Friday, October 23, 2009

Cổ Loa

Những mủi tên đồng thành Cổ Loa

Cổ Loa là kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của nhà nước Vạn Xuân dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10 sau Công nguyên.

Hiện nay, Cổ Loa là một xã thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội.

Bối cảnh địa lý

Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa nằm vào vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng và là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Từ đây có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng sơn địa. Cổ Loa là một khu đất đồi cao ráo nằm ở tả ngạn sông Hoàng. Con sông này qua nhiều thế kỷ bị phù sa bồi đắp và nay đã trở thành một con lạch nhỏ, nhưng xưa kia sông Hoàng là một con sông nhánh lớn quan trọng của sông Hồng, nối liền sông Hồng với sông Cầu, con sông lớn nhất trong hệ thống sông Thái Bình. Như vậy, về phương diện giao thông đường thủy, Cổ Loa có một vị trí vô cùng thuận lợi hơn bất kỳ ở đâu tại đồng bằng Bắc Bộ vào thời ấy. Đó là vị trí nối liền mạng lưới đường thủy của sông Hồng cùng với mạng lưới đường thủy của sông Thái Bình. Hai mạng lưới đường thủy này chi phối toàn bộ hệ thống đường thủy tại Bắc bộ Việt Nam. Qua con sông Hoàng, thuyền bè có thể tỏa đi khắp nơi, nếu ngược lên sông Hồng là có thể thâm nhập vào vùng Bắc hay Tây Bắc của Bắc Bộ, nếu xuôi sông Hồng, thuyền có thể ra đến biển cả, còn nếu muốn đến vùng phía Đông Bắc bộ thì dùng sông Cầu để thâm nhập vào hệ thống sông Thái Bình đến tận sông Thương và sông Lục Nam.

Địa điểm Cổ Loa chính là Phong Khê, lúc đó là một vùng đồng bằng trù phú có xóm làng, dân chúng đông đúc, sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá và thủ công nghiệp. Việc dời đô từ Phong Châu về đây, đánh dấu một giai đoạn phát triển của dân cư Việt cổ, giai đoạn người Việt chuyển trung tâm quyền lực từ vùng Trung du bán sơn địa về định cư tại vùng đồng bằng. Việc định cư tại đồng bằng chứng tỏ một bước tiến lớn trong các lãnh vực xã hội, kinh tế trong giao tiếp, trao đổi con người dễ dàng đi lại bằng đường bộ hay bằng đường thủy; trong nông nghiệp có bước tiến đáng kể về kỹ thuật trồng lúa nước, mức độ dân cư cũng đông đúc hơn.

Trung tâm quyền lực của các cư dân Việt ở đồng bằng sông Hồng cũng thể hiện sự phát triển về chiều rộng của Văn hóa Đông Sơn.

Cấu trúc Thành Cổ Loa

Sơ đồ thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là "tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ"

Khi xây thành, người Việt cổ đã biết lợi dụng tối đa và khéo léo các địa hình tự nhiên. Họ tận dụng chiều cao của các đồi, gò, đắp thêm đất cho cao hơn để xây nên hai bức tường thành phía ngoài, vì thế hai bức tường thành này có đường nét uốn lượn theo địa hình chứ không băng theo đường thẳng như bức tường thành trung tâm. Người xưa lại xây thành bên cạnh con sông Hoàng để dùng sông này vừa làm hào bảo vệ thành vừa là nguồn cung cấp nước cho toàn bộ hệ thống hào vừa là đường thủy quan trọng. Chiếc Đầm Cả rộng lớn nằm ở phía Đông cũng được tận dụng biến thành bến cảng làm nơi tụ họp cho đến cả hàng trăm thuyền bè.

Chất liệu chủ yếu dùng để xây thành là đất, sau đó là đá và gốm vỡ. Đá được dùng để kè cho chân thành được vững chắc. Các đoạn thành ven sông, ven đầm được kè nhiều đá hơn các đoạn khác. Đá kè là loại đá tảng lớn và đá cuội được chở tới từ các miền khác. Xen giữa đám đất đá là những lớp gốm được rải dày mỏng khác nhau, nhiều nhất là ở chân thành và rìa thành để chống sụt lở. Các cuộc khai quật khảo cổ học đã tìm thấy một số lượng gốm khổng lồ gồm ngói ống, ngói bản, đầu ngói, đinh ngói. Ngói có nhiều loại với độ nung khác nhau. Có cái được nung ở nhiệt độ thấp, có cái được nung rất cao gần như sành. Ngói được trang trí nhiều loại hoa văn ở một mặt hay hai mặt.

Thành Cổ Loa theo tương truyền gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, nhưng căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành có 3 vòng, trong đó vòng thành nội rất có thể được làm về sau, dưới thời Ngô Quyền. Chu vi ngoài 8 km, vòng giữa 6,5 km, vòng trong 1,6 km, diện tích trung tâm lên tới 2 km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4 m-5 m, có chỗ cao đến 8 m-12 m. Chân lũy rộng 20 m-30 m, mặt lũy rộng 6 m-12 m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu mét khối.

Một đoạn tường thành mùa lễ hội

Thành nội hình chữ nhật, cao trung bình 5 m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6 m-12 m, chân rộng từ 20 m-30 m, chu vi 1.650 m và có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc Ngự triều di quy.

Thành trung là một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500 m, nơi cao nhất là 10 m, mặt thành rộng trung bình 10 m, có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng.

Thành ngoài cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000 m, cao trung bình 3 m-4 m (có chỗ tới hơn 8 m).

Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10m đến 30m, có chỗ còn rộng hơn. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng. Sự kết hợp của sông, hào và tường thành không có hình dạng nhất định, khiến thành như một mê cung, là một khu quân sự vừa thuận lợi cho tấn công vừa tốt cho phòng thủ.

Sông Hoàng được dùng làm hào thiên nhiên cho thành Ngoại ở về phía Tây Nam và Nam. Phần hào còn lại được đào sát chân tường thành từ gò Cột Cờ đến Đầm Cả. Con hào này nối với hào của thành Trung ở Đầm Cả và Xóm Mít, chảy qua cửa Cống Song nối với năm con lạch có hình dáng như bàn tay xòe, và với một nhánh của con lạch này, nước chảy thông vào vòng hào của thành Nội.

Thuyền bè đi lại dễ dàng trên ba vòng hào để đến trú đậu ở Đầm Cả hoặc ra sông Hoàng và từ đó có thể tỏa đi khắp nơi. Theo truyền thuyết, An Dương Vương thường dùng thuyền đi khắp các hào rồi ra sông Hoàng.

Giá trị của thành Cổ Loa

Trong cấu trúc chung của thành Cổ Loa còn có một yếu tố khác làm phong phú thêm tổng thể kiến trúc này. Đó là những gò đất dài họặc tròn được đắp rải rác giữa các vòng thành hoặc nằm ngoài thành Ngoại. Không biết được có bao nhiêu ụ, lũy như thế, nhưng một số được dân chúng gọi là Đống Dân, Đống Chuông, Đống Bắn... Các ụ, lũy này được dùng làm công sự, có nhiệm vụ của những pháo đài tiền vệ, phối hợp với thành, hào trong việc bảo vệ và chiến đấu. Đây cũng là một điểm đặc biệt của thành Cổ Loa.

Về mặt quân sự, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm. Với các bức thành kiên cố, với hào sâu rộng cùng các ụ, lũy, Cổ Loa là một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ nhà vua, triều đình và kinh đô. Đồng thời là một căn cứ kết hợp hài hòa thủy binh cùng bộ binh. Nhờ ba vòng hào thông nhau dễ dàng, thủy binh có thể phối hợp cùng bộ binh để vận động trên bộ cũng như trên nước khi tác chiến.

Về mặt xã hội, với sự phân bố từng khu cư trú cho vua, quan, binh lính, thành Cổ Loa là một chứng cứ về sự phân hóa của xã hội thời ấy. Thời kỳ này, vua quan không những đã tách khỏi dân chúng mà còn phải được bảo vệ chặt chẽ, sống gần như cô lập hẳn với cuộc sống bình thường. Xã hội đã có giai cấp rõ ràng và xa hội có sự phân hóa giàu nghèo rõ ràng hơn thời Vua Hùng.

Về mặt văn hóa, là một tòa thành cổ nhất còn để lại dấu tích, Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt Cổ. Đá kè chân thành, gốm rải rìa thành, hào nước quanh co, ụ lũy phức tạp, hỏa hồi chắc chắn và nhất là địa hình hiểm trở ngoằn ngoèo, tất cả những điều làm chứng nghệ thuật và văn hóa thời An Dương Vương. Hàng năm, vào ngày 6 tháng giêng âm lịch, cư dân Cổ Loa tổ chức một lễ trang trọng để tưởng nhớ đến những người xưa đã có công xây thành, và nhất là để ghi ơn An Dương Vương.

Hiện nay Cổ Loa là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam

Di vật khảo cổ

Trên địa phận thành, các nhà khảo cổ đã từng khai quật được nhiều mộ cổ, hàng vạn mũi tên đồng ba cạnh, rìu lưỡi xéo bằng đồng, và trống đồng.

Giai thoại Cổ Loa thành

Loa Thành hay Cổ Loa Thành, còn có tên khác là Tư Long Thành, người Trung Quốc thường gọi là Côn Lôn Thành, chính là kinh thành của nước ta thời An Dương Vương. Di tích Loa Thành nay vẫn còn ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Truyền thuyết nói Loa Thành gồm đến chín vòng, được đắp theo kiểu xoáy hình trôn ốc, nhưng di tích còn lại chỉ thấy có ba vòng, dài tổng cộng hơn mười sáu cây số. Loa Thành là công trình kiến trúc lớn nhất của nước nhà thời cổ đại, là chứng tích bất diệt của ý chí và năng lực sáng tạo của tổ tiên ta. Việc đắp thành khó khăn này đã được tiến hành như thế nào? Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỷ, quyển 1, từ tờ 6a đến tờ 7b) chép rằng:

Thành này cứ hễ đắp xong lại bị sụt lở khiến nhà vua rất lấy làm lo. Nhà vua bèn trai giới sạch sẽ, khấn trời khấn đất và các vị thần núi, thần sông, rồi khởi công đắp lạí' .

...''Mùa xuân, tháng ba, chợt có thần nhân đến trước cửa thành, trỏ vào thành rồi cười mà nói rằng:

- Đắp như thế thì đến bao giờ mới xong?

Vua liền mời vào điện để hỏi. Thần nhân nói :

- Cứ đợi Giang Sứ đến.

Xong, cáo từ đi ngay. Sáng hôm sau, Vua ra cửa thành, thấy có con rùa bơi trên sông, từ phía Đông đến, nói được tiếng người, xưng là Giang Sứ, bàn được chuyện tương lai. Nhà vua mừng lắm, để lên mâm vàng rồi đặt mâm lên điện và hỏi về nguyên nhân khiến cho thành bị sụt lở. Rùa vàng đáp:

- Ấy là bởi tinh khí núi sông của vùng này bị (hồn thiêng) của con vua thuở trước phụ vào để trả thù cho nước. Nó nấp ở núi Thất Diệu. Trong núi ấy có con quỷ, ấy chính là (hồn thiêng) của người con hát thuở trước chết chôn ở đấy hoá thành. Cạnh núi có cái quán, chủ quán tên là Ngộ Không. Ông ta có đứa con gái và một con gà trắng, đó chính là hư khí của tinh, phàm ai là người qua lại và ngủ đêm tại đó đều bị chết vì bị quỷ ám. Chúng có thể gọi nhau, họp đàn họp lũ, làm cho sụp cả thành. Nay nếu giết được con gà trắng ấy để trừ tinh khí đi thì thành sẽ tự nhiên xây được bền vững.

Nhà vua nghe vậy, liền đem rùa vàng đến quán, giả làm người xin ngủ trọ. Chủ quán nói:

- Ngài là bậc quý nhân, vậy xin đi ngay kẻo ở đây là mắc hoạ. Nhà vua cười nói:

- Sống chết đều có số mệnh cả, ma quỷ mà làm gì nổi?

Nói rồi, vẫn cứ ngủ lại quán. Đêm khuya, nghe tiếng quỷ từ ngoài vào gọi mở cửa, rùa vàng liền quát mắng khiến lũ quỷ không sao vào được. Gần sáng, khi nghe tiếng gà gáy thì chúng bỏ chạy tan tác. Rùa vàng xin vua đuổi theo chúng. Tới núi Thất Diệu, tinh khí của lũ quỷ biến mất. Nhà vua cùng rùa vàng trở về quán. Sáng sớm, chủ quán tưởng nhà vua đã chết rồi, bèn gọi người đến khâm liệm để đem đi chôn. Thấy nhà vua vẫn vui vẻ cười nói, chủ quán sụp lạy mà thưa rằng:

- Ngài được như thế này ắt phải là thánh nhân.

Vua xin gà trắng đem giết để tế lễ. Gà chết, con gái của chủ quán cũng chết theo. Vua liền sai người đào núi (Thất Diệu), thấy ở đó có nhạc khí cổ và xương người, liền sai đốt thành tro rồi đổ xuống sông. Yêu khí ma quỷ từ đó mất hẳn. Cũng từ đó, thành đắp chưa quá nửa tháng đã xong. Rùa vàng liền cáo từ ra về. Nhà vua cảm tạ và hỏi rằng:

- Đội ơn ngài đã giúp đắp thành vững chắc. Nhưng, nay mai nếu có giặc đến thì lấy gì mà chống giữ?

Rùa vàng liền trút chiếc móng đem cho vua và nói:

- Nước yên hay nguy đều do trời định đoạt, nhưng người cũng nên phòng bị. Nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng này mà làm lẫy nỏ, nhằm thẳng giặc mà bắn thì không lo gì.

Vua sai bề tôi là Cao Lỗ (cũng có sách chép là Cao Thông) chế nỏ thần, lấy móng rùa vàng làm lẫy, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ.


Lời bàn:

Nước bấy giờ còn nhỏ, dân bấy giờ còn thưa, tiềm lực quốc gia bấy giờ cũng còn yếu, đã thế, trình độ kỹ thuật bấy giờ lại chưa cao, thế mà nhà vua dám dốc sức xây thành Cổ Loa, chí lớn thật đáng sánh ngang với trời đất. Việc lớn, khó khăn lớn, hình ảnh của lũ yêu quái phá hoại, ở một góc độ nào đó, cũng có thể coi là biểu tượng của những thách thức chất chồng đó thôi.

Việc nhà vua nghênh đón Giang Sứ có cái gì đó phảng phất hình ảnh các vị minh quân hồ hởi đón lời hay trong thiên hạ. Việc Giang Sứ không chút quản ngại, cùng vua lên tận núi Thất Diệu để diệt yêu quái, sau lại còn thanh thản trút móng tặng vua, tất cả nào có khác gì hình ảnh những người vô danh trong trăm họ, đã hết lòng phò tá chí lớn của nhà vua!

Nhà sử học lỗi lạc của nước nhà (thế kỷ thứ XV) là Ngô Sĩ Liên nói rằng; Việc làm của thần là dựa theo ý người, thần nhập vào vật mà nói. Khi nước sắp thịnh, thần minh giáng xuống để xem đức hóa, khi nước sắp mất, thần minh cũng giáng xuống để xét tội. Cho nên, cũng có khi thần giáng mà thịnh, lại cũng có khi thần giáng mà suy� (Đại Việt sử kí toàn thư, ngoại kỷ, quyển 1, tờ 10-b).

Như An Dương Vương, thần minh giáng lần đầu thì đắp xong Loa Thành, dựng nên quốc gia Âu Lạc hùng mạnh; thần minh giáng lần thứ hai, quân thua nước mất. Người xưa tin như vậy và đã trịnh trọng chép vào sử như vậy. Gấp sách lại, xin bạn chớ bao giờ tự hỏi rằng đáng tin hay không đáng tin, mà tốt hơn cả, bạn nên tự hỏi rằng cổ nhân muốn kí thác điều gì.

TTO - Ai từng đọc lịch sử nước nhà thì không thể không biết đến thành Cổ Loa, Thục Phán An Dương Vương. Và ai đã từng đọc các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết Việt Nam thì không thể không biết đến truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy. Tôi đến Cổ Loa vào một ngày nắng đẹp, với một chút tò mò lẫn khao khát được quay trở lại với nguồn cội lịch sử đã tồn tại hàng ngàn năm.

Bao quanh giếng Ngọc là một hồ nước khá lớn, đây cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ phong phú vào những dịp lễ hội

Qua cầu Chương Dương, theo quốc lộ 1A cũ đến cây số 10 là cầu Đuống. Qua cầu là thị trấn Yên Viên, rẽ trái vào quốc lộ 3, đi 5km đến ngã ba rẽ phải, đi tiếp 2km nữa là vào khu di tích Cổ Loa.

http://k.domaindlx.com/dienbatn/Cau_Vao_Thanh_Co_Loa.jpgDù chỉ cách trung tâm thủ đô không xa, nhưng khi đặt chân lên mảnh đất cố đô trong tôi vẫn có cảm giác thật sự khác lạ. Không gian thoáng đãng, không khí trong lành. Cổ Loa trước mắt như hiện thân cho hình ảnh của một làng quê Bắc bộ, với những bến nước sân đình, cây đa cổ thụ bởi hơi thở của cuộc sống hiện đại với những nét văn hóa “lai căng” dường như chưa xâm lấn vào cuộc sống nơi đây.

Cổ Loa là kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của nhà nước Vạn Xuân dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10 sau Công nguyên. Đây là thủ đô thứ hai của Việt Nam sau Phong Châu (tỉnh Phú Thọ hiện nay), là thủ đô thời các vua Hùng.

Theo các tài liệu khảo cổ học, xa xưa nơi đây là rừng rậm, do biến đổi của thiên nhiên nên tất cả đã chìm vào lòng đất, hiện chỉ còn dấu tích những dải than bùn lớn, những cây cổ thụ... kéo dài qua nhiều địa phương từ Đài Bi qua Cầu Cả, Đại Đà, Hội Phụ đến Lỗi Khê.

Khu di tích Cổ Loa nằm trên địa phận 3 xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội), cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 17km về phía bắc.

Cổng tam quan vào đình Cổ Loa

Khác với các di tích lịch sử khác, Cổ Loa là một quần thể di tích có diện tích trải rộng trên một địa bản rộng lớn. Thành Cổ Loa theo tương truyền gồm chín vòng xoáy trôn ốc, nhưng căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học thấy thành có ba vòng, trong đó vòng thành nội rất có thể được làm về sau, dưới thời Ngô Quyền.

Chu vi vòng ngoài thành là 8km, vòng giữa 6,5km, vòng trong 1,6km, diện tích trung tâm lên tới 2km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao từ 4 m-5m, có chỗ cao 8 m-12 m. Chân lũy rộng 20m-30m, mặt lũy rộng 6m-12m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu m3.

Từ vòng trong - trung tâm của khu di tích Cổ Loa - tôi men theo các con đường làng để “xoáy” trở ra đến vòng ngoài. Trải qua hàng ngàn năm với những thắng trầm của lịch sử, với những sự thay đổi của thiên nhiên tạo hóa, những bờ tường kiên cố ngày xưa, nay chỉ còn những gò đất cao trung bình khoảng 2m, tuy nhiên theo lời các cụ bô lão trong làng thì muốn đi được hết được cả ba vòng tường thành phải mất gần nửa ngày trời.

Cụm di tích Cổ Loa hiện nay thuộc vòng trong, bao gồm chủ yếu các đình, đền thờ, tiêu biểu như đền thờ Thục Phán An Dương Vương (đền Thượng), giếng Ngọc, am Bà Chúa và dinh Ngự triều di quy.

Qua cổng làng, cũng là cổng thành trong, là tới đình làng Cổ Loa. Theo truyền thuyết thì đó là nền cũ của điện ngự triều, nơi bá quan triều hội ngày xưa nên trong đình còn tấm hoành phi "Ngự triều di quy”.

Tiền sảnh “Ngự triều di quy”, nơi thờ các quan văn võ nước Âu Lạc

Ban thờ bá quan văn võ

Bên trong “Ngự triều di quy" còn có rất nhiều di tích khảo cổ niên đại hàng nghìn năm, đặc biệt là những mũi tên bằng đồng từ thời An Dương Vương.

Những mũi tên này được khai quật tại di chỉ Cầu Vực, Cổ Loa có niên đại 2.000-2.500 năm

Cạnh đình là am Bà Chúa - miếu thờ công chúa Mỵ Châu, nằm nép dưới gốc đa già cổ thụ. Miếu am bé bỏng như cuộc đời ngắn ngủi của nàng công chúa đáng thương với "trái tim lầm chỗ để lên đầu". Trong am có một tảng đá hình người cụt đầu, ai cũng bảo đó là tượng Mỵ Châu.

Tượng bà chúa Mỵ Châu là một hòn đá tự nhiên có hình dáng người cụt đầu. Huyền thoại kể rằng: sau khi Mỵ Châu hóa thành hòn đá to trôi dạt về bãi Đường Cấm, ở phía đông thành Cổ Loa, dân trong thành đem võng ra cáng về đến gốc đa thì đứt võng, hòn đá rơi xuống, bèn lập am thờ ngay tại chỗ.

Qua am Mỵ Châu tới đền Thượng, tức đền An Dương Vương, tương truyền dựng trên nền nội cung ngày trước. Ðền này mới được làm lại hồi đầu thế kỷ 20, có đôi rồng đá ở bậc tam cấp cửa đền là di vật đời Trần hoặc Lê Sơ. Trong đền có tượng An Dương Vương bằng đồng mới đúc cùng dịp làm lại đền. Trước đền là giếng Ngọc, tương truyền là nơi Trọng Thủy tự tử vì hối hận. Nước giếng này mà đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng bội phần!

Trong quần thể khu di tích lịch sử Cổ Loa, đền Thượng (đền Thục Phán An Dương Vương) là điểm tham quan đáng chú ý nhất. Đền được xây dựng năm 1687 đời vua Lê Hi Tông, đứng trên một quả đồi xưa có cung thất của vua.

Cổng tam quan hiện lên một cách oai nghiêm sừng sững

Dù đã có niên đại hàng trăm năm, song trên mình rồng không có một chút rêu phong

Trước cửa đền có đôi rồng đá uốn khúc, tay vuốt râu, được chạm trổ tinh xảo, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê.

Qua cửa tam quan, bước vào trong đền những hàng cây xanh hai bên đền là một không gian thoáng đãng, trong lành khiến ai cũng cảm thấy tâm hồn sảng khoái, thanh thản.

Những cây đa cổ thụ xanh rờn bao quanh khu đền

Bước vào bên trong ngôi đền là một không gian khá rộng với lần lượt những ban thờ của các vị bá quan văn võ, tứ trụ triều đình, thần Kim Quy và bàn thờ của Thục Phán An Dương Vương.

Sự tĩnh mịch của ngôi đền, khác xa với sự ồn ào náo nhiệt ở bên ngoài

Ban thờ thần Kim Quy, trên bàn thờ là chiếc nỏ thần, thứ vũ khí bí mật làm khiếp sợ kẻ thù

Đá kè chân thành, gốm rải rìa thành, hào nước quanh co, ụ lũy phức tạp, hỏa hồi chắc chắn và nhất là địa hình hiểm trở ngoằn ngoèo. Cổ Loa ngày nay không chỉ đã trở thành một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm,mà nó còn là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương muốn khám phá những giá trị văn hóa,những hình ảnh quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ thanh bình.

Hằng năm vào ngày 6 tháng giêng âm lịch, cư dân Cổ Loa tổ chức một lễ hội trang trọng để tưởng nhớ những người đã có công xây thành, nhất là để ghi ơn An Dương Vương, người khai sinh ra nhà nước phong kiến Âu Lạc.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Khu di tích Cổ Loa ở huyện Đông Anh là một vùng thành trì lớn, một dấu tích vật chất về kiến trúc quân sự và đô thị cổ cách ngày nay gần hai thiên niên kỷ.

Bản đồ khu di tích Cổ Loa. Ảnh: tư liệu
Bản đồ khu di tích Cổ Loa. Ảnh: tư liệu

Di tích nằm về phía đông bắc của Thủ đô Hà Nội. Từ trung tâm Thủ đô qua cầu Chương Dương, theo quốc lộ 1, đến cây số 11, qua cầu Đuống, theo quốc lộ 3, đi tiếp đến cây số 18 là tới khu vực di tích.

Khu vực Cổ Loa là một khu thành đất đồ sộ với 3 vòng thành, chiều dài cả 3 vòng thành tổng cộng hơn 16 cây số. Không có tài liệu nào ghi lại cụ thể niên đại xây dựng, nhưng có lẽ thành được tạo lập vào khoảng thế kỷ III trước Công nguyên. Thành Cổ Loa gắn liền với câu chuyện An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc. Chuyện kể rằng: vào cuối thời Hùng Vương, vua nước Thục tên Phán, chiếm được nước của Hùng Vương, lập nước Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, định đô ở Cổ Loa ngày nay, cho xây ở đây 1 thành hình ốc gọi là Loa Thành. Câu chuyện xây thành đã trở thành huyền thoại. Thành cứ ngày xây, đêm đổ, nên chỉ khi vua được thần Kim Quy (Rùa Vàng) cho móng và mách kế diệt tinh Bạch Kê (Gà trắng) thì thành mới xây xong. Chiếc nỏ thần mà lẫy nỏ chính là móng rùa vàng, trăm phát trăm trúng, đã giúp vua tiêu diệt giặc, giữ được thành. Sau khi Trọng Thủy là con Triệu Đà từ phương Bắc tới đánh lừa lấy mất nỏ thần, mở đường cho quân xâm lược, thì An Dương Vương đã phải dẫn con gái Mỵ Châu chạy loạn. Những chiếc lông ngỗng Mỵ Châu rắc trên đường là dấu hiệu giúp cho Trọng Thủy theo tìm đến mối tình đầu, nhưng cũng đưa dắt kẻ thù truy đuổi nhà vua thất thế, khiến vua cha phải giết Mỵ Châu. Thất vọng vì mất người yêu, Trọng Thủy gieo mình xuống giếng trong Loa Thành. Khách tham quan ngày nay đến Cổ Loa còn được chỉ cho xem 1 cái giếng mang tên “giếng Trọng Thủy”.

Đi từ trong ra ngoài, thoạt tiên là vọng “Thành Trong”, hình chữ nhật mà chu vi là 1650m, nơi được xem là chỗ ở của nhà vua. Truyền thuyết còn tặng cho di tích cái tên là “Thành Nội”. Nhà cửa hay cung điện không còn nữa. Cái còn lại là vết tích của rãnh đào cống thoát nước. Cổng chính của “Thành Nội” ở giữa bờ thành phía nam. Từ cổng này nhìn vào, trước kia hẳn có nhà ở hay cung điện mà tiếng dân gian gọi là “Điện Ngự triều di qui”. Hai bên cổng có đắp 2 ụ công sự cao hơn mặt thành và nhô hẳn về phía trước. Ở bên góc “Thành Nội” còn đếm được 18 ụ công sự. Bao quanh thành là hào sâu và rộng.

Vòng thành giữa hay “Thành Trung” bao ngoài “Thành Nội”. Chu vi của nó là 6.500m. Từ cửa Nam (chợ Sa ngày nay) thành vòng về phía đông theo Đầm Cả, qua gò Voi ở phía bắc, vòng lại phía nam theo bờ sông Hoàng.

Vòng thành ngoài hay “Thành Ngoại” có chu vi là 8.000m. Một đoạn dài của sông Hoàng chảy từ tây nam đến đông nam, bao quanh thành từ đông bắc đến đông nam.

Ngoài khu thành đất đồ sộ có giá trị lớn đối với việc nghiên cứu lịch sử quân sự, xã hội… thời thượng cổ trên đất miền bắc nước ta. Năm 1982, chiếc trống đồng Cổ Loa được phát hiện tại gò Mả Tre, và bộ sự tập lưỡi cày đồng nổi tiếng thuộc văn hóa Đông Sơn cách nay hơn 20 thế kỷ. Hai kho mũi tên đồng gồm hàng vạn chiếc cũng được phát hiện tại đây vào giữa thế kỷ 20.

Trong khu vực “Thành Nội”, nhân dân ta đã xây dựng một số công trình tưởng niệm An Dương Vương: Đền Thượng và Ngự triều di qui.

Giếng Ngọc thành Cổ Loa. Ảnh: tư liệu
Giếng Ngọc thành Cổ Loa. Ảnh: tư liệu
Theo quan niệm phong thủy xưa, thì đền Thượng mọc lên trên một gò hình đầu rồng, hai gò hai bên là hai cánh rừng. Phía dưới có hai hố tròn: mắt rồng (rồng cầm ngọc). Toàn bộ giải đất được gọi là thân. Bên trong hồ có “giếng Trọng Thủy” – nơi truyền thuyết cho là Trọng Thủy đã gieo mình. Truyền thuyết còn nói rằng ngọc trai từ biển mang về mà rửa bằng nước giếng này sẽ sáng hơn, nên giếng còn mang một tên khác: “Giếng Ngọc”.

Đến nay vẫn chưa biết đền được xây dựng từ bao giờ, chỉ biết đã được sửa chữa lại vào năm 1687, và đến năm 1893 lại được trùng tu lớn.

Đền còn giữ một số di vật: tượng An Dương Vương bằng đồng hun, đúc năm 1897, 2 con ngựa “hồng – bạch” làm năm 1716, các đồ tự khí bằng đồng, sứ, gỗ, vải… Trước cổng đền có 2 con rồng đá, thân uốn lượn, tay vuốt râu, phô ra những nét chạm tinh tế - tài nghệ của những người thợ thủ công Việt Nam thế kỷ XVII.

Còn “Ngự triều di qui” là một ngôi đình được chuyển từ nơi khác về, và dựng lại hồi cuối thế kỷ XVIII lên trên khu đất tương truyền là “Khu ngự triều di qui” – nơi xa xưa vua Thục “thiết triều”. Giữa đình, còn bức cửa võng chạm hình tứ linh (long, ly, quy, phượng) và tứ quý (đào, cúc, trúc, mai). Bức chạm khá tinh tế, thếp vàng rực rỡ.

Bên trái đình, “cây đa nghìn tuổi” nay đã không còn. Sau gốc đa, hé ra cửa tò vò vào am thờ nàng Mỵ Châu. Am thờ một hòn đá, trôi dạt về phía đông vòng thành giữa, dân thấy hòn đá kỳ dị, bèn rước về thờ.

Xã Cổ Loa có khu di tích lớn và là di tích duy nhất còn lại đến nay về một thủ phủ lớn. Một Thủ phủ mà cha ông ta đã thiết lập trên đồng bằng Bắc Bộ, thoạt đầu tiên hẳn là Thủ phủ của một thủ lĩnh quân sự lớn. Đây còn là di tích duy nhất về kiến trúc quân sự thời viễn cổ ở nước ta. Khu di tích đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa ở đợt đầu trên toàn quốc năm 1962.

Theo Hà Nội - Di tích Lịch sử Văn hóa và Danh thắng, Doãn Đoan Trinh, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, Hà Nội, 2002, tr305-308

No comments:

Post a Comment