Friday, October 23, 2009

Tây Bắc VN

Tây Bắc - Những con đường lúa

TTO - Tháng 9, Tây Bắc mướt xanh và óng ánh vàng, ấy là khi lúa trên nương và trên ruộng bậc thang bắt đầu vào cuối vụ. Tây Bắc lại như một lời mời gọi không thể cưỡng lại với bước chân lữ khách, bất kể khi có ai đó có thể bật cười với mục đích chuyến đi: “thăm lúa”.

Kỳ vĩ ruộng bậc thang Sa Pa

Những thửa ruộng bậc thang hiện hình bên quốc lộ 4D ngược lên Sa Pa như những bức tranh vô vàn kiểu dáng. Bà con người Dao, Giáy, Mông... ở Sa Pa tự hào rằng: “Ruộng bậc thang là cái bồ thóc quý giá của người vùng cao. Cái bồ thóc đó đẹp nhất khi vừa khai ruộng, nước đang về đầy; khi lúa vừa lên xanh và khi lúa đã chín vàng”.

Sau trên 100 năm ra đời, giờ đây vẻ đẹp của ruộng bậc thang Sa Pa đang trong quá trình đi ra với thế giới để trở thành di sản để đời.

Kỳ 1: Ruộng 121 bậc thang

TT - Cũng như mọi du khách cả Tây lẫn ta khi lên Sa Pa, dọc đường chúng tôi dừng xe lại, lấy máy ảnh ra chụp những thửa ruộng bậc thang mơn mởn xanh trên sườn đồi. Người nào không có máy ảnh thì đứng ngắm với vẻ thích thú, xuýt xoa: Vì sao giữa lưng chừng đồi núi ruộng lúa lại có thể mọc lên đều đến thế?

Nhiều người còn nói chắc hẳn khi khai ruộng, người nông dân vùng cao có hứng khởi lắm nên mới “vẽ” được những thửa ruộng bậc thang đẹp đến kỳ lạ như vậy.

Thửa ruộng 121 bậc thang ở thôn Vù Lùng Sung -Ảnh: Vũ Toàn

Ruộng bắc lên trời

Đang mải miết giong xe máy lên dốc, chúng tôi sửng sốt khi thấy một thửa ruộng xanh rờn từ dưới khe đá phủ lên sườn núi cao ngất rồi mất hút trong sương rừng. Đó là thửa ruộng của người Mông thuộc thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải của Sa Pa. Bạn đọc tạp chí du lịch Travel and Leisure của Mỹ vừa bình chọn thửa ruộng này là một trong bảy thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới. Thửa ruộng cao đến 121 bậc, bậc nào cũng xanh màu lúa non vừa bén rễ. Hai bờ chân ruộng choãi ra, ở giữa hóp lại rồi lại hơi nở ra phía trên giống hệt hình chiếc thang bắc lên trời.

Xung quanh thửa ruộng cao nhất này là nhiều thửa ruộng mang hình hài khác nhau, thửa nào cũng gợi một vẻ đẹp quyến rũ. Có thửa chỉ vài chục bậc thang nằm vắt vẻo bên mé đồi như những ngón tay cong đều đặn (nếu không là ruộng bậc thang thì đây chỉ là một sườn đất bỏ hoang). Có thửa vút lên thẳng tắp theo hình chóp nón để lộ những bậc tam cấp uốn cong như những cánh cung đất. Có thửa lúa đã lên xanh. Có thửa vừa mới khai xong, nước từ khe đang chảy về hòa vào ruộng màu đất đỏ chói sau khi đã được bừa ngấu đất. Màu xanh ruộng lúa hòa lẫn với màu xanh cây rừng tạo thành một màu xanh bất tận. Chỉ khác là màu xanh cây lúa trên ruộng bậc thang cứ khiến người ta nghĩ về một kỳ tích độc đáo do bàn tay người nông dân cần cù ở đây tạo nên, không dễ nơi nào cũng có được.

Ngược lên vài trăm mét, chúng tôi quyết định lội qua suối, trèo lên một thửa ruộng bậc thang thẳng tắp trên sườn núi, nơi có những ống nứa nhỏ xếp thẳng hàng giữa từng bậc thang đang dẫn nước từ trên đỉnh rừng chia đều cho từng vạt ruộng. Nghe tiếng nước róc rách chảy qua từng bậc đất, gốc lúa rồi chảy quanh thửa ruộng khiến lòng người thanh thản lại giữa chốn núi rừng.

Một góc thung lũng Mường Hoa -Ảnh: Hồng Thảo

Thung lũng Mường Hoa

Vượt xã Trung Chải hơn 20km, chúng tôi đi qua hàng trăm thửa ruộng bậc thang đang bắc giữa lưng chừng trời để đến với vô số thửa ruộng bậc thang khác trải dài dưới thung lũng Mường Hoa của người Giáy thuộc xã Tà Van, phía đông nam thị trấn Sa Pa. Đó là thung lũng nằm hai bên con suối Mường Hoa chảy dài như một cánh tay khổng lồ, khúc khuỷu giữa hai dãy núi hùng vĩ.

Càng về chiều nắng trời như muốn đổ vàng xuống cả lũng núi. Tại đây, ruộng chạy quanh đồi như những vòng tay ôm. Bên mé đồi hoặc giữa đỉnh đồi có vài ba mái nhà nhỏ đơn sơ cũng nằm lọt giữa sóng lúa vây quanh. Thật khó tìm thấy ở nơi này những khoảng đất bỏ hoang, hễ có đất là có ruộng bậc thang và lúa. Hình như những thửa ruộng bậc thang đa dạng có thể biến những ụ đất, rẻo đất xấu xí tưởng như vô dụng trở thành từng thửa ruộng có hồn, có vía. Chả trách từng tốp khách du lịch đi xe thồ từ Sa Pa xuống đây rồi đứng, ngồi, nằm đủ tư thế bên vệ đường, chĩa máy ảnh xuống Mường Hoa bấm tanh tách.

Xuống trung tâm Mường Hoa, chúng tôi tìm gặp ông Sần Cháng, người Giáy, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Lào Cai đã nghỉ hưu, nay về lại ngôi nhà nằm giữa những ruộng lúa bậc thang cạnh suối Mường Hoa. Ông Cháng nói ở đây không lạnh buốt như ở Sa Pa, lại có khe, có suối, đặc biệt là có ruộng bậc thang tạo nên môi trường sinh thái thoáng đãng, vì thế khách du lịch châu Á, châu Âu rất thích đến đây. Ban ngày họ leo lên núi ngắm thung lũng, đêm về ngủ trong nhà dân để thưởng thức những tiết mục văn nghệ dân gian của thôn bản. Khi cần dùng Internet, họ chỉ cần mở máy tính xách tay ra là nối mạng được ngay vì đây là “thôn không dây”.

Ông Cháng dẫn chúng tôi đi tham quan thửa ruộng bậc thang do chính vợ chồng ông làm. Theo ông Cháng, từ khi có người Giáy, Dao, Mông sinh sống ở Mường Hoa cũng là lúc bắt đầu có ruộng bậc thang. Dòng họ ông Cháng đã bảy đời ở tại thung lũng này, có nghĩa ruộng bậc thang có cách đây hơn 100 năm. Hình ảnh những thửa ruộng bậc thang được người xưa khắc lên tảng đá cổ trong bãi đá cổ cách đây hàng trăm năm ở xã Bản Hồ bên dòng Mường Hoa là một dẫn chứng. Nhưng khai thác ruộng bậc thang không ai bằng người Hà Nhì và người Mông. Chính thửa ruộng 121 bậc ở thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải có lịch sử lâu đời nhất ở Sa Pa, do cha con một người Mông khai mở. Hiện ông Lò Quẩy Vảng, đời thứ tư của dòng họ này, vẫn sống khỏe.

Đề nghị ruộng bậc thang Sa Pa là di sản văn hóa thế giới

Tạp chí du lịch Travel and Leisure của Mỹ đã bình chọn và công bố bảy thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới, gồm: vùng Banaue (Philippines), vùng Nguyên Dương ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), khu Long Tích ở tỉnh Quế Lâm (Trung Quốc), vùng Mae Rim ở Chiang Mai (Thái Lan), vùng Annapurna (Nepal), vùng Ubud (Indonesia) và Sa Pa của VN. Đây là loại hình canh tác độc đáo trong sự tồn tại và phát triển của nông nghiệp truyền thống, do bàn tay người nông dân vùng cao khai thác và kiến tạo ở độ cao 700-1.500m so với mặt biển. “Vì thế nó xứng đáng được tôn vinh là di sản để đời”, tạp chí này viết.

Ông Trần Hữu Sơn, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao - du lịch Lào Cai, cho biết tỉnh sẽ đề nghị Bộ Văn hóa - thể thao - du lịch xem xét và công nhận ruộng bậc thang ở Sa Pa là di sản văn hóa quốc gia vào năm 2010. Sau đó sẽ lồng ghép với bãi đá cổ Mường Hoa (đã được công nhận di sản quốc gia) và vườn quốc gia Hoàng Liên (đã được công nhận là di sản ASEAN) để đề nghị UNESCO công nhận đây là cụm di sản văn hóa thế giới.

Kỳ 2: 100 năm mở ruộng - Tài sản vô giá

Sau hai giờ cuốc bộ trên con đường mòn dốc ngược theo mé rừng quanh co, chúng tôi lên tới đỉnh Vù Lùng Sung. Nghe gõ cửa, ông Vảng ra đón khách rồi tiếp ngay mỗi người một chén rượu trấu (rượu nấu bằng lúa Mông) bảo: “Uống là hết mệt ngay, loại rượu đặc biệt của Vù Lùng Sung đấy, dưới xuôi không có đâu”.

Ông Vảng năm nay 71 tuổi nhưng dáng vẻ còn nhanh nhẹn từ ánh mắt đến bước đi. Ông từng làm chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Trung Chải, sau về hưu làm trưởng thôn Vù Lùng Sung. Ông giải thích: “Ngày xưa người ta gọi nơi này là đỉnh rừng con hổ vì có một con hổ xám thường ra đây nằm phục, ăn thịt gia súc của người Mông. Đó là thời của cố nội tôi, lúc ấy thôn chỉ mới có ba nhà thôi chưa đông đúc như bây giờ”.

100% hộ nông dân ở Sa Pa làm ruộng bậc thang

Ông Nguyễn Xuân Cường - trưởng Phòng Kinh tế huyện Sa Pa - khẳng định như vậy sau khi nêu những dẫn chứng thuyết phục: huyện Sa Pa hiện có khoảng 4.000 hộ (25.000 người bao gồm các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy) sinh sống nhờ vào ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang chiếm 100% diện tích trồng lúa toàn huyện với 2.490ha, năng suất bình quân đạt 45,6 tạ/ha (cao gấp ba lần so với làm lúa cạn). Thu nhập bình quân của một hộ nông dân đạt 23 triệu đồng/ha/năm (năm 1998-2000 chỉ đạt 8-10 triệu đồng/ha/năm).

Cố nội ông Vảng là cụ Lò Chỉn Xin. Từ thời cố Xin đến đời cháu nội ông Vảng bây giờ là sáu đời. Bình quân một đời nối nhau 25 năm thì từ đó đến nay đã 150 năm.

Ông Vảng nhớ lại: “Thời đó, cố Xin thấy người Mông sống du cư du canh, chủ yếu phát rừng làm nương để tỉa lúa. Vài ba năm sau phải thay nương vì đất hết màu mỡ, họ dời nhà đi nơi khác, phát rừng khác tạo nương mới. Làm ăn kiểu đó vừa tốn công sức vừa làm hại rừng ghê lắm. Tôi không dám chắc có phải từ đó mà cố Xin nghĩ ra cách làm ruộng bậc thang hay không, chỉ biết khi ông nội ra ở riêng thì cố Xin chia cho thửa ruộng bậc thang để làm vốn sinh sống. Sau đó ông nội chia ruộng cho cha tôi rồi đến lượt con cháu tôi đều được tôi chia ruộng khi xây dựng gia đình”.

Theo ông Vảng, bất kể người Mông hay người Giáy, người Dao không bao giờ họ bán ruộng bậc thang của mình, mặc dù nhiều người vùng khác đến tìm mua. Ruộng được xem là tài sản vô giá. Người dân vùng cao thường có khá nhiều con, ví như ông Vảng có hai vợ sinh mười trai, bảy gái, ruộng bao nhiêu cũng khó đủ để chia đều cho con cái nên không nghĩ đến chuyện bán ruộng.

Ông Vảng cho biết thêm: “Ruộng bậc thang bắt đầu phát triển rộng khắp cách nay 80 năm. Chính thửa ruộng 121 bậc của tôi được bố là Lò Phủ Quẩy chia cho. Bố tôi và hai người chú ruột là Lò Phủ Thìn, Lò Phủ Ngan nổi tiếng mở ruộng bậc thang đẹp nhất vùng. Hiện những thửa ruộng xung quanh thửa 121 là gia tài của anh em họ Lò để lại cho con cháu trong 12 hộ gia đình”.

Bà con nông dân Sa Pa gặt lúa mùa - Ảnh: Hồng Thảo

Nhiều ruộng sẽ giàu lên nhưng vẫn giữ được rừng

Ngoài anh em họ Lò, thôn này còn có họ Lý, họ Phàn với 68 hộ gia đình quần tụ. Họ nào cũng có người làm ruộng bậc thang giỏi. Họ Lý có gia đình ông Lý Xà Thìn với bảy lao động, mỗi mùa thu hoạch cỡ 100 bao thóc (mỗi bao thóc tương đương 40kg), đủ ăn quanh năm. Họ Lò tiêu biểu nhất ông Lò Diếu Dùng (phó công an xã) cũng có bảy lao động, thu hoạch 110 bao mỗi mùa. Họ Phàn có Phàn Chỉn Phủ (vợ là phó hội phụ nữ xã) được xem là ngang tài, ngang sức với người làm ruộng tăm tiếng của họ Lò.

Ông Vảng cho hay sở dĩ 80 hộ trong thôn đều đủ lúa ăn là nhờ ruộng bậc thang. Sau khi gặt lúa cuối tháng tám, đến tháng hai năm sau hộ nào cũng tranh thủ trồng ngô trên ruộng bậc thang để tháng năm tiếp tục quay vòng trồng vụ lúa mới. Ông Vảng nói: “Bây giờ không chỉ đủ lúa ăn mà có hộ còn dư lúa để bán. Không như ngày xưa, dân Mông phải xuống núi, đi bộ ra tận thành phố Lào Cai xa hơn 20km mua sắn về ăn thay cơm, cơ cực lắm”.

Bây giờ dù tuổi cao nhưng ông Vảng vẫn cùng con cháu làm ruộng bậc thang. Ông nói phải dạy cho con cháu từ bé, con người không phải lúc nào cũng cậy vào sức khỏe, quan trọng là biết học hỏi kinh nghiệm thì mới biến ruộng bậc thang giữa mưa nắng thành cái bồ thóc của nhà mình.

Một bài học mà ông Vảng truyền lại cho con cháu là ruộng bậc thang sống được nhờ nguồn nước từ khe, suối nên khi mở ruộng phải biết cách giữ đỉnh rừng đầu nguồn. Không như trước đây, hễ thấy vùng rừng nào có cây gỗ to là hạ hết. Có vùng rừng già cả thôn ra giữ nhưng vẫn không ngăn được nạn tàn phá rừng. Ngược lại, một ưu điểm của ruộng bậc thang khi có mưa là giữ được nước nên giữ được độ ẩm cho rừng.

Ông Vảng nêu một dẫn chứng: “Ở Sa Pa rét quanh năm, có những tháng rét đậm, trâu bò không tài nào sống nổi. Chăn nuôi khổ hơn trồng lúa nhiều. Vì thế phải biết lấy năng suất cây lúa để bù vào lỗ hổng chăn nuôi”. Nói đoạn ông ra hiên vác cái cuốc con bướm cùng đứa cháu nội mang rựa ra chăm thửa ruộng bậc thang phía trước nhà.

Kỳ 3: “Nghệ nhân” ruộng bậc thang

Việc này ông Vảng cho biết ông Mã A Cháng ở thôn Móng Sến 2, xã Trung Chải là một “nghệ nhân” kỳ tài của Lào Cai. Phó chủ tịch xã Trung Chải Chảo Pết Lẩy nói tuy đã 67 tuổi nhưng ông Cháng ít khi chịu ngồi trên đỉnh núi mà thường đi mở ruộng thuê từ Sa Pa sang huyện Bát Xát, huyện Mù Căng Chải. Cầm hòn đá vạch xuống đất, vẽ đường vào Móng Sến 2, phó chủ tịch xã nói: “Qua Móng Sến 1 là sang Móng Sến 2. Sau 15 phút đi xe máy, còn lại đi bộ thêm ba giờ nữa mới tới nhà ông Cháng trên đỉnh núi”. Cũng nhờ những chuyện kể dọc đường về “nghệ nhân” này và qua nẻo rừng nào cũng gặp những thửa ruộng bậc thang xanh lúa (đa số là sản phẩm do ông Cháng khai mở) nên cả ba chỉ dừng nghỉ vài phút trong chặng hành trình đi tìm “nghệ nhân”.

Đời mở ruộng

Ông Cháng là người Mông nhưng nói thạo tiếng Dao, tiếng Giáy vì ông không nhớ đã mở bao nhiêu thửa ruộng cho người Giáy, người Dao. Nghe chúng tôi gọi “nghệ nhân”, ông liếc mắt cười, xua tay bảo: “Ta là kẻ đi làm thuê mà. Đói ăn thì đi làm cho người ta để kiếm cái ăn cái mặc thôi”.

Năm 16 tuổi, ông Cháng mồ côi cả cha lẫn mẹ. Kể từ đó ông bắt đầu cuộc đời đi làm thuê vì ông là con đầu của gia đình bảy anh em không có cả muối để ăn cơm. Nhưng để được người ta thuê lần đầu tiên không dễ, họ vào tận ruộng nhìn tận mắt ông biến cái dốc núi trở thành từng bậc ruộng bằng ngăn ngắt thì họ mới thuê. Chuyến đầu tiên ông đi mở ruộng ở xã Phình Ngan, huyện Bát Xát (Lào Cai) với một cái túi quàng chéo trước ngực, một cái cuốc vác vai. Trong túi chỉ có một gói cơm, bao thuốc lào, cái bật lửa và tấm nilông. Sau 15 ngày ông khai xong thửa ruộng gieo được 10kg giống, được chủ khen và thưởng thêm tiền công.

Rời Phình Ngan ông sang Suối Tủng, Xủng Hoảng làm tiếp. Nơi nào ruộng xa nhà chủ thì ông làm lán trú, vừa làm vừa bảo vệ ruộng. Cứ thế, ông đi liên miên năm này qua năm khác. Cách nay một tháng, ông còn đi mở thửa ruộng gieo 25kg giống ở xã Pờ Xì Ngài. Ông kể: “Sau khi tôi trở thành thợ, người có nhu cầu mở ruộng không cần phải lần đường vào Móng Sến 2 để thuê mà gửi thư tay hoặc qua bưu điện. Có ngày tôi nhận được ba thư, phải khăn gói lên đường ngay mới phục vụ kịp nơi này nơi kia”.

Cuộc đời đi mở ruộng cũng có lúc vui lúc tủi. Lúc vui là mở ruộng cho cả dân thường và chủ tịch huyện Sa Pa Má A Châu, trưởng công an huyện Chang A Chỉnh. Vui nhất là thi thoảng được cả dân và chủ tịch huyện đãi cơm nếp. Còn chủ nhà đã cho ăn đói lại giả vờ kêu thợ làm không tốt để bớt xén tiền công thì tủi, khổ lắm. “Đã là thợ, khắc làm thì khắc có ăn. Làm dối có nghĩa tự làm đói mình, dại gì” - ông dằn vặt.

Một thửa ruộng bậc thang mới mở ở Sa Pa - Ảnh: Ngọc Bằng

Niềm tự hào

Khi được nhiều người thuê, ông Cháng rủ thêm con rể, các cháu và bạn đi làm. Lúc ấy ông được lên chức “chỉ huy”. Ông nói người chỉ huy phải chịu trách nhiệm làm những công đoạn khó nhất khi mở một thửa ruộng như giữ bờ ruộng cho chắc, nước không thể “dột”; san đất cho bằng; xẻ bờ khi cong, khi thẳng nhưng phải thật chuẩn; chọn vị trí thông nước dích dắc từ ruộng cao xuống ruộng thấp (nước nhỏ trổ lỗ thẳng, nước to trổ lỗ xen kẽ) để luôn giữ được nước trong mùa hạn nhưng không ngập úng, gây xói lở ruộng trong mùa mưa.

Ông Cháng nêu tiếp kinh nghiệm: nếu đất bằng thì mở từ dưới lên, nhưng đối với vùng đất dốc có nhiều đá thì phải mở từ trên xuống để tránh những tảng đá to rơi từ trên xuống sẽ gây chết người hoặc phá nát ruộng. Tuy dụng cụ mở ruộng đơn giản chỉ có cái cuốc bướm (lưỡi cuốc lõm ở giữa theo chiều dọc) để tạo bờ cong, cuốc lưỡi gà để tạo bờ thẳng, xà beng để đào gốc cây, rựa để phát cây tạp. Riêng lưỡi cày càng nặng càng tốt vì sẽ cày được sâu, diệt được cả gốc cỏ tranh hoặc rễ cây rừng. Kiêng nhất là làm tạp nham khiến thửa ruộng xấu xí.

Trước khi khai ruộng phải đi tìm nguồn nước (có khi phải đi xa hàng cây số mới “bắt” được nước về). Nước còn có tác dụng như cái livo - thước đo cân bằng - của thợ xây dựng để nước chảy đến đâu mặt ruộng được thăng bằng ở đó. Kể đến đây ông Cháng tự hào: “Bây giờ quen rồi, chỉ nhìn một lần cũng cân bằng được mặt ruộng phẳng tăm tắp rồi mới bắt đầu giục trâu cày, bừa cho thật ngấu đất, hai tháng sau cắm cây mạ vào là chắc ăn”.

Từ một mình ông Mã A Cháng đi làm thuê, nay đã có hàng chục người (chủ yếu là thanh niên) ở Móng Sến 1 và Móng Sến 2 chuyên nghề đi mở ruộng với niềm tự hào không hề thua kém người Hà Nhì ở xã Ý Tí, huyện Bát Xát - nơi có những thợ mở ruộng nổi tiếng cả vùng Tây Bắc. Họ chính là những người đã góp tay làm nên những thửa ruộng diệu kỳ ở Sa Pa bao năm qua.

Ruộng bậc thang phát triển, chấm dứt cảnh di cư tự do

Theo Ban Dân tộc Lào Cai, trước đây người dân tộc ở Sa Pa chủ yếu phát nương làm rẫy, trồng lúa nương, trồng ngô để lấy cái ăn. Từ năm 1998 đã chấm dứt cảnh phát nương đốt rừng, nhờ đẩy mạnh phong trào làm ruộng bậc thang, trồng ngô và rau sạch đã chấm dứt cảnh di cư tự do vào Tây nguyên, sang Lai Châu. Nếu không có ruộng bậc thang thì rừng Sa Pa sẽ bị phát trụi. Nguy cơ vườn quốc gia Hoàng Liên bị tàn phá. Khu vực rừng Toòng Sành, Bản Xèo của huyện Bát Xát (Lào Cai) cũng có nguy cơ bị xâm lấn để làm nương rẫy.

Ở VN, ngoài Sa Pa, ruộng bậc thang có rải rác ở huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai. Tại Yên Bái, ruộng bậc thang tập trung ở ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Zế Xu Phình thuộc huyện Mù Cang Chải. Tại đây có 500ha, năng suất bình quân hơn 4 tấn/ha. Tháng 10-2007 toàn bộ số ruộng bậc thang này đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Ngoài ra ở hai tỉnh Hòa Bình, Hà Giang cũng có những thửa ruộng bậc thang chưa được nhiều người biết đến.

Kỳ 4: Từ Sa Pa ra thế giới

"Đã giữ là phải giữ bền vì thiếu ruộng bậc thang thì Sa Pa thiếu đi một phần hồn vía của con người và thiên nhiên của xứ sở này. Chúng tôi phấn đấu trong năm 2009 ruộng bậc thang sẽ trở thành di sản quốc gia. Tiếp đó sẽ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới"...Đó là phát biểu của tiến sĩ Trần Hữu Sơn, giám đốc Sở Văn hóa - thông tin & du lịch tỉnh Lào Cai, đang là người đảm trách công việc nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - thông tin & du lịch công nhận ruộng bậc thang ở Sa Pa là di sản quốc gia. Sau đó, đề xuất Cục Di sản và các cơ quan liên quan đề nghị UNESCO công nhận quần thể ruộng bậc thang Sa Pa - bãi đá cổ Mường Hoa - vườn rừng Hoàng Liên Sơn là di sản thế giới.

Ông Sơn cho biết:

- Thật khó có thể biết chính xác thời điểm khai sinh của ruộng bậc thang ở nước ta. Theo nghiên cứu của một số tài liệu khảo cổ về những dấu vết của mương cổ dài gần mười mét nằm trong hệ thống mương đào dài hơn 10km (có những đoạn mương khá kiên cố) tại xã Ý Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai), đó là dấu vết khai mở cổ xưa nhất của hình thái ruộng bậc thang ở vùng Tây Bắc, cách nay hơn 100 năm. Hệ thống mương này có chức năng dẫn nước từ xa đến ruộng bậc thang của người Hà Nhì.

Trên nhiều tảng đá cổ thuộc bãi đá cổ ở xã Hầu Thào (phía đông nam Sa Pa) có nhiều hình khắc về ruộng bậc thang chứng tỏ ruộng bậc thang đã xuất hiện ở Lào Cai khá lâu. Theo tôi biết, hiện còn nhiều ruộng bậc thang ở Sa Pa đã 100-200 năm tuổi.

Riêng ở Sa Pa, chủ nhân lâu đời của những thửa ruộng bậc thang 121 bậc tại thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải cũng không xác định được một cách “chính sử” về sự xuất hiện ban đầu của ruộng bậc thang. Trong khi đó, hơn 10km2 ruộng bậc thang Banaue trên vùng núi Fugao cách mặt biển 1.500m của Philippines được xác định cách nay 2.000 năm. Những thửa ruộng này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1995.

* Ruộng bậc thang có những ưu điểm gì, thưa ông?

- Khi lý giải vì sao ruộng bậc thang xuất hiện tại một số vùng núi cao ở nước ta, một số tộc người Mông, Dao, Hà Nhì, La Hủ ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu cho biết do vùng núi cao hiếm đất bằng để canh tác, nhất là trồng lúa nước, vì thế họ tìm cách khắc phục bằng cách chọn các sườn núi có đất màu, bạt thành bậc tam cấp để tạo nên những vạt đất bằng đa dạng về kích thước, chênh nhau về độ cao, chạy theo sườn núi. Sau đó tìm nguồn nước dẫn vào ruộng (dẫn thủy nhập điền) theo hệ thống thủy lợi dân gian khá tinh vi để làm mềm đất phục vụ việc cày, bừa dễ dàng. Đây chính là phương thức canh tác, xây dựng đồng ruộng lúa nước trên đồi núi khá hiệu quả.

Ruộng bậc thang giữ nước rất tốt nên giữ được phân bón, theo đó giữ độ ẩm cho rừng. Dù mưa hay nắng, ruộng bậc thang luôn giữ được lưu lượng, cường độ dòng chảy, hạn chế xói mòn nên độ màu mỡ của đất rừng không bị rửa trôi.

Đa số ruộng bậc thang ở Sa Pa đều sử dụng giống lúa lai nhị ưu (838), bắc ưu (903) của Trung Quốc và VL 20 (giống lúa lai tạo, chịu hạn giỏi của Lào Cai) nên năng suất đạt khoảng 5,5 tấn/ha, cao hơn nhiều so với giống lúa địa phương. Như vậy, ruộng bậc thang càng nhiều càng tạo việc làm cho nhiều lao động. Đây là điều kiện quan trọng để hạn chế nạn đốt rừng làm rẫy và lối sống du cư du canh của một số tộc người.

Một kiểu làm sạch lúa từ ruộng bậc thang ở Sa Pa - Ảnh: Vũ Toàn

* Việc khai mở ruộng bậc thang không dễ. Có phải vì thế nên đa số lao động trên ruộng bậc thang là nam giới?

- Ngày xưa, một gia đình không thể khai mở được ruộng bậc thang vì núi cao, rừng rậm mà phải nhiều nhà hợp sức lại hoặc cả dòng họ cùng phân công nhau làm. Có nơi hình thành các tổ “đổi công” tự phát huy động trai gái của cả làng đi làm ruộng bậc thang, nhưng thành phần khai phá chỉ là nam giới. Cách nay khoảng 30 năm người ta còn thấy nam giới không chỉ đi cày, bừa mà còn đi cấy trên ruộng bậc thang. Sau này nhiều địa phương có cả phụ nữ và trẻ em cùng tham gia làm ruộng đông như ngày hội làng.

* Hiện 100% diện tích canh tác lúa ở Sa Pa đều bằng ruộng bậc thang. Vậy tại sao các vùng núi của nhiều tỉnh khác, đặc biệt vùng núi cao như Thanh Hóa, Nghệ An... lại không thấy có ruộng bậc thang xuất hiện?

- Ruộng bậc thang rất quan trọng với người miền núi vì gạo không chỉ là nguồn lương thực chính mà còn để trao đổi, buôn bán. Gạo đối với các tộc người vùng cao còn chứng minh sức mạnh gia tộc, là nguồn sống của tộc người. Ruộng bậc thang là loại hình canh tác đặc biệt của vùng Đông Nam Á, vì nó là sự thích nghi trọn vẹn ý muốn của con người vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với thiên nhiên trong sự tôn trọng, bảo vệ môi trường.

Việc ruộng bậc thang chưa phổ biến khắp các tỉnh vùng núi cao ở nước ta có lẽ là do tập quán canh tác cũ của người miền núi, trong lúc các địa phương chưa thật sự quan tâm thay đổi tập quán ấy theo chiều hướng có lợi không chỉ cho riêng từng địa phương.

* Ruộng bậc thang có sức hút với du khách nước ngoài ra sao, thưa ông?

- Năm nào cũng có đông du khách trong và ngoài nước lên Sa Pa bằng tàu hỏa và xe du lịch từ Hà Nội. Năm 2007 có khoảng 305.000 lượt người. Sáu tháng đầu năm nay có 180.000 lượt người. Không ít du khách đã bị các thửa ruộng bậc thang Sa Pa hút hồn vì cảnh trí độc đáo và sản phẩm của nó. Chắc chắn sau khi ruộng bậc thang ở Sa Pa trở thành di sản thế giới thì lực hút của nó sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

* Để ruộng bậc thang giữ được dáng vẻ độc đáo, khoe sắc, theo ông cần phải làm gì?

- Đó là câu chuyện cần phải tính ngay từ bây giờ vì Sa Pa không thể nằm ngoài xu hướng đô thị hóa với mật độ dân số ngày càng tăng. Mà đã giữ là phải giữ bền vì thiếu ruộng bậc thang thì Sa Pa thiếu đi một phần hồn vía của con người và thiên nhiên của xứ sở này. Chúng tôi phấn đấu trong năm 2009 ruộng bậc thang sẽ trở thành di sản quốc gia. Tiếp đó sẽ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Chúng tôi đang phát động cuộc thi sáng tác nhiếp ảnh về ruộng bậc thang. Ngay trong tháng 10 sẽ có một cuộc trưng bày về vẻ đẹp của ruộng bậc thang tại Sa Pa. Đồng thời chúng tôi cũng kiến nghị trong công tác quy hoạch sẽ định hướng bảo tồn các khu ruộng bậc thang. Hiện nay sở đang tiến hành mô hình bảo tồn hệ thống ruộng bậc thang tại làng Cát Cát cách thị trấn Sa Pa 11km.

* Ông Nguyễn Thọ Cảnh (giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An): Nghệ An cũng muốn làm ruộng bậc thang, nhưng...

Khi lên một số tỉnh phía Bắc tìm hiểu về cây chè, chúng tôi được nghe giới thiệu về ruộng bậc thang ở Sa Pa, Yên Bái, Hà Giang. Nhận thấy những ưu điểm vượt trội của ruộng bậc thang, chúng tôi đã tham khảo ý kiến Ban dân tộc cùng các huyện miền núi trong tỉnh Nghệ An và chuẩn bị tổ chức cho già làng, trưởng bản tại địa phương đang tồn tại tập tục đốt rừng làm nương rẫy đi tham quan. Nhưng kết quả không thành. Lý do, các già làng, trưởng bản cho rằng từ xưa vùng núi cao Nghệ An không có tập quán làm ruộng bậc thang nên bây giờ làm rất khó.

Tuy vậy, chúng tôi đang tập trung xem xét phương án làm ruộng bậc thang vì thay đổi tập quán cũ thành phương thức canh tác mới, độc đáo và hiệu quả là cuộc cách mạng rất cần thiết đối với nông nghiệp miền núi. Đặc biệt, nếu có ruộng bậc thang thì sẽ xóa sổ 14.000ha rừng bị đốt làm rẫy hằng năm và cung cấp đủ gạo cho người dân vùng cao, tạo được cảnh quan kỳ vĩ như ở Sa Pa.

Đẹp, bền vững và thân thiện

Không chỉ cây lúa

Ông Lê Huy Ngọ -Ảnh: Đ.BÌNH

Thời tôi nghĩ ngợi nhiều về công trình ruộng bậc thang và bắt đầu theo đuổi hình thức canh tác độc đáo này là năm 1968, khi đang làm trưởng Ty Nông nghiệp tỉnh Phú Thọ. Hồi đó ngành nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh Phú Thọ phát động phong trào “Tiến quân lên đồi, phá xiềng ba sào” (mỗi nhân khẩu chỉ có ba sào đất nông nghiệp) bằng cây sắn và cây chè để góp phần giải quyết vấn đề lương thực cho tỉnh. Vì cứ luẩn quẩn với ba sào đất ấy nông dân sẽ đói ăn, đói mặc là cái chắc.

Nhưng khó khăn nhất của phong trào này là nông dân phải kiên quyết phá bỏ lề lối làm ăn cũ, lạc hậu như đốt rừng làm rẫy bằng cách làm ruộng bậc thang (đối với vùng cao) và nương bậc thang (đối với vùng thấp) để trồng sắn, chè theo kinh nghiệm đã có hàng chục năm của nông dân xã Lâm Vi, huyện Lâm Thao hoặc ở xã Đại An, huyện Thanh Ba (Phú Thọ). K

hó khăn này vừa được giải quyết thì khó khăn khác ập đến ngay. Đó là công đầu tư ban đầu cho nương, ruộng bậc thang khá cao trong lúc người nông dân quá nghèo. Vì thế Phú Thọ phải phát động phong trào này đến ba lần, đến năm 1970 tỉnh Vĩnh Phú (khi đó đã sáp nhập từ hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc) mới thành công với chính sách giao khoán rừng cho hộ gia đình quản lý. Lúc đó nương sắn, nương chè của hợp tác xã mới trở thành ruộng, nương bậc thang của từng hộ gia đình. Chính sách khoán hộ đã mở đường cho hộ sản xuất mạnh dạn dồn sức đầu tư về vốn và công sức cho hình thức canh tác mới là ruộng, nương bậc thang.

Bước đột phá này đã tạo được chiều sâu của phong trào nên bấy giờ nông dân quê tôi vẫn tiếp tục làm theo hướng đó. Thực tế từ Phú Thọ đã giúp tôi (thời làm bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) nghĩ đến an ninh lương thực đối với người nông dân vùng cao phải từ một cơ cấu mới. Cơ cấu này không chỉ có cây lúa trên ruộng, nương bậc thang mà phải mở hướng kinh doanh rừng tổng hợp.

Dưới tán rừng cần có thêm cây chè, cây sắn, các loại hoa màu khác và tổ chức chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê, kể cả ngựa. Hồi đó các thành viên trong Chính phủ có hai luồng ý kiến khác nhau về một trong những phương pháp xóa đói giảm nghèo cho nông dân vùng cao. Tôi thấy việc Nhà nước cấp gạo cho dân ăn để hướng dân vào việc giữ và trồng rừng không bền vững bằng biện pháp giúp người dân tự tạo lương thực ổn định tại chỗ cho mình.

Đây là mấu chốt cơ bản nhất đối với người vùng cao. Khi đời sống không còn bấp bênh nay no mai đói thì họ tự khắc xóa bỏ tập tục du canh du cư bằng cuộc sống định canh, định cư ổn định. Vì lẽ đó, tôi đã đề xuất với Chính phủ về chủ trương đầu tư cho một hộ nông dân 5-10 triệu đồng/ha nếu hộ đó đăng ký làm ruộng, nương bậc thang để trồng lúa hoặc trồng chè. Rất mừng chủ trương này được thực hiện tại tất cả các tỉnh miền núi phía Bắc từ năm 1997. Cho đến bây giờ tôi vẫn khẳng định vấn đề quan trọng của việc trồng lúa, chè, hoa màu trên nương, ruộng bậc thang không chỉ tạo được sự bền vững về kinh tế mà còn đảm bảo sự bền vững của sinh thái, môi trường miền núi và ngược lại.

Đập lúa ở ruộng bậc thang Sa Pa-Ảnh: Hồng Thảo

Một số tỉnh ở vùng Bắc Trung bộ cũng có người Mông sinh sống nhưng vì sao vẫn tồn tại tập tục đốt rừng làm rẫy mà không thấy xuất hiện ruộng bậc thang? Tôi nghĩ có lẽ tầng đất của những vùng đồi núi này không ổn định, đặc biệt nguồn sinh thủy hiếm hoi. Đây là hai yếu tố cơ bản để có thể làm ruộng bậc thang. Thường những vùng đất như vậy sẽ phải tìm cách để trồng rừng thay vì những thửa ruộng bậc thang như ở Sa Pa.

Cần có một công trình khoa học

Tôi nghĩ quy trình làm ruộng bậc thang của tộc người Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì…là một sáng kiến kỳ lạ của nông dân vùng cao để nhờ đó họ sống thân thiện với thiên nhiên. Bằng những thửa ruộng bậc thang hiện hữu, các tộc người vùng cao cho thấy họ không ngồi một chỗ để chờ an ninh lương thực của Nhà nước mà chính họ đang góp phần làm ổn định an ninh lương thực cho từng gia đình, cộng đồng và xã hội.

Thử suy ngẫm về thực tế “muốn có an ninh lương thực thì người dân làm ra lương thực phải được an ninh” mới thấy ý nghĩa sâu sắc của những hạt lúa chín lên từ ruộng bậc thang. Đây thật sự là vấn đề kinh tế không nhỏ của vùng cao. Thú thật, mỗi khi ngắm nhìn ruộng bậc thang ở Sa Pa, tôi cứ nghĩ chủ nhân của nó vừa là nghệ nhân, vừa là nghệ sĩ, vừa là kiến trúc sư vì cùng một lúc họ giải quyết ba khâu: phương pháp lấy nước từ xa, mẹo làm ruộng, thiết kế quy trình sản xuất và vận chuyển lúa sau thu hoạch.

Một số tỉnh ở vùng Bắc Trung bộ cũng có người Mông sinh sống nhưng vì sao vẫn tồn tại tập tục đốt rừng làm rẫy mà không thấy xuất hiện ruộng bậc thang? Tôi nghĩ có lẽ tầng đất của những vùng đồi núi này không ổn định, đặc biệt nguồn sinh thủy hiếm hoi. Đây là hai yếu tố cơ bản để có thể làm ruộng bậc thang. Thường những vùng đất như vậy sẽ phải tìm cách để trồng rừng thay vì những thửa ruộng bậc thang như ở Sa Pa.

Một lý do khác khiến tôi theo đuổi hình thức canh tác đặc biệt này là bởi ruộng bậc thang còn là câu chuyện về văn hóa lúa nước mang sắc thái rất riêng của các tộc người vùng cao. Quần thể ruộng bậc thang còn chứng minh không chỉ riêng người Kinh mới có văn minh lúa nước mà những tộc người vùng cao cũng làm lúa nước rất tài giỏi. Nếu hiểu họ đã trải qua cuộc sống va đập, cọ xát giữa vùng khí hậu khắc nghiệt, thiên tai nặng nề thì sẽ biết họ đã phải tìm cách tự vượt lên, phải chịu khó lắm mới làm được ruộng bậc thang khi chưa có một hình mẫu, một chủ trương, chính sách nào.

Cách nay hơn trăm năm và ngay cả bây giờ, trong tay họ không có một loại thiết bị đo đạc, máy móc dù thô sơ nhất, chỉ có cái cuốc con gà, cuốc bướm và xà beng, rựa, cày, bừa rất dân gian, nhưng từng thế hệ nối tiếp vẫn biết cách tạo sinh thủy từ khe suối, tích nước từ những cơn mưa rồi dẫn dòng nước theo mương máng quanh co chảy về biến những sườn núi dốc cheo leo thành ruộng bậc thang kỳ vĩ.

Nếu nông dân các tỉnh đồng bằng Nam bộ gắn bó một đời với hệ thống kênh, rạch; nông dân đồng bằng Bắc bộ dựa vào ưu thế của đê sông Hồng thì ở Tây Bắc ruộng bậc thang được xem là mặt mạnh của các tộc người vùng cao. Đó là ba trạng thái nổi bật của bản đồ nông nghiệp VN. Trong đó ruộng bậc thang là một công trình mang ba đặc tính: đẹp, bền vững và thân thiện với thiên nhiên. Đã đến lúc các nhà làm kinh tế nông nghiệp cần tập trung đánh giá để đúc kết một công trình khoa học về ruộng bậc thang cổ và mới.

LÊ HUY NGỌ
(nguyên bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn)

La Pán Tẩn

Đã từ lâu quốc lộ 32 qua những địa danh “nức tiếng” trong giới đi “phượt” như Văn Chấn - Tú Lệ, Khau Phạ - Mù Căng Chải, Than Uyên - Sa Pa trở thành một cung đường quá quen thuộc mỗi độ thu về.

Tháng 9, tháng 10, khắp trên các diễn đàn mạng xôn xao một dạng câu hỏi: khi nào thì lúa chín? Thời điểm nào thích hợp cho một chuyến “thăm lúa” vùng cao? Giống như người nông dân và đồng bào dân tộc xem lịch để biết khi nào làm đồng, gieo cấy thì dân “phượt” lại xem lịch, ngóng chờ thời tiết để biết khi nào lúa chín, khi nào sẽ gặt và những nồi cơm mới sẽ được bắc trên bếp hồng…

Đồi chè ở Thanh Sơn

Quốc lộ 32

Một chuyến đi ngắn cuối tuần hai ngày rưỡi từ tối thứ 6 bằng ôtô hoặc xe gắn máy có thể coi như một lịch trình khá “kinh điển” của những bạn trẻ yêu chủ nghĩa xê dịch, năm nào đến hẹn cũng lên.

Lúa Tây Bắc chỉ gieo một năm một vụ, chín rộ độ thu về, khi thời tiết trở nên khá lý tưởng. Những cơn gió thu mang đầy hơi thở của núi, bầu trời cao và trong xanh, nắng vàng như mật ngọt trên những triền núi xanh mê mải, ở đâu đó, sau một khúc quanh của núi, là biển lúa rập rờn óng ả… Tất cả sẽ khiến bạn đã tới thì không muốn rời đi, còn đã về thì không thể không quay lại…

Ở Hà Nội có một cái thú đó là khi phóng xe ra ngoài thành phố chừng năm chục cây số thì thành phố đã hoàn toàn ở lại phía sau lưng. Trước mặt là núi đá, rừng xanh, là con đường thênh thang rộng mở, uốn lượn, cứ dài mãi dài mãi về phía xa xa như một dải lụa mềm mắc giữa núi, cây và nền trời.

Tú Lệ

Qua cầu Trung Hà bắc trên sông Đà, con đường chúng tôi đi tiếp tục trải mình qua vùng đệm của vườn quốc gia Xuân Sơn. Và rồi những đồi chè bát ngát hiện ra hai bên đường, mềm mại như một tấm thảm nhung xanh mượt mà, những búp chè mới lên nõn nà đang chờ tay người hái, những luống chè vạch ra những đường hình học vui mắt và hấp dẫn.

Không gian khoáng đạt, hương chè tươi ngan ngát dọc đường như níu chân du khách đường xa…

Đến Thu Cúc là gặp đèo Khế, con đường mà những năm trước đây luôn là một nỗi ám ảnh của dân đi bụi bằng ôtô riêng và xe gắn máy. Có lẽ những ai từng chạy xe qua đèo Khế khi chưa xong đường hẳn không bao giờ quên được những hình ảnh máy xúc đất, máy cào mở đường vì núi sạt, đèo lở hay những khoảng thời gian đứng đợi hàng tiếng đồng hồ chờ thông đường. Thông tin về đèo Khế phải cập nhật từng ngày, từng giờ trong mùa mưa. Thậm chí đã có nhiều chuyến đi phải chệch hướng đi “nhờ” qua đèo Lũng Lô hoặc thành phố Yên Bái nếu muốn tới Tú Lệ - Mù Căng Chải hoặc những địa danh khác nằm trên quốc lộ 32.

Còn bây giờ con đường đã hoàn toàn được trải nhựa hàng chục kilômet ngoằn ngoèo quanh núi, đỉnh đèo Khế nơi phân chia địa phận giữa hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái nằm giữa bát ngát núi và rừng. Bây giờ, qua đèo Khế chỉ mất nửa giờ thay vì mất tới vài tiếng đồng hồ chạy lầm lũi và vất vả như xưa.

Phía trước là những thảm lúa Tây Bắc đang gọi mời… Là Tú Lệ thơm mùi nếp mới, mùi gỗ pơmu trong chiều muộn lẫn trong khói bếp khiến bạn lâng lâng như đi trong cơn say.

Cánh đồng Tú Lệ được ôm trọn bởi 3 dãy núi Khau Phạ, Khau Song và Khau Phán, giống như một cô gái trẻ luôn được ôm ấp vỗ về bởi 3 chàng trai với những vòng tay rắn chắc. Cô gái Tú Lệ ấy có một suối nước cong cong đầy nữ tính chia cánh đồng ra làm hai nửa, bên kia nép mình e lệ dưới chân núi, bên này khói bếp bảng lảng bay trên những nóc nhà…

Cuộc sống giản dị, bình yên… mỗi ngày đồng bào ra đồng lên nương làm lúa, chiều về tắm suối, sáng chủ nhật lại ra chợ vui chơi và mua bán. Đôi khi khu chợ nhỏ trở nên náo nhiệt hơn ngày thường bởi sự có mặt của những vị khách từ dưới xuôi lên chơi hay dừng chân ghé qua trên chặng đường dài…

Làm đồng

Đường về

Cách Tú Lệ không xa là đèo Khau Phạ với thung lũng Cao Phạ đã trở thành một dấu sơn trên bản đồ “thăm lúa”. Một khung cảnh kỳ vĩ và lộng lẫy thật khó diễn tả bằng lời, con đường nhỏ vạch một dải mềm đi về phía Lìm Mông, những thảm lúa rập rờn như cánh sóng, những mái nhà yên bình nằm nép dưới rặng cây.

Tôi đã qua nơi này không biết bao lần, từng say sưa nằm trên vệ cỏ, ngửa cổ lên trời thiu thiu ngủ hay lặng mình trong cốc cà phê đun vội trên đường, nhưng tôi không nhớ đã chụp bao nhiêu bức hình cũng đúng góc nhìn ấy, khung cảnh ấy, thảm lúa ấy, mái nhà ấy… Mỗi lần dừng lại tôi đều chụp hình mê mải, say sưa như thể lần nào dừng lại cũng mới chỉ là lần đầu…

Sắc màu

Thung lũng Cao Phạ

Khau Phạ là con đèo tiếp giáp giữa hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Qua địa phận Tú Lệ là tới Mù Căng Chải danh bất hư truyền.

Với nhiều người, Mù Căng Chải là một nơi nào đó quá xa xôi mơ hồ, ở tít tận phía sau những dãy núi cao ngất trời và điệp điệp trùng trùng của Tây Bắc. Nhưng với nhiều người tự gọi mình là dân “phượt” thì khác, với họ Mù Căng Chải là điểm đến tuyệt vời trong mùa lúa.

Đi gặt ở Púng Luông

Chiều

Ngôi nhà trên núi

Những cái tên Púng Luông, Nậm Khắt, Chế Tạo, La Pán Tẩn, Dế Su Phình, Chế Cù Nha, Hồ Bốn đã trở nên thân quen trong ký ức của nhiều người, thân quen đến độ đôi khi chỉ nhìn vào bức hình, họ đã cảm nhận được đây là nơi nào, với núi, với rừng, với đèo cao, vực sâu, với những mái nhà ngô và những thửa ruộng vàng rực trong nắng trời.

Đừng chần chừ nữa, phải lên đường thôi!

Đi thăm lúa ở Tú lệ

TTO - Cách Hà nội chừng 250km về phía tây bắc, thung lũng Tú Lệ là một trong những điểm dừng chân để “thăm lúa” thú vị nhất miền núi phía Bắc. “Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò”, câu ca ấy đã vượt ra khỏi "biên giới" đất Yên Bái để đến với người dân các vùng miền trong cả nước và gợi lên sự háo hức trong tâm hồn những kẻ lữ hành.

Sắc màu - Ảnh: Băng Giang

Dân đi “bụi” ở miền Bắc, nhiều trong số họ một thú vui khá kỳ lạ “Đi thăm lúa”. Khắp ở trên mọi nẻo đường của Tây Bắc, Đông Bắc, bất cứ nơi nào có núi, có ruộng bậc thang, có mùa gieo hạt, có tháng lúa xanh, tuần lúa chín, hay ngày cơm mới, là có những bước chân háo hức được lên đường…

Cái thú vị đầu tiên đó là vùng đất này không quá xa xôi cách trở, ôtô và xe máy đều có thể đến và đi một cách dễ dàng. Những thung lũng, cánh đồng, biển lúa hầu hết đều nằm hai bên đường của quốc lộ 32 từ Nghĩa Lộ đi Mù Căng Chải. Tú Lệ thích hợp cho một chuyến đi từ 2 - 2,5 ngày cuối tuần, rất dễ thu xếp vào bất kỳ một quãng thời gian nào quanh năm.

Cái thú vị tiếp theo đó là cảnh sắc mỗi mùa một nét gợi cảm riêng biệt, thú vị và không bao giờ gây nhàm chán.

Mùa làm đất thì long lanh sắc nước, bờ be đất nâu một màu trù phú. Mùa gieo mạ, lúa xanh như tấm thảm, xanh từng mảnh rời rạc tạo thành những điểm nhấn ấn tượng. Mùa lúa xanh, xanh ngát đến tận trời. Mùa lúa chín lại vàng ươm rạt rào như sóng biển. Mùa gặt náo nức rộn ràng, mùi cơm mới theo gió bảng lảng trên chái nhà.

Nhìn ngày mùa mới tươi tắn cũng thấy cuộc sống căng tràn nhựa sống và mang màu sắc của bình yên.

Tú Lệ có thể ví như một cô gái miền sơn cước vô cùng xinh đẹp. Đẹp ngay từ dốc ba tầng nơi bắt đầu địa giới của vùng, cao ngất trời mây bên vách đá chênh vênh, núi rừng hoang dại và đầy vẻ kiêu kỳ bí ẩn. Đẹp từ những mảnh ruộng nằm lẻ loi trên sườn núi đá, những ngôi nhà nhỏ bằng gỗ cheo leo thoáng ẩn thoáng hiện giữa đỉnh trời.

Đẹp nhất là những cánh đồng lúa mê mải được ôm trọn bởi ba dãy núi Khau Phạ, Khau Song và Khau Thán, nơi ấy còn có một dòng suối mênh mang uốn lượn chảy ngang.

Gieo hạt - Ảnh: Băng Giang

Đỉnh dốc Hai Bà Cháu là một trong những địa điểm lý tưởng nhất để ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Tú Lệ. Những chái nhà lợp gỗ pơmu nằm san sát, biển lúa dập dờn như cánh sóng, suối Tú Lệ như một dải lụa mềm của một vị thần tiên lỡ tay đánh rơi khi bay ngang qua vùng trời này.

Qua Tú Lệ chưa đến nửa tiếng chạy xe là đỉnh đèo Khau Phạ với mênh mang những lúa và lúa, bản làng êm ả dưới rặng cây, những con đường đất đỏ vạch ngoằn ngoèo trên núi, bát ngát và khoáng đạt vô cùng.

Từ chợ trung tâm, có một lối rẽ chạy thẳng xuống ngầm bắc trên dòng Tú Lệ. Đột nhiên, bạn thấy mình đang đứng sững giữa cánh đồng bao la thẳng cánh chim bay.

Những viên đá cuội khổng lồ nằm tràn trên hai bờ suối. Nước trong văn vắt, reo vui như tiếng cười của con trẻ, cần cù chuyển tải chất màu mỡ mang từ trên núi xuống với cánh đồng. Hồn nhiên, những cô gái Thái, Mông, Dao đeo gùi hối hả từ chợ về nhà hay vội vã cày ải, nhặt cỏ, gặt lúa trên thửa ruộng nhà mình.

Các thửa ruộng ở Tú Lệ phần lớn gieo trồng một vụ. Một bộ phận nhân dân trong thời gian gần đây lại chuyển sang gieo trồng hai vụ, tuy nhiên không quá nhiều. Chính điều đó làm bức tranh Tú Lệ trở nên đa âm sắc và vần điệu. Cùng trên một mảnh đất lành, nhưng có thửa ruộng đã gặt, thửa đang xanh và thửa mới chỉ được gieo trồng cấy mạ!

Điều này sẽ làm bạn cảm thấy ngạc nhiên và cực kỳ thú vị, giống như một ngày có cả bốn mùa, một vụ lúa có đủ công đoạn từ làm đất, gieo trồng, lớn lên, chín hạt đến gặt hái và thơm mùi gạo mới. Tất cả chỉ gói gọn trong một ngày!

Đường vào bản - Ảnh: Băng Giang

Đến Tú Lệ không thể không thưởng thức xôi nếp đã nức tiếng xa gần. Nếp Tú Lệ đồ lên ăn với thịt lợn bản nướng hay rang cháy cạnh trở thành một món khoái khẩu của rất nhiều du khách đã dừng chân chốn này. Cốm ướt, cốm khô cũng rất được ưa chuộng bởi vị thơm, ngọt, dẻo rất đặc biệt mà chỉ riêng Tú Lệ mới có.

Người Thái ở Tú Lệ đến nay vẫn giữ một nét sinh hoạt truyền thống hồn nhiên và độc đáo: tắm suối. Mỗi khi chiều xuống, sau một ngày lao động vất vả, cô gái Thái lại kéo nhau xuống dòng suối Tú Lệ chảy quanh, trút bỏ xiêm y và trở thành những nàng tiên giữa trời đất.

Lữ khách tới đây cũng có thể cùng tắm, các chàng trai cũng được phép tắm chung, được hòa mình vui đùa giữa thiên nhiên, nghỉ ngơi hay thư giãn, tuy nhiên tuyệt đối phải giữ khoảng cách và không được có những hành vi xấu, nếu không sẽ bị trai bản và chính quyền trừng phạt.

Ánh mắt - Ảnh: Băng Giang

Có lẽ chưa một nhiếp ảnh gia nào dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư khi qua nơi này đều không khỏi hồi hộp và rung động khi đứng trước một "cô gái" khỏe khoắn và duyên dáng như Tú Lệ. Cánh đồng bản Pha, bản Thái, Cao Phạ không biết đã bao lần được ghi hình vào trong máy ảnh, dù là mùa xanh, mùa trắng, mùa nắng hay mùa vàng…

Hôm nay cũng khác hôm qua, mùa xuân cũng khác mùa hạ và thế là, cứ mỗi mùa năm năm tháng tháng, rất nhiều người lại rủ nhau “Đi thăm lúa ở Tú Lệ”...

No comments:

Post a Comment