Friday, October 23, 2009

Các địa danh đẹp nhất Trung Quốc

Tạp chí Khoa học địa lý quốc gia Trung Quốc vừa bình chọn 5 hồ đẹp nhất tại nước này. Những hồ này bao gồm: hồ Thanh Hải ở phía tây tỉnh Thanh Hải, Kanas ở phía tây khu vực Tân Cương, hồ Namtso thuộc Tây Tạng, Thượng Đế thuộc phía bắc tỉnh Cát Lâm, và Hồ Tây thuộc phía đông tỉnh Triết Giang.

Những hồ đẹp nhất này được bình chọn trên tiêu chí về thiên nhiên, vẻ đẹp, sạch, sự đa dạng các loài và cả tính độc đáo về văn hóa.

Hồ Thanh Hải

hồ Thanh Hải đảo chim

Diện tích 4.583 km2, cao 3.266 m so với mặt nước biển, hồ Thanh Hải còn được gọi là "Koko Nor" ở Mông Cổ và là "Tso Ngonpo" ở Tây Tạng, là hồ rộng nhất ở Trung Quốc. Điểm đặc biệt nhất của Hồ Thanh Hải là đảo chim rộng hơn 1.000 m2 là nơi chim di trú tập trung nhiều nhất vào mùa xuân và mùa hè, với cả trăm loài.

Tiếng kêu líu lo của hàng nghìn con chim với nhiều loài khác nhau như ngỗng, mòng biển, loài chim nhỏ sống ở các sông, chim cốc, én làm cho hòn đảo rộn rã suốt ngày.

Hồ Kanas

Hồ Kanas nhìn trên cao Dưới những lớp mây dày, hồ có màu xanh và màu xám

Diện tích rộng 44,78 km2, cao 1.340 m so với mặt nước biển. Hồ được mô tả giống như "bảng màu của thượng đế" vì màu sắc của nó rất đa dạng. Khi nước trong veo, bạn có thể nhìn thấy màu xanh dương và xanh lục, ở dưới những đám mây mỏng, hồ Kanas có màu hồng nhưng khi mây phủ đầy nó lại có màu xanh và màu xám.

Đây là hồ nước sạch sâu nhất Trung Quốc (184 m tại một điểm). Hồ được hình thành cách đây 200.000 năm, là nhà của 798 loài thực vật và 117 loại chim. Sống giữa khung cảnh xinh đẹp này là hơn 1.400 người dân tộc thiểu số Tuva, tổ tiên của họ đến từ Siberia cách đây hơn 1.000 năm.

Rừng Taiga của Siberia kéo dài đến vùng Kanas, là vùng duy nhất có có động vật hoang dã của châu Âu - Siberia.

Hồ Namtso

Diện tích 1.961,5 km2, cao 4,720m so với mực nước biển. Hồ Namtso được coi như 1 trong 3 hồ thiêng liêng nhất của đạo Phật ở Tây Tạng. Hồ cũng là một điểm hành hương cho những tín đồ Phật giáo. Nằm bên cạnh đỉnh núi có tuyết phủ Nyainqentanglha, là hồ nước mặn cao nhất so với mực nước biển ở Trung Quốc và thế giới, chính vì vậy đã tránh được tình trạng ô nhiễm từ nền văn minh công nghiệp.

Động vật hoang dã tự nhiên như các loài thú, chim và cá rất đa dạng, nhất là vào mùa hè. Tháng 10 hồ đóng băng và vào khoảng tháng 5, băng tan tạo ra những âm thanh như tiếng sấm.

Hồ Thượng Đế

Có diện tích 9,82 km2, cao 2,150 m so với mặt nước biển. Hồ chính là miệng của một ngọn núi lửa cách đây 2 triệu năm, là chóp của đỉnh Trường Bạch, cũng là hồ tạo thành từ miệng núi lửa rộng nhất ở Trung Quốc.

Núi Trường Bạch là khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất, là nhà của hàng hàng trăm loài động vật và thực vật. Đây cũng là một trong vài khu rừng rậm còn lại của TQ, tạo ra môi trường sống cho loài cọp đặc biệt quí hiếm Manchurian. Khách du lịch chỉ có thể đến đây vào những tháng hè, và vào mùa đông khu vực này hoàn toàn bị cắt đứt với bên ngoài.

Hồ Tây

Diện tích 6,5 km2. Hồ Tây nằm tại trung tâm của thành phố Hàng Châu Marco Polo đã mô tả như một thành phố làm say mê con người nhất thế giới.

Hồ Tây còn được biết đến với những cây cầu, những nhà thủy tạ thanh nhã, bao quanh nó là những ngọn đồi. Nhiều thế kỷ qua, Hồ Tây vẫn là cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều nhà thơ và họa sĩ. Tô Thức, nhà thơ thời Tống đã so sánh vẻ quyến rũ phong cảnh hồ này với vẻ đẹp của nàng Tây Thi.

6 thảo nguyên đẹp nhất Trung Quốc

Với tổng diện tích khoảng 400 triệu mét vuông, các vùng thảo nguyên chiếm 41% lãnh thổ Trung Quốc. Tờ tạp chí Địa lý quốc gia mới đây đã chọn ra 6 thảo nguyên đẹp nhất Trung Quốc.

1. Hulun Buir

Thảo nguyên này nằm ở phía Bắc, giáp với địa phận Mông Cổ với diện tích khoảng 93.000 km2. Tên của nó được ghép bằng tên của hai hồ nước lớn là Hulun và Buir. Người dân sống ở quanh khu vực này tự hào khi Hulun Buir là một trong ba thảo nguyên đẹp nhất thế giới. Với hơn 3.000 con sông, 500 hồ nước lớn nhỏ và những cánh đồng cỏ, Hulun Buir giống như một tấm thảm cỏ xanh trải dài đến bất tận. Vào mùa hè, cảnh quan nơi đây đẹp như một bức tranh thủy mặc với màu xanh của bầu trời, hồ nước, cây cỏ và màu đỏ của đất và cả những dãy núi nhấp nhô ở phía xa.

2. Yili

Tọa lạc tại khu tự trị Tân Cương, thảo nguyên Yili có một vẻ đẹp thiên nhiên tao nhã. Vùng đồng cỏ Nalati thuộc thảo nguyên Yili là địa danh nổi tiếng nhất ở đây. Theo ngôn ngữ dân tộc Uygur, Nalati có nghĩa là nơi đầu tiên nhìn thấy mặt trời. Nguồn nước từ các con sông lớn đã cung cấp cho các cánh đồng cỏ nơi đây luôn tươi tốt vào mùa hè. Từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, hàng trăm loài hoa dại ở các ngọn đồi đua nhau khoe sắc, tạo nên cảnh quan làm say mê lòng người.

3. Xilin GOL

Nằm ở khu vực ngoại thành của thành phố Xilin GOL khu nội tự trị của Mông Cổ, thảo nguyên này được đưa vào danh sách các khu sinh thái quốc gia cần được bảo tồn từ năm 1985. Nơi đây có rất nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm, trong đó có sếu đầu đỏ, thiên nga... Ngoài việc là địa điểm du lịch lý tưởng cho du khách vào mùa hè thì Xilin GOL còn là nơi các nhà nghiên cứu của Trung Quốc thường xuyên ghé thăm.

4. Cao nguyên nằm ở phía Tây tỉnh Tứ Xuyên

Đây chính là địa điểm gặp gỡ giữa hai nền văn hóa của người Tây Tạng với dân tộc thiểu số của Tứ Xuyên. Người Tây Tạng sống trên vùng cao nguyên vẫn thường truyền tai cho nhau nghe về truyền thuyết Shangri-la, nghĩa là "thiên đường nhân gian" bởi khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp nơi này. Ngoài thảo nguyên đầy hoa, hồ nước xanh, núi tuyết, thác nước, ở phía xa là những ngôi nhà nho nhỏ của người Tạng. Cứ đi được 10 dặm, khí hậu ở vùng cao nguyên này lại thay đổi theo thời tiết bốn mùa.

5. Naqu ở Tây Tạng

Vùng cao nguyên này có nhiều ngọn núi cao với tổng diện tích lên đến 40 triệu km vuông. Một phần phía đông của cao nguyên trải dài đến tận phía bắc của Tây Tạng. Hàng năm cứ vào tháng 8, người dân ở đây lại tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc nhằm thu hút khách du lịch thập phương đổ về. Naqu cũng là nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm như linh dương Tây Tạng, lừa và bò Tây Tạng nên được chính quyền địa phương rất chú trọng đến công tác bảo tồn.

6. Vùng thảo nguyên núi Qilian

Núi Qilian là nơi giao nhau của hai tỉnh Gansu và Thanh Hải của Trung Quốc với độ cao 4.000 - 5.000 m so với mực nước biển. Vào tháng 7 và tháng 8, núi Qilian vẫn có thời tiết của mùa đông. Khối băng tuyết trên đỉnh núi sẽ tan chảy và cung cấp nước cho vùng đồng cỏ phía dưới chân núi khiến cây cối có thêm sức sống. Nhờ đó các loài động vật như ngựa, bò, cừu có nguồn thức ăn rất dồi dào. Vùng thảo nguyên núi Qilian còn nổi tiếng với nhiều loài hoa dại, vào mùa hè chúng nở rộ tạo thành một thảm hoa màu vàng tuyệt đẹp.

2 Ngọn núi đẹp nhất Trung Quốc

Hoàng Sơn - ngọn núi đẹp nhất Trung Quốc

Vẻ đẹp khác thường của Hoàng Sơn là sự kết hợp hoàn hảo của ba yếu tố là thông, đá và mây, vốn được ca ngợi là “tam tuyệt”: thông kỳ, đá quái và biển mây. Nét đặc sắc nhất của Hoàng Sơn là rừng thông kỳ lạ có tuổi đời trên 100 năm mọc trên các đỉnh núi, vươn dài mấy trăm dặm núi non. Theo các nhà khoa học thì thông Hoàng Sơn mọc cao hơn mực nước biển từ 800m trở lên, đỉnh cây phẳng, lá mọc ngược, rất dễ hấp thụ nước và dinh dưỡng trong không khí.

Trong rễ cây có thể tiết ra một loại axít hữu cơ, khi dung hòa với nham thể hoa cương ở vùng núi Hoàng Sơn sẽ sản sinh ra một loại phân hữu cơ giúp nuôi dưỡng cây. Nhờ vậy mà thông Hoàng Sơn dù sinh trưởng trong các kẽ đá hiểm hóc nhưng rễ cây cứ chằng chịt bám vào vách đá thẳng đứng, dáng hiên ngang sừng sững.

Cây thông chào khách - biểu tượng nổi tiếng của Hoàng Sơn

Nét đặc biệt thứ hai của Hoàng Sơn là đá. Theo các nhà địa chất thì hệ thống núi đá Hoàng Sơn đã được hình thành do những chuyển động của bề mặt Trái đất trong kỷ Jura cách đây hơn 100 triệu năm. Ngoài 72 đỉnh núi chính có hình thù và tên gọi riêng như Liên Hoa, Thủy Tín, Sư Tử, Bạch Vân, Quang Minh... Hoàng Sơn còn có muôn vực, ngàn khe và những đỉnh nhỏ không đếm xuể.

Khe cao vực sâu

Phong cảnh Hoàng Sơn quyến rũ, thông cuốn lấy đá, đá lẫn vào thông, mỗi ngóc ngách đều mở ra những góc nhìn kỳ thú, cho phép trí tưởng tượng của con người tha hồ bay bổng. Trong suốt gần hai ngày ở trên núi, chúng tôi cứ miên man đi theo những con đường quanh co khi chạy sát bên mép núi, lúc dốc đứng đến thót tim.

Đối với dân du lịch balô thì bình minh và hoàng hôn là hai thời khắc quý nhất trong ngày. Không thể dậy sớm vào buổi sáng hôm sau để ngắm bình minh sau một ngày leo núi quá mệt, nhưng tôi vẫn có được một buổi chiều hoàng hôn tuyệt đẹp vào ngày đầu tiên.

Từ trên đỉnh Phi Thạch (hòn đá bay) nổi tiếng, chúng tôi đã lặng người chiêm ngưỡng khoảnh khắc tuyệt đẹp khi Mặt trời chiếu những tia sáng rực rỡ cuối cùng trong ngày trước khi lặn hẳn. Những vách đá vôi ban ngày màu trắng dần chuyển sang màu vàng lấp lánh dưới ánh hoàng hôn. Sương mù từ dưới các khe núi kéo lên làm cho khung cảnh càng mờ ảo quyến rũ.

Hòn Phi Thạch (đá bay) nổi tiếng từng hiện diện trong bộ phim Hồng Lâu Mộng

Có lẽ vì thế mà trong lịch sử Trung Quốc có biết bao nhà thơ, nhà nghệ thuật nổi tiếng như Lý Bạch, Giảo Bảo, Thạch Đào, Cung Tự Trân,… đã tìm đến Hoàng Sơn và sáng tác những tác phẩm bất hủ ca ngợi vẻ đẹp của nơi đây. Chỉ riêng những bài thơ còn lưu truyền đến ngày nay cũng đã có hơn 20 ngàn bài, tạo thành một di sản đồ sộ, góp phần đưa Hoàng Sơn vào danh sách di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới từ năm 1990.

Không những có giá trị cảnh quan và nghệ thuật, Hoàng Sơn còn giữ vị trí quan trọng trong lịch sử đạo giáo Trung Hoa với truyền thuyết về Hiên Viên hoàng đế - tổ sư của dân tộc Trung Hoa, người đã từng đến tu hành và thăng thiên tại đây.

Kỳ công bảo tồn của con người

Trạm cáp treo nằm cheo leo giữa núi rừng hiểm trở

Trở lại phần đầu của chuyến đi, trước khi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Hoàng Sơn, chúng tôi đã phải ngỡ ngàng vì giá vé tham quan quá cao. Tính ra, mỗi người phải trả tới gần 800.000 ngàn đồng (khoảng 300 tệ) cho vé tham quan và cáp treo. Điều an ủi duy nhất là du khách có thể mua vé một lần và ở lại trên núi bao nhiêu ngày cũng được. David - một chàng trai người Anh chỉ tham quan đúng một ngày đã ca cẩm: “Nước Anh vốn đã nổi tiếng là chặt đẹp rồi mà vẫn còn thua Trung Quốc”.

Sau hai ngày tham quan nơi đây, chúng tôi mới thấy rằng giá vé cao như vậy vẫn rất hợp lý so với sức người, sức của bỏ ra để bảo tồn và phát triển khu di sản hùng vĩ này. Thật ngạc nhiên trước cách bảo tồn di sản rất chuyên nghiệp của nước bạn và cũng phải khâm phục ý chí của người Trung Quốc trong việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

Một khu vực rừng núi, địa hình hiểm trở trải dài 40km từ Bắc xuống Nam và 30km từ Đông sang Tây được bảo tồn gần như hoàn hảo. Không nhìn thấy một mảnh rác, bao nilon hay chai nước nào vứt dọc đường. Cách vài chục mét lại có một thùng rác, còn tại các nhà vệ sinh công cộng, luôn có người phục vụ quét dọn, đảm bảo độ sạch sẽ như trong khách sạn. Hoàn toàn không có những người bán hàng rong hay quán xá dọc đường chèo kéo du khách.

Đường leo núi Hoàng Sơn có khi cheo leo bên vách núi

…cũng có khi dốc đứng

Ngoài bốn chiếc cáp treo vận chuyển khách một đoạn dưới chân núi, việc tham quan Hoàng Sơn chủ yếu là đi bộ. Hệ thống đường tham quan trên núi vô cùng cheo leo, hiểm hóc, nhưng được thiết kế hết sức khoa học và an toàn, giúp du khách chiêm ngưỡng được Hoàng Sơn ở những góc độ đẹp nhất. Khi tận mắt thấy những người công nhân gánh vật liệu xây dựng đi lên núi mới thấy hết được giá trị của hệ thống đường khổng lồ này. Khi thử nhấc gánh đá của một công nhân lên vai, anh chàng David đã nhăn mặt lắc đầu: “Nặng quá, không nhấc nổi”. Vậy mà toàn bộ vật liệu xây dựng để làm đường, xây khách sạn và cáp treo ở đây đều được vận chuyển bằng sức người trong thời tiết hết sức khắc nghiệt của vùng núi cao.

Một trong 72 đỉnh núi ở Hoàng Sơn

Bên cạnh nỗ lực đầu tư của chính phủ, cũng phải nhận thấy rằng người dân Trung Quốc có ý thức bảo vệ thiên nhiên rất cao. Không hề thấy hiện tượng khắc tên, vẽ hình lên đá như ở các khu di tích khác. Thay vào đó, những đôi tình nhân Trung Quốc có cách thể hiện rất hay là mua những chiếc khóa nhỏ, khắc tên hai người lên đó rồi khóa vào những lan can lên núi. Sau đó chiếc chìa khóa được vứt xuống khe núi vì người ta tin rằng làm vậy thì những người yêu nhau sẽ được ở bên nhau suốt đời.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Cache/Image/284/195284.jpgỞ đỉnh cao 3.099m của núi Nga My, nhìn xuống lòng chảo sâu cao nguyên Thanh - Tạng bao quanh mây phủ, núi đồi trập trùng, trăm hoa đua nở, có cảm giác mình thật bé nhỏ trước thiên nhiên.

Nga Mi Sơn là một trong bốn ngọn núi nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc, đó là: Ngũ Đài Sơn - Sơn Tây, Phổ Đà Sơn - Triết Giang, Cửu Hoa Sơn - An Huy và Nga Mi Sơn - Tứ Xuyên.

Nga Mi Sơn tọa lạc trong thành phố Tứ Xuyên, nằm ở thượng du sông Trường Giang, đứng sừng sững giữa hai con sông Đại Độ và Thanh Y, về phía tây nam thành phố Nga Mi Sơn 7 km, hướng đông cách thành phố Lạc Sơn 37 km. Là danh sơn Phật giáo và là thắng địa du lịch nổi tiếng, được xưng tụng là "Nga Mi thiên hạ tú" (Núi Nga Mi đẹp nhất trong thiên hạ), đây là sự dung hợp giữa văn hóa PG và phong cảnh thiên nhiên, làm thành một danh lam thắng cảnh sơn nhạc (núi đồi) cấp quốc gia.Lên đỉnh Nga My là ước vọng của hàng triệu người TQ, đặc biệt là để thể hiện thành tâm trước Phổ Hiền Bồ tát (tương truyền núi Nga My là nơi Bồ tát thuyết pháp).

Với những tín đồ Phật giáo TQ, Nga My sơn cùng với Phổ Đà sơn (tỉnh Chiết Giang, cao 284m), Cửu Hoa sơn (An Huy, cao 1.341m), Ngũ Đài sơn (Sơn Tây, cao 3.058m) hợp thành bốn ngọn núi linh thiêng nhất (tứ đại Phật giáo linh sơn - bốn đại đạo tràng của các vị bồ tát). Còn so với Ngũ Nhạc (năm dãy núi nổi tiếng nhất của TQ) cũng là “ngũ đại linh sơn” của những người theo Lão giáo, gồm: Hành sơn (tỉnh Hồ Nam, cao 1.290m), Tung sơn (Hà Nam, 1.494m, nổi tiếng với chùa Thiếu Lâm), Thái sơn (Sơn Đông, 1.545m), Hoa sơn (Thiểm Tây, 1.997m), Hằng sơn (Sơn Tây, 2.017m) thì Nga My sơn cao hơn hẳn.

Chuyến chinh phục Nga My sơn của chúng tôi không phải tốn quá nhiều công sức như Trương Thắng và các bạn của anh ngày trước. Cách đây ba năm, chính quyền TP Nga My đã đầu tư kinh phí khá lớn xây dựng con đường nhựa từ chân núi lên đỉnh với chiều dài 50km. Du khách chỉ cần bỏ ra 400 nhân dân tệ (khoảng 800.000 đồng VN) mua vé xe buýt lên gần đến đỉnh, sau đó đi cáp treo lên đỉnh cao. Xe chạy khoảng hai giờ, đủ để du khách choáng ngợp trước vẻ đẹp diễm lệ và hùng vĩ của núi đồi, cây xanh, hoa trái chen chúc hai bên đường. Đẹp hơn cả những bức tranh phong cảnh của những họa sĩ thủy mạc tài danh! Chỉ tính riêng thực vật quanh ngọn núi đã có trên 3.000 loài, đó là chưa kể hàng ngàn động vật hoang dã, trong đó nổi bật là gấu trúc, trĩ sừng tro...

Riêng khỉ ở đây khá dạn dĩ. Thỉnh thoảng trên đường xe chạy qua có những chú khỉ tinh nghịch ngồi vắt vẻo trên ngọn tùng, bách... ngắm nhìn du khách! Khỉ cũng là biểu tượng trên các bảng hiệu giao thông suốt đoạn đường lên đỉnh nhằm hướng dẫn các bác tài qua những khúc cua hiểm trở. Xe càng lên cao, mây và sương giăng phủ tứ bề, Nga My sơn chớm vào tiết xuân nên trên đỉnh vẫn còn những tảng băng chưa kịp tan nằm dưới gốc cây. Cứ tưởng trên đỉnh vắng lặng, hóa ra nơi đây có đủ dịch vụ phục vụ du khách, từ nhà hàng với những món ăn khá hợp khẩu vị thực khách Việt, rồi khách sạn 3 sao đến các cửa hàng lưu niệm với mặt hàng được bán nhiều nhất là các chú khỉ bông tinh nghịch. Trên đỉnh Nga My có ba chùa chính đón du khách tham quan: Kim Đỉnh, Báo Quốc và Vạn Niên.

Chùa Kim Đỉnh ở độ cao 3.077m có tượng Phật bốn mặt cao 48m (cao nhất thế giới) bằng đồng với 20kg vàng mạ bên ngoài, hoàn tất năm 2006, cùng ba chùa vàng, bạc và đồng phía sau tượng. Chính giữa chùa vàng và chùa bạc có một mỏm đá núi tạo dáng rất đẹp, từ độ cao này du khách có thể nhìn xuống vực núi sâu bao quanh mây phủ điệp trùng...

Các tín đồ Phật giáo TQ tin rằng được đặt chân lên Kim Đỉnh, ai cầu gì sẽ được nấy. Vì thế hằng năm có hàng chục triệu du khách từ khắp nơi về đây, trong đó có cả những người khách vì nặng lòng sầu thảm đã buông mình xuống vực sâu! Nhằm ngăn những trường hợp đáng tiếc như thế, trên điểm cao nhất của Kim Đỉnh có dòng chữ khuyên du khách hãy biết yêu và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp! Chiều buông, chúng tôi xuống núi khi sương đã giăng khắp cảnh vật xung quanh. Nhưng từ chân núi vẫn có những chiếc xe chậm chậm lên đỉnh cao, chở những du khách muốn trải qua đêm trên ngọn núi thiêng..

No comments:

Post a Comment