thức ăn công nghiệp. Nông dân có thể tận dụng nông sản để nuôi gà hoặc thả dưới vườn cây để gà tự kiếm mồi.

Thỏ Mỹ, bồ câu Pháp cũng là những giống vật nuôi kháng bệnh cao, ông Điệu cho biết 6 năm qua, từ lúc đưa vào nuôi thử nghiệm, nhân đàn, đã chuyển giao công nghệ cung cấp con giống cho trên 500 hộ dân thuộc 6 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Ông Điệu khẳng định: "Hiện nay, chúng tôi và mạng lưới các hộ chăn nuôi vệ tinh không thể cung cấp đủ nhu cầu con giống cho các trang trại khác. Lượng thịt cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn cũng luôn thiếu hụt". Thịt thỏ Mỹ, thịt bồ câu Pháp, trứng gà Ai Cập ngoài sự lạ miệng còn có chất lượng cao, có khả năng hỗ trợ tim mạch, bổ não, bồi bổ phủ tạng(Theo TNOL)

Nuôi gấu đẻ như… lợn nái
(VTC News) - Đến nay, những gấu mẹ nuôi nhốt trong trang trại ở huyện Kim Bôi đã đẻ được 18 gấu con. Còn trang trại ở xã Sơn Lâm đã sinh sản ra những 34 gấu con tất cả. Ông Đức nuôi gấu đẻ nhiều như lợn nái vậy!Tưởng gấu vồ con mèo yêu quý của ông ăn thịt, ông vội vàng chụp lấy chiếc đèn pin ra soi. Ông đã sung sướng không thốt ra lời để gọi mọi người, khi tận mắt chú gấu con đang ngo ngoe ở miệng hang. Con gấu mẹ vừa gầm gừ, vừa dũi dũi vào bụng gấu con...
Từ hôm gấu mẹ đẻ, ông Đức cứ tranh thủ ngủ ban ngày, rồi đêm thức để quan sát, trông nom mẹ con nhà gấu, tìm hiểu tập tính nuôi con của chúng.
Thức nhiều đêm liền, ông Đức mới phát hiện ra gấu đực và gấu cái chỉ “hành sự” vào lúc nửa đêm về sáng và chúng thường tìm một nơi kín đáo trong hang để làm chuyện ấy.Thế nhưng, một ngày, ông Đức đã lăn ra ốm vì đau khổ khi tận mắt cảnh một con gấu đực đang ăn thịt chú gấu con tội nghiệp.
Lật lại các tài liệu nghiên cứu về gấu, ông Đức mới hiểu thêm về giống gấu đực. Gấu đực rất tàn nhẫn và không hề có tình phụ tử. Chỉ cần gấu mẹ sơ sểnh, gấu bố có thể xơi tái con bất cứ lúc nào. Trong tự nhiên, khi gấu cái đẻ nó rất hung dữ. Để bảo vệ con, gấu cái đuổi gấu đực ra khỏi ổ, không cho tiếp xúc với con.
Ngược lại, gấu mẹ rất nặng tình mẫu tử. Sau khi mất con, gấu mẹ đã nhịn ăn mấy ngày liền, chỉ nằm một chỗ với đôi mắt buồn rười rượi. Đây là một bài học nhớ đời của ông Đức.
Sau vụ gấu con bị gấu bố xơi thịt, đến giữa năm 2004, niềm vui khôn tả lại đến với ông Đức khi hai nàng gấu cái mang bầu cùng lúc. Để chắc ăn, ông “rước” hai nàng gấu vào một cái hang khác để chăm sóc theo chế độ đặc biệt.Hàng ngày, ông cùng những người giúp việc lên rừng đào măng về cho gấu mẹ ăn, bởi măng là món khoái khẩu của gấu.

Ông ninh hàng tạ xương lợn với cà rốt, khoai tây, ngô non, gạo nếp cho gấu ăn. Ngoài ra, mỗi ngày, những gấu mẹ này còn được bổ sung thêm cả chậu sữa bò, sữa dê, cả lít mật ong…

Thời kỳ đó, mấy tháng trời ông không về Hà Nội thăm vợ con. Nhiều người hỏi ông Đức đâu, vợ ông đùa bảo: “Ông ấy còn mải chăm mấy bà vợ mang bầu trên Hòa Bình”. Ông Đức nói vui: “Cả tuổi trẻ tớ chỉ mải chơi bời, vui thú, chẳng quan tâm được đến vợ con, giờ già lại đi chăm bọn gấu như chăm bà đẻ”.

Dưới sự chăm bẵm tận tình của ông, hai nàng gấu đã sinh hạ 3 gấu con khỏe mạnh.

Khi 3 chú gấu con này đã chạy nhảy lon ton, thì 3 gấu mẹ khác lại tiếp tục mang bầu, rồi đẻ liên tiếp 5 gấu con nữa.


Chuyện ông Đức nuôi được gấu đẻ lộ ra, khiến các nhà nghiên cứu, bảo tồn thiên nhiên sửng sốt. Chuyện nuôi gấu đẻ là chuyện lạ với cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Cả trăm nhà khoa học trong và ngoài nước đã đến tận trang trại của ông Đức nghiên cứu hiện tượng lạ này. Nhiều nhà khoa học nghi ngờ ông Đức mua gấu con về thả, nên đã lấy tế bào đi làm xét nghiệm gen, tuy nhiên, họ đều phải công nhận gấu con và gấu mẹ là cùng nguồn gốc. Tuy nhiên, phần lớn các nhà khoa học nhìn thấy cảnh gấu mẹ và gấu con nô đùa với nhau là tin ngay, bởi họ thừa biết rằng gấu mẹ chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng con mình đẻ ra mà thôi. Nếu không phải con đẻ, nó sẽ tát chết và ăn thịt gấu con ngay.
Mơ ước của “người đỡ đẻ”
Việc nuôi gấu diễn ra vô cùng thuận lợi, đàn gấu cứ thay nhau đẻ sòn sòn. Các nhà khoa học không thể giải thích nổi tại sao đàn gấu nuôi của ông Đức lại đẻ được nhiều như thế.Tôi hỏi ông Đức bí quyết nuôi gấu đẻ, ông cũng không giấu giếm gì. Ông bảo, cứ thả gấu vào trong hang động, là chúng đẻ được.Theo ông Đức, hang đá là nơi giữ được nhiệt độ ổn định, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát, rất hợp cho gấu sinh sản, phát triển. Do đó, theo ông, ai cũng có thể nuôi gấu đẻ, miễn là có môi trường như trang trại của ông và có tình yêu vô bờ bến với gấu như ông.Để chứng minh cho điều này, năm 2006, ông đã mua tiếp một mảnh đất rừng ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Mảnh đất này cũng có núi đá, có rừng cây, có hang động. Ông thả đàn gấu vào rừng, đêm chúng tự tìm vào hang ngủ. Đến nay, những gấu mẹ nuôi nhốt trong trang trại ở huyện Kim Bôi đã đẻ được 18 gấu con. Còn trang trại ở xã Sơn Lâm đã sinh sản ra những 34 gấu con tất cả. Ông Đức nuôi gấu đẻ nhiều như lợn nái vậy!
Ngày đưa đàn gấu về trang trại ở xã Lâm Sơn, ông Đức đã trình đề tài nuôi gấu sinh sản với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình. Các lãnh đạo tỉnh sau khi khảo sát, nghiên cứu, cũng sợ ông xin giấy phép để “treo đầu dê, bán thịt chó”, song thấy đây là dự án rất mới mẻ, độc đáo, nên đã cấp giấy phép cho ông. Theo ông Đức, hiện tại, ông là người duy nhất ở nước ta có giấy phép nuôi gấu đẻ. Tuy nhiên, có một khó khăn phát sinh, đo là dù gấu thế hệ F2 cũng không được bán. Trong khi, đàn gấu mấy chục con ở hai trang trại mỗi ngày ngốn của ông cả triệu bạc.Ông Đức bảo, ông có thể rút mật gấu bán để làm giàu, nhưng nếu động vào túi mật là đàn gấu mẹ sẽ "tịt", đàn gấu bố cũng sẽ không “nhảy” được nữa. Do đó, ông chỉ có thể nuôi báo cô chúng.
Theo ông, hiện tại, mấy ngôi nhà mặt phố Thái Hà cho thuê vẫn đủ tiền nuôi đàn gấu này. Tuy nhiên, sau này, khi đàn gấu trong trang trại của ông lên đến vài trăm con, thì không hiểu ông sẽ lấy đâu ra tiền để nuôi chúng. “Giá như Nhà nước có hỗ trợ để tôi nhân giống gấu, rồi các nhà khoa học tìm cách đưa chúng vào các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia để chúng trở về với thiên nhiên hoang dã thì tốt biết mấy!” – Ông Nguyễn Công Đức cứ ao ước được như vậy.
Ông Đức kể, cách đây 3 năm, có một nhà khoa học người Mỹ sang Việt Nam, đã mang theo 1,5 triệu USD đòi mua cả trang trại lẫn đàn gấu để nghiên cứu. Vợ con cứ giục ông bán quách nó đi rồi về Hà Nội mà sống, tuy nhiên, ông nhất định không bán. Nhà khoa học người Mỹ này không mua được trang trại, trước khi ra về, đành bắt tay ông Đức bảo: “Nuôi gấu đẻ đúng là chuyện lạ chỉ có ở Việt Nam!”. Ông Đức cũng không ngờ đối với các nhà khoa học, chuyện nuôi gấu đẻ lại khó như vậy. Hằng ngày, ông cùng những người giúp việc vào rừng đào măng, đào củ chuối non cho bầy gấu ăn. Đêm ông trèo lên hang đá ngủ cùng với dơi để quan sát, tìm hiểu tập tính loài gấu, bởi gấu là loài ngủ ngày ăn đêm. Với người đàn ông này, đó mới là hạnh phúc thực sự.
(Xem http://www.vtc.vn/368-213344/top-4/nuoi-gau-de-nhu-lon-nai.htm)

Người nuôi cọp số một Việt Nam: ông Ngô Duy Tân, chủ nhà máy bia Pacific, người được mệnh danh là người nuôi cọp số 1 Việt Nam với 24 con. Và hiện giờ, sự nổi tiếng bất đắc dĩ này đang “hành hạ” ông từng ngày…

Nổi tiếng bất đắc dĩ!

Thưa ông, phải chăng đây là một giai đoạn khó khăn trong cuộc đời ông khi đàn cọp của ông có thể bị tịch thu?

Tôi không cho rằng đây là giai đoạn khó khăn, mà là lúc sóng gió thì đúng hơn. Nó không giống sự khó khăn khi tôi khởi nghiệp làm doanh nhân, chủ quán nhậu hay mở nhà máy sản xuất bia. Điều lạ nhất là những rắc rối (việc nuôi cọp) lại không xuất phát từ công việc kinh doanh của tôi mà một việc làm từ tình yêu loài vật. (cười)

Ông là một doanh nhân, sự nổi tiếng ngoài mong muốn này có ảnh hưởng đến công việc kinh doanh không?

Tôi bị thiệt hại nặng nề và có thể ảnh hưởng lâu dài. Thứ nhất, các đối tác của tôi ở nước ngoài đã ngừng mọi giao dịch với tôi khi họ xem thông tin về tôi trên báo chí, công luận. Họ cho rằng, tôi là một người phạm pháp nên không “chơi” với tôi nữa. Thứ hai, hiện tôi không còn thời gian để tiếp tục thi công khách sạn 5 sao của tôi nữa. Mà thực tế, công trình chậm một ngày, tôi sẽ bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng tiền lãi vì tôi phải đi vay vốn ngân hàng để xây dựng khách sạn. Chưa kể, tôi còn bị thất thu vì chậm đưa công trình vào sử dụng. Còn cuộc sống gia đình? Có lẽ, người khổ nhất là các con tôi vì chúng còn bé. Đến trường, bị các bạn rêu rao “ba mày sắp bị công an bắt vì vi phạm pháp luật”, cháu không học nổi, chỉ biết khóc. Đứa thì không dám đi học thêm vì ngại, nằm ở nhà suốt ngày. Đứa lớn thì đỡ hơn vì hiểu việc cha làm, cháu thường lên mạng tìm tài liệu và thảo đơn giúp tôi. Ước mơ một khu bảo tồn!

Ông từng kể năm 2000, ông bỏ ra hơn 200 triệu đồng để mua 6 cọp con bệnh tật từ người bán dạo. Hành động này xuất phát từ đâu vì thời điểm đó, ông cũng chưa dư dả gì?

Đơn giản là từ tình thương loài vật. Nếu tôi nuôi chúng để nấu cao, để bán kiếm lợi thì tôi chả dại gì báo cáo với các cơ quan quản lý. Cho đến bây giờ, tôi vẫn xác định những con cọp này là tài sản chung của đất nước. Tôi chỉ là người nuôi hộ vì yêu chúng. Ngày mua chúng, tôi cũng đã hứa với vị Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương lúc bấy giờ “nuôi đàng hoàng, không kinh doanh buôn bán, giết thịt…”. Ngoài tình yêu loài vật, ông còn mục đích khác với bầy cọp? Một bầy cọp đẹp như tranh, một khu bảo tồn tư nhân đầu tiên ở Việt Nam cho các loài thú quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng… thích chứ! Ở đây, mình vừa làm công tác bảo tồn, vừa làm khu du lịch cho khách tham quan. Lấy tiền vé để nuôi dưỡng chúng, tại sao không làm! Chắc chắn, những con cọp ở khu bảo tồn sẽ giống cọp hơn các con cọp ở sở thú hiện nay. Trước đây, năm 2002, tôi có mua một khu đất rừng 20 hecta, sau đó làm đơn gửi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Văn phòng CITES Việt Nam xin thành lập trại nuôi sinh sản động vật hoang dã, nhưng tiếc rằng, không ai trả lời đơn của tôi.

Cho đến nay ông đã có thâm niên 7 năm nuôi cọp, bầy cọp sinh sôi nảy nở nhiều hơn bất kỳ các trung tâm nào thuộc Nhà nước. Chắc chắn ông không chỉ mát tay hay may mắn?

Năm 1970, tôi cầm súng đi vào Nam chiến đấu. Có một thời gian dài, đơn vị tôi đóng quân tại nhà một người dân ở Campuchia nuôi cọp. Thấy họ nuôi thú dữ, tôi thích lắm nên hàng ngày lân la hỏi thăm cách thức chăm nuôi, chữa bệnh. Nhưng nhúm kiến thức này vẫn chưa đủ, lúc đầu nuôi cọp, tôi phải thường xuyên nhờ Vườn bách thú Hà Nội và Thảo Cầm Viên Tp.HCM tư vấn, hướng dẫn từng tí một. Điểm nào bí, tôi tìm sách đọc. Có lứa, tôi cho cọp con ăn nhiều quá nên có con chết vì bội thực. Tất cả đều phải trả giá. Vừa qua, khi báo chí đăng ảnh một con cọp bệnh hoạn, tiều tuỵ đang bị nhốt ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã ở Sóc Sơn, Hà Nội tôi thấy áy náy quá! Nếu được, tôi đề nghị đưa con cọp đó về đây, tôi hứa sẽ chăm sóc nó khoẻ mạnh trở lại như những con cọp tôi đang nuôi ở trại. Ông có thể ước tính đã bỏ bao nhiêu tiền cho bầy cọp? Tôi không nhớ chi tiết nhưng chúng đã “đốt” của tôi hàng chục tỉ đồng. Mấy năm nay, mỗi tháng, tiền ăn cho bầy cọp mất khoảng trăm triệu, tiền đầu tư mua gần 1 hecta đất và xây chuồng trại cỡ 6 tỉ. Tôi còn nhớ bốn năm trước, lúc công việc kinh doanh chưa mạnh, tôi phải đi vay lãi để mua thịt, không để cọp đói. Nghĩ lại mà thấy xót con mình, buổi sáng đi học phải ăn cơm nguội, vì mỗi đứa chỉ được phát từ 2 đến 5 ngàn một ngày. Trong khi một con cọp trưởng thành mỗi ngày ăn hết 3 con gà, khoảng 300 ngàn đồng.

“Tôi sẽ làm cho ra lẽ”!

Nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn “nhất nhất” tịch thu đàn cọp của ông mang đi nơi khác nuôi vì cho rằng ông nuôi nhốt trái phép, ông sẽ giao lại đàn cọp?

Trước hết, đã là công dân tôi phải tuân thủ pháp luật. Quy định của pháp luật là xử lý những hành vi sai phạm như buôn bán, giết thịt… với những động vật hoang dã, quý, hiếm nhằm bảo vệ chúng khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Tôi cho rằng, mình không vi phạm những quy định này bởi lẽ tôi nuôi chúng tử tế, không giết hại, nhân giống thành công. Chẳng lẽ, tôi bỏ bao công sức, đổ tiền tỉ ra nuôi nấng, chăm sóc, yêu thương đàn cọp để… phạm pháp? Trong thâm tâm, tôi vẫn không nghĩ mình phạm pháp. Tôi tin pháp luật sẽ công bằng, hợp tình hợp lý, hợp lòng dân.

Theo quy định, ông vẫn có thể hợp tác với các cơ quan chức năng để nuôi đàn cọp một cách hợp pháp. Tại sao mấy năm qua, ông không hoàn tất thủ tục đăng ký, xin phép với Nhà nước?

Hành trình nuôi cọp của tôi rất công khai, công khai kể từ khi mua 6 cọp con. Tôi đã báo cáo với Bí thư Tỉnh uỷ và Chi cục Kiểm lâm về nguồn gốc. Tôi không phải làm nghề nuôi hay săn bắn, mua bán cọp. Phía kiểm lâm đã thường xuyên xuống theo dõi, lập danh sách đàn cọp. Năm 2002, tôi gửi đơn xin thành lập trại nuôi sinh sản đến nhiều nơi nhưng không thấy phản hồi. Có những lúc, vì xoay không ra tiền nuôi đàn cọp, tôi đã đề nghị trả lại đàn cọp cho tỉnh nhưng lãnh đạo tỉnh vận động tôi cố mà nuôi. Vườn bách thú Hà Nội xin phép Cục Kiểm lâm trao đổi cọp giống với chúng tôi nhằm tránh hiện tượng trùng huyết, cục vẫn đồng ý cho trao đổi… Như vậy, nếu nói đàn cọp chỉ có 6 con ban đầu là không có rõ nguồn gốc thì đúng, còn lại chúng đều được Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm thủ tục khai sinh, có nguồn gốc đàng hoàng kia mà! Tôi cho rằng, cái vướng ở đây chỉ là thủ tục. Nhưng tại sao khi tôi xin phép thì bộ lại im lặng? Đặt giả thuyết, nếu tôi không biết, họ phải hướng dẫn thủ tục cho tôi chứ! Đằng này…! Như thế có phải là thiếu trách nhiệm hay không?

Được biết, đã có nhiều tổ chức quốc tế yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải tịch thu, tiêu huỷ đàn cọp, đồng thời họ đề nghị phải truy tố ông ra toà. Ông sẽ phản ứng lại chứ?

Tôi có đọc lá thư của 5 tổ chức quốc tế đồng gửi cho Chính phủ Việt Nam qua một tờ báo. Nếu đúng là họ viết, tôi sẽ kiện họ ra toà án quốc tế. Bởi trong bức thư đó, họ đã quy kết tôi sai sự thật, và lời lẽ trong thư rất thiếu thiện chí. Điều này làm thiệt hại đến công việc kinh doanh và ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tôi và gia đình. Cho dù tôi biết kiện họ sẽ rất vất vả và tốn kém, mất hàng triệu đô la. Song tôi sẽ làm.(Theo Sài Gòn tiếp thị)Giàu có thuộc hàng đại gia nhưng ông vẫn chịu khó thức khuya dậy sớm với bầy cọp mà mình cưu mang. Ông có bí quyết nuôi cọp mà người Trung Quốc phải sang học hỏi, hãng thông tấn Reuters đến làm phim. Người sở hữu 19 con cọp - ông Ngô Duy Tân - bật mí những câu chuyện bất ngờ...Có duyên với cọpKhi là chiến sĩ trinh sát, người lính quê Thái Bình này nhận nhiệm vụ tại biên giới Tây Ninh. Tránh “tai mắt” của lũ chó berger, các chiến sĩ được bày cách “lấy hơi” chó sói hay cọp để đối phó. Tình cờ ông làm quen với vợ chồng người trông coi vườn thú của hoàng gia Campuchia có nuôi hai con cọp. Lui tới thân quen và ông dần học được bí quyết nuôi cọp. Rời đơn vị, ông từng là phóng viên sau đó chuyển sang kinh doanh. Ngô Duy Tân hiện là chủ nhân thương hiệu bia tươi Pacific và đang xây dựng khách sạn 5 sao tại trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 3 năm 2000, tình cờ một người Campuchia đến bán cho ông 5 cọp con, tất cả đều bị bệnh, bại chân rất yếu gần như “hết thuốc chữa”. Nuôi thì không được phép (là động vật hoang dã quý hiếm được CITES bảo vệ), không cứu bầy cọp chắc chúng sẽ chết. Cuối cùng ông mạnh dạn xin phép Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương lúc đó (ông Nguyễn Minh Đức) và Chi cục kiểm lâm để cứu đàn cọp. Nhận được lời đồng ý, với sự giám sát của Chi cục kiểm lâm tỉnh, ông mời các chuyên gia vườn thú, bác sĩ thú y giỏi ở TP.HCM và Hà Nội trợ giúp, nhưng vẫn không xong. Không chịu bó tay, ông chữa trị đàn cọp theo kinh nghiệm mình đã học. Đáng chú ý nhất là giải pháp “ăn kiểu rừng”, ông cho các chú cọp này ăn thịt gà sống còn máu tươi, lũ cọp hồi phục rất nhanh.Sau đó có người chào bán thêm 2 cọp con cũng trong tình trạng bệnh bại chân. Qua thời gian chữa trị, một con chết, đàn cọp còn lại 6 con khỏãe mạnh và lớn nhanh. Chúng được đặt tên, chăm sóc bởi chính tay vợ chồng ông Tân từ nhỏ nên rất thân thiện và tỏ ra biết vâng lời. Bầy cọp được Chi cục kiểm lâm thường xuyên kiểm tra và cấp giấy khai sinh cho từng con.Gần sáu năm qua, 3 cọp mẹ sinh sản tổng cộng 23 con, nuôi đạt 13 con, có con hai năm tuổi đạt 200 - 300 kg (mỗi con trị giá cả tỷ đồng). Lứa sinh sản ban đầu được 5 con, do giao phối giữa hai con cùng đàn nên bị đồng huyết, không nuôi đạt. Có lứa cọp mẹ không nuôi con nên tỷ lệ sống chưa cao. Nhờ kinh nghiệm qua bốn lứa cho cọp sinh sản, lứa thứ năm vừa rồi (3 con) tỷ lệ nuôi sống đạt 100%. Bình quân mỗi lứa, cọp mẹ sinh 3 - 6 con. Đến nay, ông Tân hoàn toàn làm chủ quy trình quản lý sinh sản, chăm sóc cọp con và nuôi chúng trưởng thành nhanh chóng, đặc biệt là khả năng chữa khỏi bệnh bại chân rất khó trị thường xuất hiện ở cọp con. Bầy cọp trong chuồng thêm nhiều con trưởng thành và chuẩn bị cho lứa sinh sản tiếp theo. Với tổng đàn 19 con, ông Tân trở thành người duy nhất Việt Nam nuôi cọp với số lượng lớn đến nỗi nhiều vườn thú cũng phải ước ao. Ngoài ra ông Tân còn nuôi bầy gấu, báo gấm, chồn, công, cá sấu... để làm du lịch sinh thái.Cọp cũng lãng mạn!Bầy cọp 19 con được vợ chồng ông Tân theo dõi và 3 nhân viên “tay ngang” chăm sóc hàng ngày. Mỗi tháng ông tốn cả trăm triệu đồng nuôi lũ động vật này. Cọp lớn mỗi ngày ăn 7 - 8 kg thịt bò hoặc gà, hàng tuần được bồi dưỡng thỏ, gà sống. Cọp 3 tháng tuổi ăn 2 ký thịt, uống nửa lít sữa mỗi ngày.Ông nuôi chúng rất cẩn thận, bởi cọp con cho ăn no qua hay đói quá cũng chết. Cọp một tháng tuổi, mỗi ngày ăn 8 chim cút và uống nửa lít sữa. Nhiều đêm ông phải thức canh cho chúng "bú sữa bình". Một hôm mua phải chim cút lớn hơn bình thường, có con ăn hết nhưng vài giờ sau sình bụng rồi chết. Ông Tân khẳng định, cọp ăn uống rất vệ sinh, cọp mẹ sử lý hết chất thải của cọp con, cọp đi vệ sinh cũng kín như mèo, có chỗ có nơi. Khi thức ăn cho vô chuồng, con nào bắt được thì ăn chứ không tranh giành xâu xé nhau, thường con lớn ăn trước, con nhỏ đứng chờ.Chứng kiến mới thấy cọp ăn uống rất ý tứ, bắt gà sống rất nhẹ nhàng, gần như không làm tổn thương con mồi chút nào. Chúng tìm nơi yên tĩnh hoặc vào chuồng, con gà bị giam lỏng ở hai chân trước đẻ giỡn mồi.Gà cất tiếng la oang oác, lập tức cọp ta gầm gừ khiến chú gà điếng hồn. Vài lần như thế, con gà hết dám rục rịch. Thế là cọp thong thả nhổ nông, cho đến gần sạch mới bắt đầu xơi. Cọp gần như là không ăn da, mỡ cũng như ngũ tạng của gà hay vịt. Ông Tân cho biết, cọp rất nhạy bén với thịt mua ở chợ có ướp tẩm hoá chất bảo quản. Nhiều lúc chúng ngửi rồi bỏ không thèm ăn, con đói ăn vào thì đau bụng nôn ra hết. Thói quen của cọp còn tuỳ thuộc vào lúc cho ăn ban đầu, nhiều người cho ăn thịt tươi, người cho ăn thịt luộc, thậm chí còn cho ăn cơm. Cọp cũng giận hờn nữa đấy, hôm nào bị doạ nạt là không thèm ăn. Nhiều lúc chúng nằm chờ nghe năn nỉ một lúc mới lể tình.Có một hôm, mấy chú cọp đồng loạt "biểu tình" lừ đừ bỏ ăn. Đến tối, ông Tân vào thăm thì bất ngờ thấy mấy ông chúa sơn lâm kéo nhau ra khỏi chuồng... ngắm trăng. Ông vội cho người chuẩn bị khu vực rộng lớn, bố trí cấy cỏ như môi trường hoang dã nối liền với từng chuồng. Ngày khánh thành sân chơi tập thể này, lũ cọp reo mừng bổ nhào ra sân. Chiều bầy cọp ngắm trăng mà ông phải bỏ ra nửa tỉ đồng xây dựng sân chơi cho cọp và đảm bảo an toàn cho mọi người tham quan.Những tưởng chúa tể này chỉ biết gầm gừ, thật ra chúng cũng lãng mạn lắm. Ông Tân kể, lũ cọp háo hức khi trời mưa như lũ trẻ vậy, đùa giỡn trong nước, ngâm nước hàng giờ. Những đêm nào trăng sáng, anh em chúng kéo hết ra sân ngắm chị Hằng. Mỗi con một vẻ, nằm, ngồi, ngửa mặt thưởng thức trăng vàng rất trật tự. Từ cách nuôi này, khách tham quan không phải gặp chú cọp luôn lầm lì trong khung sắt mà được nhìn thấy bầy cọp đùa giỡn, vồ mồi và leo trèo rất thích thú. Trong khuông viên nuôi có trụ cây loại chắc để chúng mài móng vuốt, nếu không, vuốt ra dái đâm vào đệm chân không đi được, cọp sẽ chết dần.Cọp nuôi thân thiện từ nhỏ như chó, mèo thậm chí còn quyến luyến hơn. Mấy chú cọp con lẻo đẽo theo chân ông vô nhà, hôm trời nắng còn thích vào phòng máy lạnh nữa. Anh em nhà máy bia không lạ gì với chú cọp tự do đi lại trong khuôn viên. Chúng đùa giỡn với nhiều người, có lần đùa phải anh người làm là thương binh, mất thăng bằng anh ta té nhào, cọp bước tới khều mấy cái. Sau lần đó, ông Tân lo xa nên quyết định cho lũ cọp vào chuồng.Cọp cái thường thích anh cọp cao lớn, nên chàng Simba luôn được các nàng cọp để ý. Tuy vậy nhưng cọp cũng rất chung tình, khi yêu chàng nào rồi chỉ theo mỗi một anh mà thôi. Chúng không bao giờ chịu chung chạ với nhiều gã si tình, thậm chí còn đánh trả.Một con cọp cái trong điều kiện nuôi tự nhiên, sau ba năm có thể tìm bạn tình. Mỗi lần gần bạn tình kéo dài hơn một tuần, chúng quấn quýt bên nhau đến… 60 - 80 lần/ngày và chỉ sau 5 - 10 phút. Do tính “cực nhạy, cực dai” của cọp đực mà nhiều người săn tìm “pín cọp” với giá bạc triệu ngâm rượu. Cọp có chửa khoảng 3 tháng 10 ngày sinh con. Chúng chọn nơi kín đáo để sinh, lúc này cọp rất nhát, chỉ cần tiếng động, có bóng người là ngừng đẻ, thậm chí bỏ chạy. Có nàng cọp đang đẻ bị chụp ảnh nên bỏ con không thèm nuôi. Những lúc cọp đẻ ông phải thức trắng đêm chăm nom từng con, sẵn sàng cứu hộ khi có dấu hiệu mẹ không nuôi. Ông Tân cho người ghi lại đoạn phim độc đáo, không dễ mấy ai có được. Đó là toàn cảnh cọp mẹ “hạ san” cọp con. Cọp con sinh ra, nhiều lúc bị cọp mẹ từ chối không nuôi, nếu không có người chăm sóc sẽ chết. Nhiều người cho rằng có lẽ cọp mẹ chỉ nuôi những con khỏe mạnh không bệnh tật mà thôi. Cọp cũng khá lạ, nếu cọp mẹ thiếu sữa hay yếu đi thì cọp con mau biết ăn (30 ngày), ngược lại hơn 3 tháng sau mới thèm tập ăn.Đến nay, việc cho cọp đẻ ở Việt Nam quả là hiếm, kể cả vườn thú lâu năm, vì vậy ông Ngô Duy Tân có công lớn góp phần bảo vệ loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.Ông Tân sẽ có những lứa cọp tiếp theo, đó là chuyện dễ dàng. Thiết nghĩ, cần cho phép hình thành một vườn thú tư nhân có sự quản lý giám sát chặt chẽ, để góp phần bảo tồn loài động quý, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu.

No comments:

Post a Comment